Diễn biến mới nhất vụ xét xử phúc thẩm siêu lừa nghìn tỷ Huỳnh Thị Huyền Như

author 06:44 27/12/2014

Trước các yêu cầu Vietinbank phải thay Huyền Như trả khoản tiền thiệt hại và lãi suất, luật sư của ngân hàng này đã đưa ra các chứng lý để phản bác. Luật sư bảo vệ cho các bị cáo cũng đề nghị áp dụng án lệ trong vụ bầu Kiên để xét xử vụ Huyền Như.

Sáng 26/12, phiên tòa phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm tiếp tục phần tranh luận. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank, luật sư Nguyễn Văn Trung cho biết, Ngân hàng Navibank không còn quyền sở hữu đối với tài sản của họ tại Vietinbank nên họ không có quyền đòi Vietinbank trả. Chủ trương cho nhân viên gửi tiền vào Vietinbank để lấy lãi suất cao hơn 14% của Navibank là vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế cho vay liên ngân hàng.

Về yêu cầu kháng cáo của công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Hưng Yên, luật sư Trung cho rằng, cùng bản chất nhưng 2 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát đã tự nguyện rút yêu cầu kháng cáo mặc dù 3 Công ty cùng hội cùng thuyền như nhau, cùng nội dung đơn kháng cáo, chỉ khác nhau ở Tờ khai mở tài khoản của Cty Hưng Yên, do chữ ký của ông Tạ Duy Hùng dễ ký giả nên Huyền Như đã không làm giả duy nhất tờ khai này của Cty Hưng Yên mà thôi.

Luật sư đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của Công ty Hưng Yên bởi tất cả các thỏa thuận và hành vi trái pháp luật này đã xảy ra trước khi mở tài khoản và chuyển tiền vào Vietinbank.

“Bằng các thỏa thuận trái pháp luật, một bên nhằm hưởng lợi bất chính từ lãi suất cao và vượt trần, một bên lợi dụng việc này đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đọat tài sản. Việc mở tài khoản và chuyển tiền chỉ là hậu quả của thỏa thuận và hành vi trái pháp luật nêu trên. Chính vì vậy, sau khi mở tài khoản và chuyển tiền theo yêu cầu của Huyền Như, Công ty Hưng Yên bỏ mặc hoặc phó thác cho Huyền Như thao túng, miễn sao nhận được tiền lãi suất cao hơn lãi suất liên ngân hàng, lãi suất vượt trần chi ngòai và phí ủy thác. Đây cũng chính là  lỗi của Công ty Hưng Yên với tư cách chủ tài khoản theo quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 10 Quy chế về mở và sử dụng tài khoản, ban hành kèm theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21/11/2002 của Ngân hàng Nhà nước”, luật sư Trung khẳng định.

Luật sư Trương Thị Hòa, bào chữa cho Vietinbank cho rằng, kháng cáo đòi bồi thường thiệt hại số tiền 125 tỷ đồng và lãi suất của Công ty bảo hiểm Toàn Cầu là không có cơ sở. Bởi, Huyền Như là người trực tiếp giao dịch với người của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu chứ không phải Vietinbank giao dịch với công ty, giao dịch diễn ra tại quán cafe, liên lạc bằng email và số điện thoại của Như; không phải giao dịch trực tiếp với Vietinbank.

“Vietinbank không bao giờ chối bỏ trách nhiệm nhưng không thể cắt khúc sự việc để truy trách nhiệm. Nếu có dấu hiệu không bình thường thì pháp luật sẽ xử lí. Vì sao Huyền Như giả chữ ký, con dấu của Toàn Cầu, Vietinbank Nhà bè. Vì Toàn Cầu chỉ giao dịch với Như mà không giao dịch với Vietinbank Nhà Bè”, luật sư Hòa nói.

“Tài khoản của bảo hiểm Toàn Cầu mở tại Vietinbank là không hợp pháp, không được mở bởi người có trách nhiệm pháp lý, mà tài khoản này chỉ mở theo yêu cầu của Huyền Như. Ý chí của bên mở tài khoản và bên nhận mở tài khoản là không thống nhất dẫn đến giao dịch giả tạo, hợp đồng giả tạo. Vì vậy, dù hình thức là hợp pháp nhưng bản chất tiến trình là không hợp pháp. Vì vậy, Toàn Cầu kháng cáo không đủ cơ sở. Tôi đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên Như phạm tội lừa đảo và có trách nhiệm trả số tiền cho Toàn Cầu”, luật sư Hòa nói.

Đề nghị áp dụng án lệ trong vụ bầu Kiên để xét xử

Cũng trong sáng nay, các luật sư đã tiến hành bào chữa cho các bị cáo là đồng phạm của Huyền Như trong vụ án này.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, bào chữa cho bị cáo Tống Nguyên Dũng (nguyên nhân viên tín dụng PGD Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank TPHCM) cho rằng, bị cáo Dũng vi phạm các quy định nội bộ. Tuy nhiên, vi phạm quy định nội bộ chưa chắc là vi phạm quy định pháp luật. HĐXX cấp sơ thẩm suy diễn vi phạm quy định nội bộ là vi phạm pháp luật là không đúng.

Không đủ cơ sở buộc bị cáo Dũng chịu trách nhiệm toàn bộ vi phạm của Như tại khoản tiền ACB. Hành vi của Dũng chỉ là 1 trong 5 công đoạn trong 1 quy trình thực hiện hợp đồng tín dụng. Theo quy trình thì nếu chỉ có đề xuất cho vay của Dũng thì Huyền Như không thể lừa đảo trót lọt.

“Không có sai phạm của Như và các nhân viên ACB thì Dũng không phạm tội. Một mình Dũng không thể làm được. Những thiệt hại trong vụ án này nếu có là do vi phạm của nhiều cá nhân, tổ chức chứ không phải của một mình Dũng”, luật sư nói.

Luật sư đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét bản án này sau kết quả vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) vì 2 vụ án này có quan hệ mật thiết. ACB đã tạo điều kiện cho Như chiếm 718 tỷ đồng. Những sai phạm liên tiếp của ACB và Như đã kéo theo các nhân viên của Vietinbank Điện Biên Phủ sai phạm. Trong vụ bầu Kiên thì các bị cáo như Dũng chỉ là tin tưởng Như.
 
Vì vậy, cần xem lại định tội và lượng hình vì Hiến pháp không cho phép phân biệt trong các vụ án có tình tiết chung nhau. Một bên là những đại gia của ngành ngân hàng, một bên là nhân viên mới vào nghề không nhận lợi lộc thì mức án cho lãnh đạo ACB là hợp lí thì phải xem xét lại mức án cho các bị cáo có nội dung tương tự.

“Kiến nghị xem xét lại bản án sơ thẩm, xem vụ án của bầu Kiên là án lệ để áp dụng trong vụ án này. Tôi duy nhất của họ là quá tin tưởng vào cấp trên”, luật sư Nghĩa nói. Vì vậy, luật sư đề nghị cấp phúc thẩm cho bị cáo Dũng hưởng án treo.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch bào chữa cho 2 bị cáo là Hồ Hải Sỹ và Lê Thị Ngọc Lợi cũng cho rằng, hành vi phạm tội của thân chủ cũng vì do quá tin tưởng vào cấp trên, thiếu kinh nghiệm sống nên bị lôi kéo vào việc phạm tội. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX giảm nhẹ, tuyên án treo đối với các bị cáo cũng đủ sức răn đe.

Theo Dantri

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang