Điểm danh các công ty con Vicem lỗ nặng dù đang tập trung tái cơ cấu, thoái vốn

author 06:36 14/06/2019

(VietQ.vn) - Năm 2018, dù Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) báo lãi 2.389 tỷ đồng, tăng 21% nhưng hàng loạt công ty con vẫn còn lỗ nặng.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Báo cáo tài chính năm 2018 của công ty mẹ Vicem ghi nhận doanh thu thuần đạt 27.867 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2017; nhận lợi nhuận trước thuế 2.389 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2017. Tuy nhiên, không ít công ty con của Vicem ghi nhận tình hình kinh doanh kém khởi sắc.

 Vicem muốn bán dự án VICEM TOWER sau 8 năm "đắp chiếu".

Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp vẫn thuộc diện mất an toàn về tài chính

Đối với các công ty 100% vốn, Vicem cho biết, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch và Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng đảm bảo tài chính. Các chỉ tiêu về thanh toán nợ đến hạn của Vicem Hoàng Thạch lớn hơn 1, còn của Vicem Hải Phòng đã được cải thiện là 0,53 (năm 2017 là 0,51).

Riêng trường hợp Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp thì tình hình tài chính rất khó khăn, vẫn thuộc diện mất an toàn về tài chính.

Theo Vicem, nguyên nhân là do hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2018 là 17,71, lớn hơn 3; lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2018 là -1.103 tỷ đồng, lớn hơn 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu; khả năng thanh toán nợ đến hạn tại thời điểm ngày 31/12/2018 là 0,25.

Được biết, theo quy định thì Vicem Tam Điệp phải thực hiện giám sát tài chính đặc biệt nhưng công ty đang thực hiện cổ phần hóa cùng với Công ty mẹ - Vicem và dự kiến hoàn thành trong năm 2019 nên sẽ được tái cơ cấu toàn diện, trọng tâm là tái cơ cấu về tài chính. Vì vậy, Vicem đề nghị không đưa công ty Vicem Tam Điệp vào diện giám sát tài chính đặc biệt.

Xi măng Hạ Long là ‘gánh nặng’ của Vicem

Nhắc đến các công ty mà Vicem nắm 50% vốn điều lệ thì Vicem Vật tư vận tải xi măng, Vicem Vận tải Hoàng Thạch, Vicem Vật liệu Xây dựng Đà Nẵng và Vicem Thạch cao xi măng đều ghi nhận lợi nhuận giảm sút.

Đặc biệt, hai đơn vị là CTCP Xi măng Hạ Long, CTCP Xi măng Sông Thao vẫn trong tình trạng mất an toàn tài chính, thuộc diện phải giám sát tài chính đặc biệt. Nguyên nhân do hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3; hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn nhỏ hơn 0,5 và số lũy kế lớn hơn 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu.

 CTCP Xi măng Hạ Long vẫn trong tình trạng mất an toàn tài chính, thuộc diện phải giám sát tài chính đặc biệt. Ảnh internet

Cụ thể, tại CTCP Xi măng Vicem Hạ Long, Vicem tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn của Tổng Công ty Sông Đà từ tháng 3/2016. Sau đó, Vicem đã tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của Xi măng Hạ Long khởi sắc, năm 2016 đã có lãi 148 tỷ đồng.

Năm 2017, công ty lại bị lỗ đến 199,5 tỷ đồng; hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn tại ngày 31/12/2018 là 0,13 (nhỏ hơn 0,5); lỗ lũy kế đến hết năm 2018 là 3.580,5 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2018 âm 1.638,2 tỷ đồng.

Còn tại CTCP Xi măng Vicem Sông Thao, Vicem mới tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh và phát triển nhà đô thị (HUD) từ tháng 6/2017. Năm 2018 dù doanh nghiệp đã kinh doanh có lãi 19,7 tỷ đồng thì hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn tại ngày 31/12/2018 của công ty chỉ là 0,17 (nhỏ hơn 0,5); hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 4,23 (lớn hơn 3), lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2018 là âm 410,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này đã và đang thực hiện tái cơ cấu toàn diện, trọng tâm cũng là tái cơ cấu tài chính nên Vicem đề nghị không đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt.

Ngoài ra, một số công ty khác có hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn ở mức thấp là CTCP Xi măng Bỉm Sơn 0,45; Vicem Bút Sơn 0,34. Nguyên nhân chủ yếu do cơ cấu vốn đầu tư phát triển trước đây phần nhiều là vốn vay, lợi nhuận đạt được không như kỳ vọng, áp lực trả nợ vay đầu tư lớn… nên đã sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để bổ sung tài trợ, trả nợ dài hạn…

CTCP Sông Đà 12, Tấm lợp Vật liệu xây dựng Đồng Nai bị lỗ, mất an toàn về tài chính

Còn các công ty mà Vicem nắm dưới 50% vốn, tình hình kinh doanh của không ít công ty rơi vào tình trạng khó khăn, khả năng tài chính kém.

Trong đó, công ty Xi măng Chinfon, Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Siam City (trước đây là Xi măng Hoicim), Xi măng Tây Đô, Bao bì Hoàng Thạch, Bao bì Hải Phòng, Bao bì Bỉm Sơn, Bao bì Bút Sơn, Bao bì Hà Tiên, hoạt động sản xuất kinh doanh đều có lãi dù lợi nhuận giảm hơn so với năm 2017 (riêng Xi măng Tây Đô lợi nhuận tăng so với năm 2017); tình hình tài chính tương đối tốt, khả năng thanh toán nợ đến hạn đều ở mức khá; vốn đầu tư được bảo toàn và phát triển…

Trong khi đó các CTCP như: Sông Đà 12, Tấm lợp Vật liệu xây dựng Đồng Nai lại hoạt động không hiệu quả, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 vẫn bị lỗ, mất an toàn về tài chính. Vicem sẽ thoái vốn ở các đơn vị này khi được Bộ Xây dựng phê duyệt.

Riêng với Công ty cao su Đồng Phú – Kratie và Công ty cao su Đồng Nai – Kratie, Bộ Xây dựng và Vicem vẫn đang phối hợp với Công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) triển khai phương án chuyển giao phần vốn Nhà nước của Vicem tại hai công ty này về SCIC khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang