Điện thoại Việt "đua" cùng thương hiệu ngoại (Kỳ 3)

author 15:18 27/10/2012

(VietQ.vn) - Cuộc chạy đua để giành “miếng bánh” trên thị trường điện thoại giữa các tên tuổi trong và ngoài nước ngày càng gay cấn. Giai đoạn này, chiến lược smartphone (điện thoại thông minh) giá rẻ đang được các nhà sản xuất điện thoại Việt hướng đến.

Sự kiện: Bệnh ung thư và cách phòng tránh

Chiến lược smart phone đang được các nhà sản xuất Việt hướng đến

Kỳ 3: Chiến lược smart phone

Theo kết quả khảo sát thị trường điện thoại di động hàng quý của IDC châu Á/Thái Bình Dương, Nokia và Samsung tiếp tục dẫn đầu thị trường di động Việt Nam. Khảo sát của IDC cũng nhận thấy thị trường điện thoại di động Việt Nam trong quý 2/2012 đã có sự suy giảm 18% so với quý trước (Q1/2012) nhưng vẫn đạt tăng trưởng 2 con số ở mức 10,9 % so với cùng kỳ năm trước (Q2/2011).

Chuyên viên phân tích thị trường thuộc nhóm nghiên cứu thiết bị người dùng của IDC Việt Nam, ông Võ Lê Tâm Thanh cho biết các thương hiệu điện thoại Việt và Trung Quốc đang nỗ lực giành giật thị phần ở phân khúc sản phẩm giá thấp.

Qua nhận xét của đại diện IDC cũng như sự phát triển của các nhà sản xuất điện thoại thương hiệu Việt trong thời gian qua, chúng ta có thể thấy điện thoại thương hiệu Việt có chỗ đứng trên thị trường trước đây chủ yếu dựa vào phân khúc bình dân. Trong khi, thời gian gần đây các ông lớn như Nokia, Samsung... vẫn lần lượt tung ra các sản phẩm thuộc phân khúc smartphone giá rẻ. Như vậy, miếng bánh cho các doanh nghiệp sản xuất điện thoại Việt bị nhỏ lại.

Với các doanh nghiệp sản xuất điện thoại thương hiệu Việt muốn duy trì và phát triển tên tuổi của mình phải có chiến lược đúng đắn và những hướng đi đột phá. Trên thực tế hiện nay đang chiến lược Smart phone đang được các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn.

FPT một trong những nhà sản xuất điện thoại thương hiệu Việt có nhiều chiến lược phát triển điện thoại. Ảnh: Anh Hoa

Tham vọng là phổ biến dòng sản phẩm smartphone, đại diện thương hiệu Điện thoại Q-mobile nhận định, smartphone là xu hướng của thế giới, đã bắt đầu hơn 10 năm nhưng chỉ thực sự phát triển vào khoảng 4 năm nay. Ở Việt Nam tính trong 4 quý gần nhất, tuy suy thoái kinh tế đã làm thị trường điện thoại di động sụt giảm hơn 20% nhưng thị trường smartphone Android lại tăng trường hơn 30%. Đây là 1 cơ hội lớn, do đó chiến lược của ABTel là sẽ tập trung vào phát triển các sản phẩm smartphone, cụ thể là với thương hiệu Q-Smart. Tất cả đều đi theo một chiến lược đã được nung nấu trong suốt 2 năm nay là “giá trị thực” cho người tiêu dùng. Có nghĩa là những sản phẩm Q-Smart sẽ mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng theo từng phân khúc tương ứng với số tiền họ phải trả. Chiến lược này sẽ tạo nên giá trị cạnh tranh cho Q-Smart.

Đánh giá về thị trường hiện nay ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc điều hành hãng điện thoại Mobiistar cho biết: Cách đây 1 năm, Mobiistar đã nghiên cứu kỹ thị trường điện thoại và nhận ra rằng, sớm hay muộn, smartphone sẽ trở nên rất phổ biến trong thời gian tới, khi giá cả để sở hữu 1 chiếc smartphone không còn quá đắt.

Ông Kha cũng cho biết, trước khi đưa ra smartphone, chúng tôi phải thử với phân khúc “pre-smartphone”, nghĩa là giả lập các tính năng smartphone trên các điện thoại thường, dành cho người tiêu dùng chưa đủ điều kiện tiếp dùng và dùng smartphone thực sự vừa tránh được cạnh tranh trực diện với ông lớn đang tìm kiếm cơ hội ở phân khúc giá thấp, vừa chuẩn bị cho mình vốn hiểu biết đối tượng khách hàng mới.

Smartphone là một phân khúc “khó chơi”, bởi chu kì sản phẩm ngắn, chỉ kéo dài trong 3 – 4 tháng, ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Điều hành Thương hiệu điện thoại Q-mobile cho rằng, các sản phẩm mới sẽ phải tiến hành nhiều nâng cấp về chip, thiết kế, hệ điều hành... Do vậy, chỉ có doanh nghiệp có cấu trúc bền vững, nguồn lực tài chính và thương hiệu mới có thể tồn tại được.

Mục tiêu của Q-Smart khi được đầu tư là phải luôn luôn ở trong top 3 về thương hiệu smartphone tại Việt Nam, xét về yếu tố nhận diện thương hiệu lẫn doanh số bán. Q-Mobile từng có thời gian duy trì vị trí thứ hai trên thị trường điện thoại di động, do vậy, áp lực của Q-Smart là tạo ra được những thành công như Q-Mobile.

Hôm 26/10, trong bản thông báo của công ty CleverAds gửi cho các phóng viên có nhận định, xu thế di động hóa đang diễn ra tại với tốc độ chóng mặt. Trong bối cảnh nền kinh tế chung đang gặp nhiều khó khăn, thị trường smartphone tại Việt Nam vẫn tăng trưởng với tốc độ 100%/năm. Tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam dự tính sẽ tăng từ mức hiện tại là 16% lên 21% vào cuối năm 2012. Smartphone đang trở nên quen thuộc và trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại.

Anh Hoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang