Điểm mặt những sự cố liên quan đến nước ngọt có gas

author 06:49 01/10/2014

(VietQ.vn) - Nước ngọt có gas như Coca- Cola, Pepsi ,… là những đồ uống rất phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm lại tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng, đặc biệt thời gian gần đây mặt hàng này liên tục xảy ra nhiều sự cố.

Nước ngọt có gas làm từ nước giếng và hóa chất

Vào 1/2013, Đội 2, PC49 phối hợp với Đội QLTT số 7, 24, Công an huyện Hoài Đức kiểm tra Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Thanh Mai (xóm Tiền Phong, xã La Phù, huyện Hoài Đức) - chuyên chế biến, sản xuất nước ngọt, rượu các loại.

Nước ngọt có gas được làm từ nước giếng, đường Trung Quốc và nhiều hóa chất khác

Nước ngọt có gas được làm từ nước giếng, đường Trung Quốc và nhiều hóa chất khác. Ảnh minh họa

Làm việc với lực lượng chức năng, ông Nguyễn Hữu Mạnh (34 tuổi) - Giám đốc công ty thừa nhận, doanh nghiệp hoạt động từ năm 2011, song không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP do cơ quan quản lý nhà nước cấp. Theo đó, nước ngọt có gas được cơ sở này sản xuất từ nước giếng khoan, trộn với đường Trung Quốc, hương liệu tạo mùi các loại (cam, chanh, cola).

Trung bình, với khoảng 200ml nước ngọt cốt, hòa đầy với nước giếng khoan, sục qua khí CO2 sẽ có một chai nước ngọt có gas thành phẩm loại 1,5 lít. Các chai nước này sau đó được dán tem nhãn, đóng gói đẹp mắt khá giống với kiểu dáng các sản phẩm thương hiệu.Với "công nghệ" sản xuất thủ công, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp này ra lò 150 lít nước ngọt, tương đương 100 chai loại 1,5 lít.

Kiểm tra các nguyên liệu sản xuất nước ngọt, lực lượng chức năng xác định, tất cả đều mua trôi nổi ngoài thị trường (chất tạo màu, tạo ngọt, tạo mùi) với giá siêu rẻ, không qua kiểm định chất lượng. Đặc biệt, trinh sát Đội 2, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường còn phát hiện, thu giữ 1 túi đường cyclamate (loại đường không nằm trong danh mục các chất phụ gia được sử dụng trong thực phẩm, gây hại đến sức khỏe người sử dụng) tại cơ sở này.

Nước ngọt Samurai “ngâm” vỏ kẹo

Cách đây không lâu, khi mua nước về gia đình liên hoan, anh Tống Văn Quân (nhà 22 ngõ 250/20) Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội hoảng hồn vì phát hiện bên trong chai nước ngọt Samurai có vỏ kẹo “nho đen”.

Theo tìm hiểu thì đây là chai nước Samurai, một sản phẩm của Cocacola được giới trẻ rất ưa chuộng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, quan sát kỹ bên trong chai Samurai màu đỏ này “thấp thoáng” một vỏ kẹo “nho đen” đang được “ngâm” trong đó. Trong khi trên bao bì sản phẩm này ghi rõ NSX 30/04/2014, HSD 30/04/2015.

Vỏ kẹo

Vỏ kẹo "nho đen" trong chai nước ngọt Samurai. Ảnh minh họa

Hiện trạng của sản phẩm này được gia đình anh Quân lưu giữ rất cẩn thận, theo quan sát của phóng viên thì nắp chai không có sự tác động từ bên ngoài và còn nguyên vẹn.

“Gia đình tôi rất bất ngờ vì thấy một sản phẩm có tiếng lại có “dị vật” bên trong như thế này, con trẻ uống vào không biết là ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe…” - anh Quân bức xúc.

Điều đáng buồn ở đây, khi sự việc xảy ra, gia đình đã liên hệ với Trung tâm chăm sóc khách hàng Coca cola và đơn vị này đã cử nhân viên xuống làm việc. Tuy nhiên, chỉ xuống lập biên bản nhưng cho đến thời điểm nay cũng không có phẩn hồi gì cho khách hang về vụ việc trên.

Coca Cola ăn gian trọng lượng nước giải khát

Vừa qua, Báo Đời sống & Pháp luật lại nhận được phản ánh của một độc giả ở TP Huế, độc giả này là một chủ 1 quán cà phê phản ánh về việc quán cà phê của anh M. nhập một lô nước giải khát Coca Cola trong đó có 1 lon “không bình thường”.

Qua quan sát, lon nước Coca Cola mà độc giả phản ánh chỉ nặng chừng 100 gam trong khi các lon nước bình thường khác có trọng lượng nặng đến 350 gam. Lon nước vẫn còn hạn sử dụng đến 03/6/2015, còn nguyên vẹn căng cứng, chưa có dấu hiệu bị xì hơi.

Lon Coca - cola chỉ có trọng lượng khoảng 100g

Lon Coca - cola chỉ có trọng lượng khoảng 100g. Ảnh minh họa

Theo anh M. thì anh đã điện đến đường dây nóng được in trên lon nước nói trên, sau một hồi trình bày sự việc thì cuối cùng anh nhận được câu trả lời rằng “Anh muốn gì?” Bức xúc trước thái độ bất hợp tác nên anh M đã liên lạc với báo chí để phản ánh.

Phóng viên đã liên lạc với nhà phân phối Minh Hòa, sau khi nói rõ nội dung làm việc. Phóng viên cũng vẫn có câu trả lời như anh M. đã phản ánh thì “nhà phân phối không liên quan gì đến sản phẩm không bình thường”.

Tuy nhiên sau đó, một người tên là Nguyễn Phước là nhân viên của công ty Coca Cola đến gặp anh M. mượn lại sản phẩm kể trên để chuyển về công ty kiểm tra lý do đồng thời hứa 15 ngày sau sẽ nêu rõ lý do. Ngay sau khi xem xét kỹ lưỡng lon Coca Cola nêu trên, anh Phước đã viết biên nhận đồng thời cho biết tình trạng của lon nước này là “còn nguyên vẹn. Tuy nhiên thư phúc đáp của Coca Cola gửi cho anh M thì cho rằng “lon sản phẩm đã bi ăn mòn (oxy hóa) từ ngoài vào trong gây nên vết thủng ở đáy lon. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ít nước”.

Nhân viên của cổng ty đã đến làm việc nhưng chưa có kết luận thỏa đáng cho vấn đề này

Nhân viên của cổng ty đã đến làm việc nhưng chưa có kết luận thỏa đáng cho vấn đề này. Ảnh minh họa

Trước câu trả lời này anh M. bức xúc cho biết “Hôm nhân viên Coca Cola mượn lại sản phẩm qua kiểm tra tại chỗ cho thấy lon nước chẳng có một vết thủng nào, nên đã có kết luận là còn nguyên vẹn. Còn nếu có vết thủng thật thì tại sao tôi bóp sản phẩm lại căng cứng đến vậy”. Theo chứng kiến của phóng viên báo Đời sống và Pháp luật và một phóng viên của báo khác đóng trên địa bàn tỉnh TT Huế, lời anh M nói hoàn toàn đúng sự thật. 

Với những vụ việc nêu trên, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi đưa chất lượng sản phẩm lên bàn cân. Dư luận sẽ luôn đặt ra sự nghi ngờ về xuất xứ của sản phẩm? Đặc biệt, sức khỏe người tiêu dùng sẽ ra sao khi sử dụng những loại nước ngọt có gas kém chất lượng này?

Linh Nguyễn (Tổng hợp từ Công an nhân dân, Tuổi trẻ và Pháp luật đời sống)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang