Điện lực TP.HCM ghi số điện từ xa, chất lượng dịch vụ ra sao?

author 10:26 14/09/2017

(VietQ.vn) - Điện lực TP.HCM đã triển khai lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa (ghi số điện từ xa) cho nhiều khách hàng.

Triển khai hệ thống ghi số điện từ xa cho người dân

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 36a ngày 14/10/2015 và định hướng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc hiện đại hóa ngành điện, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) đã triển khai lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa cho các khách hàng lớn. Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc EVN HCMC, hệ thống này cho phép các công ty điện lực và khách hàng có thể theo dõi được tình hình cung cấp điện và sử dụng điện. Từ đó, có cơ sở để triển khai các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Về nguyên lý hoạt động, ông Bảo cho hay hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa AMR (Automatic Meter Reading) đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới nhằm hiện đại hóa hệ thống đo đếm điện năng.

Hệ thống AMR hoạt động dựa trên nguyên tắc mỗi công tơ sẽ được gắn một thiết bị truyền thông (modem) để truyền dữ liệu về hệ thống thu thập dữ liệu tập trung. Việc truyền dữ liệu có thể được thực hiện định kỳ hoặc tức thời tùy theo nhu cầu khai thác dữ liệu. Hiện nay, công nghệ thu thập dữ liệu đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới là công nghệ truyền qua tần số vô tuyến (RF), truyền dẫn trên đường dây tải điện (PLC), truyền dữ liệu thông qua modem GPRS/3G.

Chất lượng điện năng cung cấp cho người dùng được nâng cao

Hiện EVN HCMC đang triển khai chương trình đo đếm điện từ xa trong giai đoạn 2017-2020 và tiếp tục thực hiện để hoàn tất vào năm 2022.

Theo đó, tổng công ty thực hiện thay thế cuốn chiếu công tơ điện loại thường đang lắp đặt tại nhà người dân bằng công tơ điện loại có chức năng đo xa. Dự kiến hoàn tất 100% lắp đặt công tơ đo xa vào năm 2022, về phía khách hàng không phải tốn bất kỳ chi phí nào.

Những công tơ điện tử bình thường sẽ được lắp đặt thêm bộ modem nhỏ gọn. Các modem này sẽ trích xuất dữ liệu từ công tơ gửi về máy chủ thông qua sóng 3G. Từ các dữ liệu này, ngành điện sẽ chốt chỉ số và gửi thông tin sử dụng điện về điện thoại di động của khách hàng để họ cùng giám sát.

Nhân viên điện lực TP.HCM kiểm tra công tơ điện của một hộ dân. Ảnh: PLO 

Từ năm 2014 đến nay, đã có hơn 15.000 doanh nghiệp được lắp đặt thiết bị này, chủ yếu là các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Sau một thời gian triển khai, các khách hàng được trang bị công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu từ xa đều đánh giá cao tính năng và hiệu quả mà hệ thống này mang lại.

Lần đầu tiên khách hàng dễ dàng theo dõi và giám sát được quá trình sử dụng điện của mình để từ đó có thể điều chỉnh việc sử dụng điện một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất. Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thể phát hiện và khắc phục kịp thời các trường hợp đo đếm bất thường, góp phần tăng tính tương tác hai chiều giữa khách hàng và ngành điện.

Liên quan tới vấn đề này, chị Phạm Ngọc Hà (Quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: “Việc ngành điện lực triển khai ghi số điện từ xa sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm được thời gian, giảm được sự bất tiện. Trước kia, nhiều lúc cán bộ đi chốt số điện đến vào thời điểm gia đình đang có công việc hoặc đúng bữa cơm, như thế chúng tôi lại phải lật đật chạy ra mở cửa”.

Cùng quan điểm với chị Hà, chị Thu Mai (Quận Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng với việc có hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa, thông tin về tình hình sử dụng điện sẽ được thông báo qua điện thoại tới khách hàng nên sẽ giúp ích cho việc theo dõi, điều chỉnh tiêu thụ điện trong gia đình cho phù hợp.

“Dữ liệu được phía điện lực chuyển qua tin nhắn cho người dân nên các hộ có thể tự kiểm soát, điều chỉnh lượng điện tiêu thụ trong gia đình sao cho tiết kiệm nhất, tránh lãng phí”, chị Mai nói.

Về phía ngành điện, ngoài việc tiết giảm được nhân công thì việc ghi chỉ số điện từ xa còn giúp ngành điện có thể nắm bắt được tình hình cung cấp điện liên tục đến từng khách hàng. Từ đó, có biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng cung cấp điện nhằm giảm tối đa các sự cố về điện.

Chất lượng điện năng cung cấp cho khách hàng cũng được nâng cao và ổn định, ngăn ngừa tình trạng gây hư hỏng thiết bị điện do điện năng cung cấp không đảm bảo, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Thực ra, chương trình ĐKĐTĐX đã được ngành điện lực triển khai vào năm 2012 theo chỉ đạo của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đo đếm điện năng thông minh. Với công nghệ này, việc thu thập dữ liệu đo đếm được thực hiện thông qua hệ thống máy chủ đặt tại tổng công ty.

Hơn 15.000 khách hàng là doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp… được lắp đặt ĐKĐTĐX đều đánh giá cao về hiệu quả. Để lắp đặt ĐKĐTĐX trong dân, ngành điện lực đã triển khai giải pháp đọc chỉ số từ xa bằng công nghệ truyền dữ liệu qua sóng RF-MESH, qua đường dây tải điện (PLC) và GPRS/3G.

Vì vậy, nhân viên ghi điện không cần đến từng hộ để ghi chỉ số tiêu thụ theo quy trình thủ công như trước, mà toàn bộ chỉ số tiêu thụ điện của khách hàng sẽ được trung tâm ghi nhận qua hệ thống máy chủ. Cái lợi của việc đo đếm chỉ số từ xa, ngoài việc giảm chi phí nhân công còn tránh tình trạng sai sót, nhầm lẫn do ghi thủ công.

95.000 ĐKĐTĐX sau khi thông quan sẽ được đưa về 16 công ty điện lực khu vực để gắn cho khách hàng. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017 sẽ lắp đặt 230.000 điện kế, đến năm 2020 toàn thành phố sẽ đạt 1,7 triệu ĐKĐTĐX.

Phong Lâm

 

Giả giấy kiểm định, 'lên đời' cho công tơ điện cũ (VietQ.vn) - Thông tin mới nhất từ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.Hồ Chí Minh, 5/6 mẫu công tơ điện sản xuất cách đây chục năm đã được gian thương làm giả giấy kiểm định, tân trang đóng hộp bán cho khách hàng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang