Điện thoại di động nội địa... chết mòn

author 09:53 06/03/2013

Cạnh tranh trên thị trường điện thoại di động thông minh ngày càng gay gắt. Năm 2012, theo các công ty nghiên cứu thị trường, mỗi tháng Việt Nam ước tính tiêu thụ khoảng 1,4 triệu chiếc điện thoại thông minh (smartphone). 92% lượng hàng trên thuộc về các hãng sản xuất lớn như Samsung, HTC, LG, Sony, Nokia, Apple, BlackBerry, Acatel, Philips… 8% còn lại thuộc về các thương hiệu nội địa.

Thương hiệu nội địa rơi rụng… gần hết 

Đã có thời kỳ thương hiệu nội địa “trăm hoa đua nở”. Cách đây năm năm, ước tính trên thị trường có khoảng 30 thương hiệu, chủ yếu tập trung vào nhóm điện thoại phổ thông. Nhưng cách đây hai năm, khi nhóm điện thoại phổ thông lụi tàn cũng là lúc nhiều thương hiệu nội địa tàn theo. Hiện nay, nhóm thương hiệu nội địa còn tồn tại chỉ đếm trên “đầu ngón tay”, như: Mobiistar, Q-Mobile, FPT, Viettel… Ước chừng, trên thị trường, phần đóng góp đầu sản phẩm của các thương hiệu nội địa là khoảng 20 sản phẩm với mức giá từ 1,3 – 4,5 triệu đồng/cái.

Điện thoại di động cũng là một mặt hàng mang tính thời trang, giới trẻ liên tục thay mới
Điện thoại di động cũng là một mặt hàng mang tính thời trang, giới trẻ liên tục thay mới. Ảnh minh họa

Không tham vọng sẽ tạo ra những sản phẩm “dẫn dắt người dùng” như các thương hiệu toàn cầu đã và đang làm, các thương hiệu nội địa đang tìm nhiều cách lách để sản xuất ra những sản phẩm có chức năng tương tự nhưng có mức giá thấp nhất cũng như len lỏi về thị trường tỉnh, thậm chí là huyện để bán hàng, trong khi sản phẩm của thương hiệu lớn chưa vươn tới.

Ông Nguyễn Quang Minh, giám đốc Q-Mobile cho biết, nhóm điện thoại thông minh trong cơ cấu hàng hoá của thương hiệu chỉ chiếm 20% nhưng doanh thu chiếm đến 60%, “là mặt hàng chiến lược” của doanh nghiệp này. “Vì không làm chủ được công nghệ cũng như yếu vốn mà thương hiệu trong nước, như Q-Mobile chỉ nhắm đến chất lượng sản phẩm cũng như giá trị của máy phù hợp với thu nhập của nhóm lao động có thu nhập thấp. Nếu đứng được ở phân khúc này sẽ giúp doanh nghiệp tồn tại”, ông Minh cho biết. Được biết, mỗi tháng Q-Mobile nhập khẩu từ 70.000 – 80.000 sản phẩm để kinh doanh.

Mobiistar chuyển hướng kinh doanh sớm nhất trong các thương hiệu nội địa, từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh. Theo ông Ngô Nguyên Kha, giám đốc Mobiistar, mỗi tháng thương hiệu này bán trên thị trường khoảng 80.000 máy, trong đó, nhóm điện thoại thông minh khoảng 45.000 máy nhưng doanh thu chiếm đến 80%. Dù đánh vào phân khúc khách hàng bình dân nhưng theo lời ông Kha: “Sức ép lớn nhất của Mobiistar hiện nay không phải là vốn và công nghệ mà là tốc độ gia tăng của nhóm sản phẩm này trên thị trường”. Các thương hiệu nội địa, để chứng tỏ đủ sức tham gia cuộc chơi, sẽ phải nhập nhiều, dẫn đến hệ quả tồn kho. “Thực tế bài toán tồn kho đã làm bao nhiêu thương hiệu phá sản. Phải chấp nhận lãi ít chứ không để tồn kho. Mặt khác, để tạo uy tín với khách hàng, nhà sản xuất phải có kênh thông tin để chia sẻ và hiểu người tiêu dùng”, ông Kha nói.

Liên tục mới

Theo số liệu thống kê của GfK, vào cuối tháng 1.2013, tại thị trường Việt Nam, ở nhóm điện thoại thông minh, Samsung chiếm khoảng 32%, qua mặt Nokia về thị phần. Ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, từ năm 2012, nhà máy sản xuất của Samsung tại Bắc Ninh dường như chỉ sản xuất điện thoại thông minh.

Nhiều hãng điện thoại di động nội địa mất vị thế vì đi sau nhưng không thời trang và tính năng không hiện đại. Ảnh minh họa

Là một thương hiệu lớn trong nhóm điện thoại thông minh, HTC liên tục tung ra những dòng sản phẩm mới phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau. Với khách hàng trẻ, HTC có các dòng sản phẩm như HTC One 8X, dòng Butterfly cho nhóm có thu nhập cao ưa khám phá công nghệ. Cuối tháng 2.2013, Sony công bố dòng sản phẩm được xem là cao cấp nhất hiện nay của thương hiệu này, đó là Sony Xperia Z.

Nhận ra sự “chậm chạp” của mình, cuối năm 2012, Nokia tung ra những dòng điện thoại cao cấp thuộc dòng Lumia như Lumia 920/820, nhưng xem ra chưa lấy lại được vị thế dẫn đầu thị trường điện thoại di động thông minh. LG, trong năm 2012 đã chú ý nhiều hơn đến nhóm điện thoại thông minh khi trên thị trường xuất hiện hàng loạt sản phẩm mới thuộc dòng Optimus như L9, gần đây là Optimus G. Cũng trong nhóm liên tục gia tăng sản phẩm mới trên thị trường còn có Lenovo, Huawei…

Chen chân trên thị trường đã khó, để xây dựng được hình ảnh thương hiệu, tạo niềm tin ở người tiêu dùng là chuyện khó hơn. Ông Nguyễn Hồng Châu, trưởng đại diện HTC tại Việt Nam, chia sẻ: “Khách hàng ngày càng khó tính. Để bán được hàng, không chỉ là sản phẩm mới, mà giá cả và sản phẩm phải phù hợp với tâm lý sử dụng và thu nhập của các lứa tuổi khác nhau”.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, giám đốc Thành Công Mobile, nhà phân phối Acatel và Philips thừa nhận, trong thị trường đã có nhiều thương hiệu lớn, muốn “chen chân”, trước hết sản phẩm phải tốt, sau đó là rẻ, kèm theo những cam kết về chất lượng dịch vụ. “Tôi không biết nói thế nào nhưng tham gia thị trường điện thoại di động hiện nay hết sức khó khăn. Phải dày quyết tâm và chịu đựng mới đủ sức tham gia”.

Theo SGTT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang