‘Điểm nghẽn’ trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công?

author 16:16 24/05/2019

(VietQ.vn) - Qua 01 năm triển khai thực hiện, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ, tuy nhiên, vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”...

Theo báo cáo công bố mới đây của Bộ Tài chính, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/6/2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Qua 01 năm triển khai, Luật đã được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, phổ biến, tập huấn các nội dung mới của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Còn nhiều “điểm nghẽn”...

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra quá trình triển khai thi hành Luật còn tồn tại nhiều hạn chế như:

Một số loại tài sản và lĩnh vực còn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc không còn phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhưng chưa được thay thế, sửa đổi, bổ sung, như việc quản lý, khai thác quỹ nhà, đất do công ty quản lý kinh doanh nhà quản lý, việc chuyển đổi mô hình chợ, tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, một số loại tài sản kết cấu hạ tầng khác.

Tiến độ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng còn chậm.

Nếu không ban hành kịp thời các văn bản phân cấp thẩm quyền sẽ rất dễ dẫn đến sai thẩm quyền khi quyết định mua sắm, thuê, sử dụng, xử lý tài sản công. Ảnh minh họa.

Một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kịp thời các văn bản phân cấp thẩm quyền. Trong đó, một số bộ, ngành, địa phương tiếp tục sử dụng quy định phân cấp đã ban hành trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành. Điều này có thể dẫn đến sai thẩm quyền khi quyết định mua sắm, thuê, sử dụng, xử lý tài sản công, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Đáng chú ý, một số quy định được ban hành chưa thực sự đảm bảo đáp ứng với thực tiễn thực hiện như việc quản lý, sử dụng, khai thác các cơ sở nhà, đất do do các công ty quản lý, kinh doanh nhà được giao quản lý; việc quản lý, sử dụng, khai thác các loại tài sản kết cấu hạ tầng mà Chính phủ chưa có Nghị định quy định cụ thể như chợ, công viên, khu vui chơi...

Vì đâu?

Báo cáo chỉ ra, nguyên nhân trước tiên của những hạn chế trên phải kể đến việc tài sản công ở nước ta có phạm vi rất rộng, do nhiều chủ thể khác nhau quản lý, sử dụng.

Các bộ, ngành chưa ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo nên không có cơ sở để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài chính cho biết sẽ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong  đó có việc phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Nghị định quy định về việc thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - chuyển giao.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ phối hợp triển khai nội dung của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật theo hướng đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn.

Biển số xe đẹp, sim điện thoại đẹp có thể thành tài sản công?(VietQ.vn) - Theo Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội có một số ý kiến đề nghị bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ, tài sản vô hình, thương hiệu, cơ sở dữ liệu... vào nội dung phân loại tài sản công.

Thanh Minh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang