Điện mặt trời trên mái nhà: Tương lai cho năng lượng sạch Việt Nam

author 15:28 10/04/2019

(VietQ.vn) - Đó là nhận định của TS. Lê Hải Hưng, Đại học Bách khoa Hà Nội tại Hội thảo ‘Năng lượng mặt trời tại Việt Nam: Tích hợp với mạng lưới điện: Cơ hội và Thách thức’.

 TS. Lê Hải Hưng, Đại học Bách khoa Hà Nội.

 Người tiêu dùng chưa "quên" được máy phát điện?

TS. Lê Hải Hưng khẳng định, xét về thuận lợi để phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam, trước tiên phải kể đến là chúng ta giàu tài nguyên nắng, bởi năng suất bức xạ mặt trời trung bình ở Việt Nam là 4 - 5 kWh/m2/ngày, thuộc loại cao trên thế giới.

Về mặt chính sách, Quyết định 11/2017/QĐ –TTg về “Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời (ĐMT) tại Việt Nam” với nhiều ưu đãi đã tạo động lực để phát triển ĐMT như ưu tiên về thuế sử dụng tài nguyên đất, ưu tiên cho các hoạt động KHCN về năng lượng tái tạo…

Hiện có khoảng 20 nhà máy sản xuất (lắp ráp) tấm pin mặt trời (Solar Panel) tại Việt Nam đến từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, Thái Lan, Hồng Kong… và nhiều quốc gia khác muốn xây dựng nhà máy Solar Panel tại Việt Nam như Australia, Nhật Bản… Các nhà máy đều có sản lượng lớn từ 250MWp/năm, đặc biệt Vinasolar (Bắc Giang) có sản lượng 3,5GWp/năm. Ước tính 2018 VN sản xuất 10MWp (chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu và Hoa Kỳ).

 
Giá thành của pin mặt trời 2019 rơi vào khoảng 0,5 USD/Wp, và dự kiến còn tiếp tục giảm.
 

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra, hệ thống ĐMT thường chỉ tồn tại được thời gian rất ngắn (bằng tuổi thọ của những ắc quy axit, thường là không quá 2 năm) hoặc hệ thống bị bỏ đi do hỏng hóc vặt mà người sử dụng không có chuyên môn bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị. Cơ chế tích điện bằng ắc quy của ĐMT tốn kém và không thân thiện với môi trường cũng là cản trở lớn cho việc triển khai ĐMT tại Việt Nam. Do đó, sử dụng máy phát điện lại là sự lựa chọn của nhiều vùng chưa có điện lưới.

Tấm pin mặt trời bị phá hủy do khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt (bão lũ, bụi, mưa axit…). Đây cũng là cảnh báo chung cho các nhà máy ĐMT tập trung .

Bên cạnh đó, vấn đề nối lưới tập trung cũng chưa có nhiều thuyết phục, ví dụ như Nhà máy ĐMT nối lưới đầu tiên thuộc loại lớn ở Việt Nam là nhà máy ĐMT An Hội ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã hoàn thành vào 2014. Với công suất khả dụng 5,12MW nhưng nhà máy cũng chỉ phát vào lưới được 36 kWp, ứng với khoảng 50MWh /năm. Việc phát điện không liên tục với giá tiền điện xấp xỉ 5.000 đ/kWh cũng chưa làm cho người tiêu dùng “quên” được máy phát điện.

Điện mặt trời trên mái nhà: Tương lai cho năng lượng sạch Việt Nam

TS. Lê Hải Hưng cho biết, ĐMT mái nhà được lắp đặt trên mái hoặc gắn với công trình xây dựng và có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 1 MWp (Theo QĐ 11/2017-TTg).

Ưu thế của ĐMT trên mái nhà chính là: Không tốn quỹ đất; Không tốn hệ thống truyền tải của một nhà máy ĐMT tập trung; Không phải trả lương cho hệ thống nhân lực vận hành nhà máy; Các trạm ĐMT “có chủ” gắn bó nên sẽ vận hành an toàn và hiệu quả hơn; Đáp ứng được nhu cầu điện năng của những khu vực đông dân cư, có nhu cầu điện năng lớn, giảm căng thẳng cho lưới điện quốc gia; Huy động được vốn từ chính cộng đồng người sử dụng điện...

Về công suất, giả sử mỗi mái nhà được lắp đặt một trạm ĐMT công suất 01kWp: Hà Nội có khoảng 1 triệu mái nhà ứng với 1GW lớn gấp chừng 1,5 lần công suất của Nhà máy thủy điện Yaly (720MW); TP.Hồ Chí Minh có khoảng 1,5 triệu mái nhà, ứng với công suất 1,5GW, xấp xỉ công suất của nhà máy thủy điện Hòa Bình (khoảng 1,6 GW).

Bên cạnh đó, việc sử dụng ĐMT trên mái nhà sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường. ĐMT trên mái nhà chính là tương lai cho năng lượng sạch Việt Nam.

Năng lượng tái tạo: Giải thoát cho bầu không khí, cứu cánh nguồn năng lượng(VietQ.vn) - Nhiệt điện than - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến chất lượng đời sống của người dân.

Vũ Linh

 

 

                          

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang