Điểm mặt những vụ tàu ngầm mất tích bí ẩn nhất lịch sử thế giới

author 09:15 24/11/2017

(VietQ.vn) - Trong lịch sử thế giới, từng có nhiều vụ tàu ngầm mất tích một cách bí ẩn. Vì nhiều lý do, tới nay có những xác tàu vẫn chưa được tìm thấy.

Tàu ngầm SSN-589 USS Scorpion, năm 1968

Tháng 5-1968, tàu ngầm USS Scorpion thuộc Hải quân Mỹ gặp nạn ngoài khơi vùng Azores, Đại Tây Dương. Thông tin điều tra sơ bộ cho rằng chiếc USS Scorpion bị đắm do hậu quả một vụ nổ trong khoang, nhưng xung quanh vụ việc cũng có nhiều giả thiết khác. Tới năm 1993, nguyên nhân xác thực nhất liên quan tới vụ tai nạn tàu ngầm USS Scorpion là do khoang chứa đạn ngư lôi bị quá nhiệt dẫn đến phát nổ.

Do vụ việc xảy ra trong chiến tranh Lạnh, ngoài kịch bản tai nạn, nhiều chuyên gia Mỹ đặt giả thiết vụ tai nạn tàu ngầm USS Scorpion có liên quan tới phía Liên Xô. Tuy nhiên, cả Mỹ và Liên Xô đều không đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan tới vụ việc.

Vụ đắm tàu ngầm ở Gangneung, Hàn Quốc, năm 1996

Đây là vụ việc liên quan tới tàu ngầm của Triều Tiên gặp nạn và mắc cạn gần bờ biển Hàn Quốc năm 1996. Những giả thiết liên quan tới vụ việc là chiếc tàu ngầm của Triều Tiên đang làm nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo tại Hàn Quốc thì gặp nạn. Tuy nhiên, thông tin chính thức không bao giờ được xác định do không có nhân chứng, lẫn vật chứng tại hiện trường.

Một nguồn tin giấu tên tại Hàn Quốc cho biết, một thành viên tàu ngầm gặp nạn đã bị bắt khi cố gắng trở lại Triều Tiên, nhưng không thể xác thực thông tin trên có thật hay không. Vụ việc hiện vẫn là một bí ẩn lớn.

Tàu ngầm 361, Trung Quốc, năm 2003

Một tàu ngầm thuộc Hải quân Trung Quốc mang số hiệu 361 đã bị chìm ở Biển Bột Hải (giữa Trung Quốc và Triều Tiên) năm 2003. Con tàu đã được ngư dân Trung Quốc phát hiện khoảng 10 ngày sau khi tai nạn.

Trung Quốc không có bình luận nào liên quan tới vụ việc. Một giả thiết được đặt ra là tàu ngầm 361 đã không tắt được động cơ diesel sau khi tàu lặn xuống nước (khi lặn tàu ngầm chạy diesel-điện sẽ hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng điện), khói do động cơ hoạt động đã khiến thủy thủ đoàn bị ngạt và tàu chìm.

Tàu ngầm INS Dakar trước khi ra khơi. Ảnh: Wikipedia.

INS Dakar (1967)

INS Dakar, ban đầu mang tên HMS Totem, là tàu ngầm lớp T phục vụ trong hải quân Anh, cũng là một trong ba tàu ngầm được Israel mua lại vào năm 1965. Hải quân Israel chính thức biên chế tàu vào ngày 10/11/1967, đổi tên thành INS Dakar và trao quyền chỉ huy cho thiếu tá Ya'acov Ra'anan, khi nó vẫn đang ở Anh. Sau hai tháng thử nghiệm trên biển cuối năm 1967, con tàu rời Anh để tới Israel vào ngày 9/1/1968.

Sáng 15/1, Dakar cập cảng Gibraltar và rời đi vào đêm hôm đó. Con tàu di chuyển xuyên qua Địa Trung Hải trong trạng thái lặn, sử dụng ống thông hơi để không phải nổi lên mặt nước. INS Dakar liên tục báo cáo vị trí về sở chỉ huy ở thành phố Haifa, Israel và dự kiến về tới cảng nhà vào ngày 2/2.

Tuy nhiên, tàu di chuyển nhanh hơn dự kiến và nhận lệnh cập cảng ngày 29/1. Thuyền trưởng Ra'anan yêu cầu được cập cảng sớm hơn một ngày, nhưng chỉ huy hải quân Israel bác bỏ vì buổi lễ chào đón không thể chuyển sang ngày 28/1.

Lúc 6h10 ngày 24/1, INS Dakar báo cáo vị trí khi ở phía đông đảo Crete. Trong vòng 18 tiếng tiếp theo, con tàu gửi ba tín hiệu về sở chỉ huy nhưng không kèm tọa độ trên biển. Liên lạc cuối cùng được thực hiện lúc 0h02 ngày 25/1/1968, con tàu không gửi thêm thông điệp nào sau thời điểm này.

Nhận định tọa độ sai lầm khiến INS Dakar không được tìm thấy trong hàng chục năm. Phải tới ngày 24/5/1999, một nhóm tìm kiếm Israel - Mỹ mới phát hiện xác tàu ở độ sâu 3.000m tại khu vực giữa đảo Crete và Cyprus. Nguyên nhân tai nạn không được làm rõ, nhưng các dấu hiệu cho thấy INS Dakar bất ngờ gặp sự cố, nhanh tới mức thủy thủ đoàn không kịp thực hiện bất kỳ biện pháp ứng phó khẩn cấp nào.

Vụ tai nạn tàu ngầm ARA San Juan

Theo các thông tin chính thức, tới ngày 22/11, nguồn dưỡng khí dự trữ trên tàu ngầm ARA San Juan mất tích của Hải quân Argentina sẽ hết. Như vậy cơ hội sống sót của thủy thủ đoàn rất mong manh.

Thực tế, khi tàu ngầm gặp nạn, việc tìm thấy vị trí tàu chìm rất khó khăn không chỉ do lòng biển sâu, mà còn do chính công nghệ “tàng hình” chúng áp dụng để né tránh các hệ thống trinh sát, tìm kiếm săn ngầm.

Trong tác chiến săn ngầm, việc phát hiện tàu ngầm đối phương chủ yếu dựa trên tín hiệu thủy âm do hệ thống động lực tàu ngầm phát ra và mẫu tín hiệu thủy âm có sẵn trong bộ nhớ của thiết bị săn ngầm. Đối với các tàu ngầm hiện đại, kể cả khi hoạt động, việc phát hiện ra tàu ngầm đã là việc khó, chưa kể tàu ngầm ARA San Juan là loại chạy diesel-điện hoạt động ở vùng biển nông có nhiều tạp nhiễu địa vật, thì việc tìm thấy nó cũng giống như “mò kim đáy biển”.

Mặt khác, công nghệ lớp phủ hấp thụ tín hiệu thủy âm, vật liệu chế tạo mang từ tính thấp vốn là yếu tố quan trọng tạo ra khả năng “tàng hình” của tàu ngầm trước đối phương, thì khi nó gặp nạn lại là “điểm yếu chết người” khiến nó rất khó để phát hiện ra vị trí tàu gặp nạn.

Kể cả khi phát hiện ra vị trí tàu đắm, việc cứu hộ thủy thủ đoàn cũng không phải là công việc đơn giản. Sự chênh lệch áp suất dưới tầng nước sâu và trên mặt đất khiến việc cứu hộ cần có thiết bị chuyên dụng để tạo khoang điều áp. Điều này chỉ có thể làm được khi tàu bị nạn ở đáy biển bằng phẳng hoặc độ dốc thấp. Nếu thiếu yếu tố này, việc cứu nạn thủy thủ đoàn gần như bất khả thi.

Như vậy, ở thời điểm hiện tại, rõ ràng việc tìm kiếm tàu ngầm ARA San Juan và cứu hộ thủy thủ đoàn chỉ còn mong chờ vào may mắn.

Minerve (1968)

Minerve là một trong 9 tàu ngầm lớp Daphne của Pháp, đóng vai trò nguyên mẫu thử nghiệm cho dự án tàu ngầm diesel mang tên lửa. Tàu Minerve được biên chế ngày 10/6/1964 và chỉ hoạt động tại Địa Trung Hải.

Lúc 7h55 sáng 27/1/1968, Minerve di chuyển trong trạng thái lặn với ống thông hơi ở cách căn cứ Toulon khoảng 46 km. Tàu ngầm thông báo cho máy bay Breguet Atlantic đi kèm rằng nó sẽ cập cảng trong vòng một giờ với 52 thành viên thủy thủ đoàn. Đây là thông tin cuối cùng nhận được từ Minerve, chiếc tàu ngầm Pháp mất tích ở khu vực biển có độ sâu từ 1.000 đến 2.000 m.

Thuyền trưởng Andre Fauve của tàu ngầm Minerve là người dày dặn kinh nghiệm với 7.000 giờ lặn dưới biển cùng các tàu ngầm lớp Daphne trong 4 năm trước đó. Lý do duy nhất được xác nhận liên quan tới vụ mất tích là thời tiết cực kỳ xấu vào ngày 27/1.

Hải quân Pháp nhanh chóng tổ chức lực lượng tìm kiếm lớn, bao gồm cả tàu sân bay Clemenceau và tàu lặn SP-350 Denise. Tuy nhiên, không có bất kỳ dấu hiệu nào của Minerve được phát hiện, chiến dịch cứu hộ kết thúc vào ngày 2/2. Cho tới nay con tàu vẫn chưa được tìm thấy, trở thành tàu ngầm duy nhất trên thế giới biến mất hoàn toàn mà không để lại dấu vết nào

Lê Cao (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang