Dịch vụ GrabShare bị ‘tuýt còi’, đại diện Grab Việt Nam nói gì?

authorĐỗ Thu Thoan 09:36 29/06/2017

(VietQ.vn) - Đầu tháng 5 vừa qua, Grab Việt Nam đã giới thiệu và đưa vào hoạt động tính năng Grabshare (chia sẻ chuyến đi) tại Hà Nội và TP.HCM. Song, Bộ GTVT đã yêu cầu Grab không triển khai dịch vụ này để đảm bảo thực hiện đúng quy định hiện hành.

Về vấn đề này, trao đổi với VnEconomy, đại diện Grab Việt Nam cho hay, GrabShare là một tính năng mới của GrabCar và hoàn toàn nằm trong phạm vi của đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar.

“Chúng tôi vẫn đang làm việc tích cực với Bộ GTVT để hoàn thiện về mặt kỹ thuật, cụ thể là về phương thức thể hiện của hợp đồng vận tải cho phù hợp với các quy định hiện hành. Đây là quá trình diễn ra tương tự trước đây khi Grab làm việc với các cơ quan chức năng để xây dựng Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar”, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam, nói.

Cũng theo bà Nguyễn Thu An, công ty đã giải thích và tham vấn với rất nhiều bộ, ngành, cơ quan để thống nhất về phương thức giao kết hợp đồng vận tải điện tử cho phù hợp với các quy định.

dich-vu-grabshare-bi-tuyt-coi-dai-dien-grab-viet-nam-noi-gi

GrabShare là tính năng mới của Công ty TNHH GrabTaxi. Ảnh minh họa

“Grab hiểu rằng sự có mặt và phát triển của công nghệ đã tạo ra những sự thay đổi lớn trong ngành vận tải và đôi khi gây ra sự bối rối trong việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên không phải vì vậy mà chúng ta hoàn toàn loại bỏ hay kết luận điều đó là trái pháp luật. Chúng tôi tin rằng chỉ cần một tính năng mang lại lợi ích cho người dân, cho doanh nghiệp và cho xã hội thì các cơ quan Chính phủ sẽ hoàn toàn ủng hộ và tạo điều kiện phát triển”, VnEconomy dẫn lời bà An cho hay.

Cùng với yêu cầu được đưa ra với dịch vụ Grabshare của hãng Grab vào đầu tháng 5, mới đây, theo VnExpress, Bộ GTVT cũng đã có văn bản yêu cầu hãng Uber không triển khai dịch vụ UberPOOL (đi chung) đối với xe hợp đồng, đồng thời có động thái tương tự với tất cả các đơn vị tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Theo đại diện Bộ GTVT, với mỗi chuyến xe hợp đồng, hành khách (hoặc nhóm) đã ký giao kết trọn gói cả chuyến xe, không phải là thuê chỗ ngồi. Do đó, việc đơn vị vận tải có thêm hợp đồng với nhiều người khác sẽ gây bất tiện cho hành khách.

Cũng theo Thông tư số 63 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký một hợp đồng vận chuyển khách.

Theo đại diện Bộ GTVT, quy định được đưa ra nhằm bảo đảm quyền lợi cho hành khách, phòng ngừa những hệ lụy phát sinh trong quá trình thuê xe, theo VnExpress.

Để ngăn chặn các Uber và Grab thực hiện sai quy định, theo Dân Trí, Bộ GTVT cho biết sẽ yêu cầu thanh tra giao thông các địa phương đang thực hiện thí điểm tăng cường xử lý các xe cung cấp dịch vụ đi chung. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính từ 4 đến 6 triệu đồng/lần.

Dịch vụ đi chung xe được hãng Grab và Uber đã ra mắt hồi tháng 5, cho phép hành khách hưởng chi phí rẻ hơn khoảng 30% so với dịch vụ đặt xe thông thường, đồng thời giúp tài xế tăng thêm thu nhập nhờ kết hợp 2 cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe.

Liên quan đến dịch vụ này, các hãng taxi truyền thống đã phản đối kịch liệt và khẳng định đó là hành vi vi phạm pháp luật, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang