Điểm sàn ĐH thấp: Lại "thừa thầy thiếu thợ"?

author 14:01 08/08/2012

(VietQ.vn) - Theo công bố điểm sàn Đại học năm 2012 của Bộ GD&ĐT, môn cao nhất cũng chỉ 14,5 điểm, như vậy sẽ có 200 nghìn em sẽ đỗ ĐH theo đúng nguyện vọng. Bài toán "thừa thầy thiếu thợ" một lần nữa lại được đặt ra cho toàn xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông báo điểm sàn ĐH và CĐ năm nay. Theo đó, mức sàn ĐH khối A, A1 là 13; khối B 14; khối C 14,5; và khối D 13,5 điểm.

Mức sàn CĐ khối A, A1 là 10 điểm; khối B là 11 điểm; khối C là 11,5 diểm; khối D là 10,5 điểm.

Ngay cả các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng khó tìm ra những công nhân kỹ thuật có tay nghề giỏi mà họ sẵn sàng trả lương cao. Ảnh: SGGP
Ngay cả các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng khó tìm ra những công nhân kỹ thuật có tay nghề giỏi mà họ sẵn sàng trả lương cao. Ảnh: SGGP

Điểm trúng tuyển của các trường không được  thấp hơn điểm sàn, không nhân hệ số các môn thi để xác định điểm sàn.

Theo tính toán của các chuyên gia giáo dục, có hơn 200 nghìn em sẽ đỗ ĐH theo đúng nguyện vọng đầu tiên. Vì thế, các trường nghề sẽ gặp nhiều khó khăn khi thu hút các bạn trẻ vào học, mặc dù theo khẳng định của nhiều lãnh đạo trường, các em học nghề tốt có thể đạt mức lương hơn 10 triệu/tháng, là mức thu nhập mà không phải ai có bằng đại học cũng đạt được.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS Bùi Văn Ga cho hay, “chiến thuật” của Bộ là cho phép các em có khả năng và nguyện vọng đều được học ĐH. Nhưng sau này, khi lực lượng này dư thừa, khó kiếm việc làm…thì xã hội sẽ tự điều chỉnh, khiến nguồn vào ĐH sẽ giảm dần.

Còn Đại diện Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng thì cho rằng, "kịch bản" thi ĐH và điểm sàn mấy năm gần đây giống nhau phần lớn vì tâm lý của nhiều người châu Á vẫn sính thi cử, tiến thân bằng con đường học hành, chứ không dám học nghề hoặc "quăng mình" vào xã hội như nhiều nước phương Tây. Do đó, để đổi mới thi cử theo hướng hiện đại phải cần thời gian dài.

Tuy nhiên, theo Đại diện Phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, ở các nước phát triển như Đức, họ định hướng học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chứ không phó thác cho thị trường. Nghĩa là, các em có học lực yếu sẽ định hướng đi các trường nghề, các em học khá hơn mới tiếp tục học ĐH.

Hiện nay, nhiều tờ báo phương Tây tiếp tục đưa tin về những khó khăn của châu Âu, đã khiến nhiều cử nhân ra trường đi làm bồi bàn hoặc các công việc phổ thông khác.

Hoàng Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang