Điểm mặt đại gia bất động sản vướng lao lý

author 07:23 04/07/2013

3 năm gần đây, thị trường nhà đất liên tục có những "cú sốc" lớn khi nhiều đại gia BĐS vướng vào vòng lao lý

Sự kiện: Bất động sản

 Ông chủ VinaMegastar bị bắt

Việc ông Nguyễn Hoàng Long (SN 1971) – Chủ tịch HĐTV công ty CP Tập đoàn Megastar bị Cơ quan CSĐT bắt giam với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây. Đặc biệt, thông tin này gây hoang mang đối với những khách hàng đã từng góp vốn, hợp tác mua các dự án nhà ở do Megastar làm chủ đầu tư.

Theo thông tin mà PC46 – Công an Tp.HCM mới đây cung cấp cho báo chí, cơ quan điều tra vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Hoàng Long. Trước mắt cơ quan điều tra xác định ông Long chiếm đoạt của SeaBank số tiền gần 30 tỷ.

Trên địa bàn khắp cả nước VinaMegastar tham gia đầu tư vào khoảng 10 dự án BĐS, cơ sở hạ tầng, khu vui chơi giải trí. Tập đoàn này cũng "nổi danh" với 2 dự án lớn là Hesco Văn Quán và Vĩnh Hưng Dominium. Dự án này do Megastar Land hợp tác kinh doanh với những đơn vị khác để triển khai, và đã huy động vốn từ những năm 2009, 2010.

Thị trường bất động sản đang chứng kiến những vụ bắt bớ của các đại gia một thời giàu lên nhờ đầu cơ đất đai
Thị trường bất động sản đang chứng kiến những vụ bắt bớ của các đại gia một thời giàu lên nhờ đầu cơ đất đai


Lừa bán căn hộ Thanh Hà A lấy 800 tỷ đồng

Tháng 9/2010, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với  lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5 (Công ty 1/5) Lê Hòa Bình về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo tài liệu điều tra, ngày 19/1/2010, Công ty 1-5 ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Phát triển địa ốc CIENCO5 (CIENCO5). Theo đó, Công ty 1-5 cho CIENCO5 vay 200 tỷ đồng, đổi lại, Công ty 1-5 được ưu tiên thực hiện hợp tác đầu tư vào Khu đô thị Thanh Hà A (thuộc quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, Hà Nội), có diện tích 55.000 m2.

Ngay sau đó, Bình lập tức chỉ đạo cấp dưới huy động tiền đặt cọc mua quyền sử dụng đất từ các cá nhân có nhu cầu với tỷ lệ 30% giá trị thửa đất. Từ ngày 1- 4/2/2010, Công ty 1-5 đã ký 7 hợp đồng bán quyền sử dụng đất, tương đương 12,3 tỷ đồng dưới dạng góp vốn vào Công ty. Trước đó, ngày 31/1/2010, do Công ty 1-5 không thực hiện nghĩa vụ cho vay vốn đối với CIENCO5 theo đúng quy định là sau 5 ngày ký kết hợp đồng, chủ đầu tư Khu đô thị Thanh Hà A đã có văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng hợp tác nói trên. Dù vậy, Bình và đồng bọn vẫn bưng bít thông tin, tiếp tục sử dụng hợp đồng cho CIENCO5 vay vốn cùng một số giấy tờ thỏa thuận khác để lừa khách hàng.

Kết quả điều tra xác định, kể từ khi CIENCO5 ra thông báo hủy bỏ sự hợp tác với Công ty 1-5 đến ngày 12/4/2010, Bình và cấp dưới đã ký tổng cộng 463 hợp đồng giao vốn (thực chất là mua quyền sử dụng đất tại Dự án Thanh Hà A) với tổng diện tích hơn 80.000 m2, tương đương hơn 789 tỷ đồng.

Siêu lừa Nguyễn Anh Quân

Theo điều tra, đầu năm 2011, với tư cách Tổng giám đốc Công ty cổ phần BETA BQP,  Nguyễn Anh Quân đã ký các hợp đồng vay vốn và hợp đồng hợp tác đầu tư với một doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản, là Công ty HANIC.

Trong các hợp đồng và nhiều công văn gửi HANIC, Quân luôn khẳng định gian dối rằng Công ty BETA BQP là “nhà đầu tư thứ phát” tại Dự án Thanh Hà A - CIENCO5, và khẳng định “sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để thực hiện dự án” cho HANIC, qua đó Quân đã chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng.

Thực tế HANIC không có đủ số tiền trên. Công ty này cũng huy động vốn từ nhiều cá nhân, nhóm thể nhân. Sự việc vỡ lở vào tháng 4-2011, khi những người đóng tiền cho HANIC bắt đầu làm đơn tố cáo, đòi trả lại tiền, do Công ty này không có lô đất nào ở Dự án Thanh Hà để bán cho họ như đã hứa.

Nguyễn Anh Quân bị truy nã quốc tế từ ngày 3/2/2012. Trước đó đã bị truy tố (20/12/2011) theo lệnh của công an Vĩnh Phúc sau khi ông đáp máy bay đi Ðức ngày 5/12/2011. Sau đó ít lâu, Nguyễn Anh Quân bị bắt giữ khi nhân viên an ninh sân bay Dulles kiểm tra lý lịch hành khách thì thấy đương sự đang bị Cảnh sát quốc tế (Interpol) truy nã.

Bắt giám đốc dự án giãn dân Phố cổ

Ngày 26/9/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã bắt giữ Trần Ứng Thanh, tổng giám đốc Công ty cổ phần vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà) để điều tra về tội lừa đảo hàng trăm khách hàng chiếm đoạt gần 200 tỉ đồng với danh nghĩa bán căn hộ tại dự án giãn dân phố cổ.

Theo hồ sơ, ngày 5-11-2009 UBND Q.Hoàn Kiếm có quyết định giao Công ty CP Phát triển kinh tế Hà Nội (đơn vị thành viên của Công ty Hồng Hà) thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị xây dựng dự án giãn dân phố cổ sang khu đô thị Việt Hưng (Q.Long Biên).

Theo đó, Công ty Hồng Hà được mua 50 căn hộ chung cư và UBND Q.Hoàn Kiếm cũng đồng ý về nguyên tắc cho Công ty Hồng Hà sử dụng để kinh doanh 15% căn hộ trên tổng dự án mà công ty bỏ vốn đầu tư. Ngay sau đó, công ty này đã sử dụng các văn bản trên để rao bán căn hộ tại dự án trên mạng Internet và tại các sàn giao dịch bất động sản.

Phát hiện việc rao bán nhà này, ngày 22-4-2011, UBND Q.Hoàn Kiếm có văn bản gửi Công ty Hồng Hà thông báo hủy công văn về những ưu đãi đã ban hành ngày 23-8-2010, đồng thời khẳng định mọi hành vi mua bán, chuyển nhượng các căn hộ liên quan đến dự án giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng cũng như bán hoặc chuyển nhượng dự án này là trái quy định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên sau đó Công ty Hồng Hà vẫn sử dụng văn bản cũ để huy động vốn của hàng trăm người với số tiền gần 200 tỉ đồng.

Tuệ Minh/TTT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang