Điện thoại Việt "đua" cùng thương hiệu ngoại (Kỳ 1)

author 09:02 25/10/2012

(VietQ.vn) - Thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) Việt Nam mấy năm nay liên tục ghi nhận sự xuất hiện của nhiều thương hiệu Việt mới. Trong đó, có những tên tuổi bắt kịp thị trường để tồn tại và phát triển, nhưng cũng có những thương hiệu âm thầm trôi vào quá khứ...

Sự kiện: Bệnh ung thư và cách phòng tránh

Kỳ 1: Kẻ mất, người còn

LTS: Đi đầu trong việc xây dựng điện thoại thương hiệu Việt là những cái tên quen thuộc như ABTel, FPT, Viettel… Sau đó thị trường điện thoại thương hiệu nội được chia lại khi có sự góp mặt của các tập đoàn khác như HiPT, CMC, Avio của VNPT… Khởi đầu loạt bài viết về cuộc "chạy đua" giữa điện thoại Việt với các thương hiệu nổi tiếng thế giới, Chất lượng Việt Nam xin điểm qua một số "tên tuổi" Việt Nam, vốn không xa lạ với người dùng điện thoại.

Sự thành công của điện thoại thương hiệu Việt như ngày nay có sự đóng góp rất lớn của Công ty TNHH Viễn Thông An Bình (ABTel). Tháng 5/2008 đánh dấu bước ngoặc lớn nhất cho ABTel khi công ty tung ra thị trường thương hiệu điện thoại Việt đầu tiên do chính ABTel đăng ký sở hữu và bảo hộ: Q-mobile. Với phương châm đưa chiếc điện thoại đến tận tay những người bán hàng rong, bác xe ôm… ABTel đã sản xuất ra những chiếc điện thoại có mẫu mã bắt mắt, nhiều tính năng, 2 sim 2 sóng, nhưng mức giá rẻ, chỉ khoảng 500.000 – 700.000 đồng. Chính hướng đi đó đã tạo nên thành công cho ABTel sau này.

Mới đây, vào gần cuối tháng 9/2012, ABTel đã trình làng 3 kiểu mới S12, S18 và S22 thuộc dòng điện thoại thông minh Q-Smart. Ba sản phẩm này thuộc nhóm smartphone tầm trung hướng tới đối tượng người dùng có thu nhập trung bình - khá, trong đó Q-Smart S22 và Q-Smart S18 có cấu hình phần cứng khá mạnh và hoạt động trên hệ điều hành Android 4.0 Ice Cream Sandwich nhằm mang lại nhiều trải nghiệm thông minh cho người dùng.

ABTel vừa cho ra mắt dòng điện thoại thông minh Q-Smart

Sau Q-Mobile, FPT mobile mặc dù bước vào thị trường muộn hơn nhưng cũng đã tạo được thành công đáng kể. Sau thời gian đầu ra mắt các mẫu điện thoại F-Mobile tính năng giản đơn, FPT bắt đầu chú trọng đầu tư vào những “giá trị” mà chiếc điện thoại có thể mang lại cho người dùng, đó chính là việc phát triển kho phần mềm Việt F-Store, mà điện thoại FPT F99 và F99 3G là những chiếc điện thoại đầu tiên được thừa hưởng trực tiếp các giá trị này.

Còn với Mobistar, vào hồi tháng 5/2012, hãng này cho ra đời sản phẩm Touch S01, ứng dụng hệ điều hành Android với 3G, giá dưới 3 triệu đồng, đã được người tiêu dùng đón nhận hào hứng, tạo ra độ nóng nhất định trên thị trường. Có thể nói đây là dòng sản phẩm thành công của Mobiistar. Ngay sau đó, điện thoại thương hiệu Việt Mobiistar giới thiệu điện thoại Touch S02, smartphone Android với kết nối wifi, giá khoảng 1,8 triệu đồng.

Không chỉ mạnh về lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông mà còn mạnh về nghiên cứu và chế tạo các loại sản phẩm công nghệ mới, mới đây loạt điện thoại di động Sumo 2G V6206 đầu tiên do Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tự sản xuất trên dây chuyền của mình đã xuất xưởng và hoạt động đảm bảo chỉ tiêu chất lượng. Viettel cho biết, đây là sản phẩm do công ty tự chế tạo hoàn toàn với quy trình sản xuất và lắp ráp được thực hiện trên dây chuyền sản xuất thiết bị tại Công ty Thông tin M1. Có thể thấy, đây là sự kiện đánh dấu bước tiến mới của Viettel trong chiến lược sản xuất thiết bị viễn thông sau khi sản xuất thành công số lượng lớn USB DCOM 3G và được thị trường đón nhận trong năm 2011.

Một "ông lớn" khác trong lĩnh vực viễn thông là Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng tham gia vào lĩnh vực sản xuất điện thoại di động. Sản phẩm thương hiệu điện thoại Việt AVIO (Mobile of Vietnam) ra đời vào tháng 6/2010, thời điểm mà thị trường điện thoại di động đang bùng nổ với mức cầu tăng nhanh cũng như sự tham gia và cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà cung cấp, nhà sản xuất và phân phối.

Có lẽ năm 2011 là một trong những năm “chạy đua” của điện thoại thương hiệu Việt khi nhiều đơn vị "trình làng" những sản phẩm của mình.

Đầu tháng 1/2011, CMC giới thiệu 5 mẫu di động mang thương hiệu Bluefone có giá từ 900.000 đồng đến gần 1,4 triệu đồng. Mặc dù mới gia nhập thị trường nhưng công ty này đã cho ra đời những mẫu điện thoại có thể gắn tới 4 sim trên 1 máy, trong đó có 2 sim trực tuyến (online sim) và có cả mẫu điện thoại có thể gắn 3 sim sử dụng 3 sóng điện thoại khác nhau. Có thể thấy, thời điểm đó, ngoài việc đưa ra các sản phẩm có mức giá cạnh tranh, doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn cho ra đời những mẫu điện thoại có nhiều tính năng, tạo ra sự khác biệt để thu hút người tiêu dùng.

<br>
Điện thoại thương hiệu Việt của HiPT hồi mới ra mắt. Ảnh: HiPT

Tương tự, cũng vào tháng 1/2011, Hi-mobile - thương hiệu điện thoại Việt của Tập đoàn công nghệ HiPT chính thức ra mắt thị trường với 4 dòng sản phẩm i09, i08, i06, P05. Mặc dù mới tham gia thị trường nhưng lúc đó đơn vị này cũng đã bắt tay ngay vào việc xây dựng hệ thống bảo hành, showroom lớn để quảng bá sản phẩm.

Từ trước đến nay, người tiêu dùng chỉ biết đến tập đoàn Kangaroo trong lĩnh vực thiết bị gia dụng, máy lọc nước nhưng vào tháng 10/2011, tập đoàn này cũng chính thức ra nhập thị trường điện thoại với thương hiệu Kangaroo. Việc Kangaroo gia nhập thị trường điện thoại được coi là đi theo xu hướng chung của nhiều tập đoàn lớn nhằm nội địa hóa các sản phẩm, vượt qua các rào cản để chủ động hơn trong việc làm chủ công nghệ.

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, phần lớn sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt còn tồn tại chủ yếu là của ABTel, FPT, Viettel, Mobistar, Kangaroo, AVIO. Hầu hết  thương hiệu này đều đã tham gia vào sân chơi smartphone sử dụng hệ điều hành Android. Trong khi đó, những tên tuổi như: Thuận Phát, HiPT, CMC… từng tuyên bố tham gia thị trường điện thoại di động, lại đang chìm vào quá khứ.

(Còn nữa)

Đức Thắng
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang