Điểm mặt các vụ cảnh sát nổ súng, người dân "lãnh đủ"

author 16:03 12/03/2013

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ cảnh sát nổ súng với nhiều lý do khác nhau.

Vụ công an xã nổ súng, ba người bị thương

 Ngày 20/9/2012, chính quyền, đoàn thể kết hợp với Công an xã Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long) vận động một hộ dân ở ấp Mỹ Thới 2 giao đất để làm đường giao thông thông thôn. Đất bị mất nhưng không được bồi thường nên dân ngăn cản không cho cơ giới vào thi công dẫn đến xô xát.
 
Trong lúc hỗn loạn, nhiều phát súng vang lên. Ba người bị thương được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long cấp cứu. là bà Nguyễn Thị Loan, Võ Thị Sang và Nguyễn Thị Nhanh. Đến chiều cùng ngày, bà Nhanh được phẫu thuật gắp ra khỏi chân trái một đầu đạn cao su.
 
Ông Trương Văn Lợt, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa cho biết lúc giao đất làm đường và bảo vệ thi công, người dân đã dùng hung khí ngăn cản, chém một công an xã là anh Nguyễn Văn Tâm bị thương. Vì vậy, anh này đã nổ súng bắn 3 phát chỉ thiên nhưng người dân tiếp tục manh động. Sau đó công an xã nổ súng tiếp làm 3 phụ nữ bị thương.
 
Công an nổ súng trường gà làm một người thiệt mạng
 
Vụ việc xảy ra vào ngày 10/12/2012, thượng sĩ Nguyễn Duy Tùng (SN 1989), Công an huyện Yên Thế, cùng nhiều cảnh sát hình sự ập vào sới gà tại gia đình ông Nguyễn Tiến Dương (SN 1961, tại thị trấn Bố Hạ, Yên Thế). Thấy cảnh sát, ông Bùi Văn Lợi, một trong những “con bạc”, đã hoảng hốt bỏ chạy về phía bờ ruộng. Ông Lợi bị thượng sĩ Tùng truy đuổi, bắn súng thị uy.
 
Tường trình với đơn vị, thượng sĩ Tùng cho biết, chạy khoảng 100 mét anh Tùng đã đuổi kịp, giữ được ông Lợi. Trong lúc giằng co, súng trên tay của Tùng bị cướp cò khiến đạn bắn vào vai ông Lợi khiến ông này tử vong.
 
Đại tá Nguyễn Văn Chức – Chánh văn phòng Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, trong khi truy bắt, Thượng sĩ Nguyễn Duy Tùng (SN 1989) dùng súng quân dụng K54 bắn chỉ thiên. Trong lúc bắn, khẩu súng K54 của thượng sĩ Tùng cướp cò nên bắn trúng vai trái ông Lợi.

 Nguyên CSGT nổ súng ngày mùng 1 tết
 
Chiều 21/2/2012, Đại tá Phạm Hữu Châu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An, cho biết cơ quan điều tra đã làm rõ vụ nổ súng vào chiều 10-2 (mùng 1 tết Nguyên đán) tại xã Tân Phú, huyện Đức Hòa.
 
Theo điều tra ban đầu, người bắn súng là ông Hoa Thanh Điền, ngụ TP.HCM. Thời điểm năm 2009, ông Điền là trung úy CSGT thuộc Công an quận 7, TP.HCM và đã bị tước danh hiệu công an nhân dân do vi phạm kỷ luật.
 
Chiều 10-2, ông Điền tới nhà người thân ở ấp Bàu Trai Hạ, xã Tân Phú, chúc tết sau đó ngồi uống rượu với một số người dân địa phương. Trong lúc lời qua tiếng lại trên bàn nhậu, bất ngờ ông Điền rút trong người ra khẩu K54 bắn chỉ thiên năm phát liên tiếp trước đám đông.
 
Theo ông Châu, sau khi hết thời hạn tạm giữ hình sự, ông Điền được tạm thời tại ngoại, chờ xử lý sau.
 
Trưởng công an xã nổ súng bắn học sinh
 
Vụ việc xảy ra khoảng 21h ngày 15/7/2012, tại khu vực cánh đồng gần thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nạn nhân là cháu Đan Gia Bách (SN 1996, học sinh 10 trường THPT Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội).
 
Vụ việc được xác nhận là do Trưởng Công an xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội, ông Lê Thanh Tùng gây ra 
 
Theo đó khi đi làm nhiệm vụ tuần tra đêm tại khu vực cánh đồng gần thôn Nhuế, xã Kim Chung, gặp một đôi thanh niên nam nữ đang ngồi tâm sự. Sau khi nhắc nhở, vị trưởng công an xã này bất ngờ rút súng bắn vào nam thanh niên gây trọng thương, rồi bỏ đi.
 
Ông Phan Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho biết: “Sự việc xảy ra do anh Tùng không báo cáo nên mãi đến tối 16/7 chúng tôi mới biết. Chiều 17/7, UBND xã đã tiến hành họp để tạm đình chỉ công tác với anh Tùng”
 
Phó công an xã bắn người bị còng tay.
 
Trung tá Dương Trí Dũng, Phó Trưởng Công an xã Tắc Vân (TP Cà Mau), thừa nhận đã bắn đạn cao su vào mặt của anh Huỳnh Nhật Quang khi anh này đang bị còng tay tại trụ sở công an xã với lý do bị đối tượng này chống đối mạnh.
 
Theo đó, lúc 0 giờ 30 phút ngày 5-2, nhóm của anh Quang chạy xe máy đến địa bàn ấp 2, xã Tắc Vân, TP Cà Mau thì bị công an xã lập biên bản vi phạm luật giao thông. Quang không mắc lỗi nhưng cũng dừng xe. Khi thấy Trung tá Dũng, Quang đến xin không tạm giữ xe của bạn rồi lớn tiếng với lực lượng làm nhiệm vụ nên bị kiểm tra giấy tờ và giữ chìa khóa xe. Quang cự cãi, xô xát nên bị còng tay, giải về trụ sở công an xã. 
 
Những người chứng kiến sự vụ xác nhận là khi bị kiểm tra xe, cự cãi, Quang bị Trung tá Dũng bắn hai phát đạn nhưng không bị thương tích gì. Với phát súng thứ ba tại trụ sở công an xã, hàm phải của Quang bị thủng sâu gần 3 cm.
 
Ông Trương Ngọc Danh, Trưởng Công an TP Cà Mau, cho biết: Công an xã Tắc Vân đã có báo cáo sự việc trên. Huyện đã cử lực lượng xác minh thêm việc nổ súng của ông Dũng và hành vi chống người thi hành công vụ của Quang.
Phỏng vấn PGS.TS Trần Vi Dân, Vụ phó vụ pháp chế Bộ Công an:
 
Tình trạng chống người thi hành công vụ đã báo động đến mức phải cho phép người thi hành công vụ nổ súng trong một số trường hợp, thưa ông?
Hiện tượng chống người thi hành công vụ lẽ ra ngày càng phải giảm đi nhưng đáng tiếc gần đây nó có xu hướng diễn biến rất phức tạp. Chúng ta có thể nghe thấy hàng ngày, hàng giờ các vụ việc chống người thi hành công vụ. Việc đáng lo ngại đó cần phải có giải pháp cụ thể để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, sự an toàn cho người thi hành công vụ trong đó có cả kiểm lâm, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển… chứ không riêng gì cảnh sát giao thông.
Cũng phải nó rằng, Nghị định này không có gì mới, chỉ là hướng dẫn một cách chi tiết hơn để lực lượng công vụ áp dụng khi làm nhiệm vụ. Có hai văn bản cao hơn mà chúng tôi căn cứ vào đó để xây dựng Nghị định này. Thứ nhất, trong bộ Luật Hình sự có quy định việc phòng vệ chính đáng để chống trả lại một cách tương xứng những hành vi trái pháp luật, xâm phạm một cách trái phép… Tất nhiên, đi cùng với nó cũng có một số điều khoản quy định về việc vượt quá phòng vệ chính đáng. Thứ hai, Pháp lệnh 16 về sử dụng, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ban hành năm 2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có đề cập đến việc nổ súng của người thi hành công vụ.
Ông khẳng định đưa ra quy định nổ súng vào đối tượng chống người thi hành công vụ là việc không thể trì hoãn?
Đưa ra những quy định cụ thể để người thi hành công vụ và các tổ chức áp dụng pháp luật bảo vệ bản thân họ là việc làm cần thiết. Đây cũng là phản ứng cần thiết của Nhà nước để duy trì an ninh trật tự. Ở đây, chúng tôi cũng muốn nói rằng xã hội phải có thái độ bảo vệ người thi hành công vụ khi họ thực thi đúng nhiệm vụ của mình và cũng phải phê phán, có biện pháp phù hợp nếu họ lạm quyền.
Nhưng không phải trường hợp chống người thi hành công vụ nào cũng được nổ súng, thưa ông?
Phải tùy theo tính chất của sự việc chứ không phải nổ súng một cách tràn lan, không phải mọi trường hợp có thể nổ súng. Dự thảo quy định rõ trường hợp nào mới được nổ súng. Nếu như hành vi chống người thi hành công vụ chỉ dừng ở lời nói, hành vi chửi bới, không có nguy cơ gây thương tích thì chắc chắn là không được nổ súng. Nhưng trên tay người chống đối cầm vũ khí nóng (lựu đạn, súng) hay vũ khí lạnh (dao, kiếm…) có khả năng gây thương tích nghiêm trọng hoặc chết người thì chắc chắn phải sử dụng biện pháp mạnh để vô hiệu hóa.
Như ông nói quy định người thi hành công vụ chỉ được phép nổ súng trong một số trường hợp cụ thể nhưng nhiều người vẫn lo ngại xu hướng, khi có thêm quyền những cán bộ này có thể sẽ lạm dụng trong những trường hợp chưa cần thiết?
Có hai vấn đề khác nhau ở đây. Thứ nhất, trong quá trình thi hành công vụ, người thi hành công vụ đều được cơ quan có thẩm quyền xác định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn. Nếu làm sai, công dân có quyền khiếu nại các quyết định của người thi hành công vụ. Chứng minh được việc làm sai của lực lượng chức năng, người dân được bồi thường. Chúng ta đã có Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước quy định rõ, nếu người thi hành công vụ làm sai, cơ quan chủ quản phải bồi thường.
Mặt khác trong bộ Luật Hình sự cũng có những điều luật nghiêm khắc quy định việc xử lý những người thi hành công vụ nếu họ làm sai đến mức nguy hiểm.
 Tôi cho rằng, pháp luật chúng ta tương đối hoàn thiện, đủ chặt chẽ, vấn đề là tổ chức thực hiện thế nào cho tốt hơn mà thôi. Còn nguyên tắc trong dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, quan điểm cơ quan soạn thảo là đưa ra những quy định để loại bỏ khả năng lợi dụng pháp luật, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. (Nguồn DT)

 

 
Mai Anh Tuân (t/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang