Điện thoại Việt "đua" cùng thương hiệu ngoại (Kỳ cuối)

author 12:15 01/11/2012

(VietQ.vn) - "Tôi tin rằng các thương hiệu Việt với các bước đi phù hợp và luôn hướng tới lợi ích của người tiêu dùng chắc chắn sẽ có vị trí vững chắc trên thị trường". Đó là chia sẻ của ông Lê Hoàng Hải - Giám đốc Công ty TNHH sản phẩm công nghệ FPT.

Sự kiện: Bệnh ung thư và cách phòng tránh

Ông nhận xét thế nào về thị trường, chất lượng sản phẩm điện thoại mang thương hiệu Việt hiện nay và thời gian tới?

Các sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt đang tìm cách củng cố vị trí của mình trên thị trường. Thị trường khó khăn do sức mua suy giảm như hiện tại là một bộ lọc khá tốt để các thương hiệu Việt có thể tự nhìn lại mình. Chỉ các thương hiệu Việt có sức mạnh thực sự sẽ duy trì và phát triển trong thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Hải - Giám đốc Công ty TNHH sản phẩm công nghệ FPT

Hiện trên thị trường đã có khá nhiều dòng smartphone cấu hình, giá cả tốt cho người tiêu dùng, vậy lợi thế cạnh tranh của riêng FPT là gì? Trong thời gian tới, FPT có chiến lược thể nào để nắm giữ và phát triển thị phần điện thoại mang thương hiệu riêng của mình?

FPT luôn xác định thế mạnh của mình là các ứng dụng giá trị gia tăng cho người dùng. Dựa trên nền tảng các dòng điện thoại smartphone có cấu hình ngày càng mạnh và mức giá ngày càng phù hợp với đa số người dùng thì các ứng dụng của FPT càng có cơ hội lớn để triển khai và tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm. Các ứng dụng như: F-store, Nhacso, Tintuc, FPT Chat... đã tạo được hình ảnh tốt trong người tiêu dùng khi sử dụng điện thoại di động FPT.

FPT vẫn đang triển khai việc phân phối sản phẩm dựa trên hệ thống đại lý rộng khắp trên toàn quốc.

Hiện nay, các nhà sản xuất điện thoại mang thương hiệu Việt đều tung ra các sản phẩm smartphone như FPT, Q-mobile, Mobistar…, ông có nghĩ sẽ đưa các smartphone trở thành dòng sản phẩm chiến lược, dần dần chuyển hẳn sang phân khúc điện thoại cao cấp?

Việc dịch chuyển từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh đang là xu hướng của cả thế giới. Việt Nam cũng là nước nằm trong xu hướng dịch chuyển này. Hiện tại theo ước tính, điện thoại thông minh đang chiếm khoảng 30% thị phần tại Việt Nam.

Trước kia, khi nói về điện thoại thông minh, đa số người tiêu dùng nghĩ đó là sản phẩm điện thoại cao cấp. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ, đồng thời với việc sản xuất với số lượng ngày càng tăng đã giúp cho điện thoại thông minh có mức giá ngày càng phù hợp với đa số người dùng hơn. Ví dụ như điện thoại thông minh FPT F8 có mức giá chỉ tương đương với nhiều chiếc điện thoại phổ thông trên thị trường, nhưng có nhiều tính năng vượt trội hơn hẳn.

Nhiều người cho rằng điện thoại di động cũng là công cụ khẳng định đẳng cấp và hàng rẻ tiền là hàng kém chất lượng. Điều này làm các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài có lợi và bất lợi cho các thương hiệu mới của Việt Nam không?

Việc xây dựng thương hiệu là cả một quá trình lâu dài. Các thương hiệu nổi tiếng có lợi hơn trong việc này vì họ đã có cả một quá trình xây dựng lâu dài. Tuy nhiên đối với hàng công nghệ thì không có gì là vĩnh viễn ở đỉnh cao. Việc thăng trầm của các thương hiệu như Motorola, Nokia... đã cho thấy rõ điều đó. Tôi tin rằng các thương hiệu Việt với các bước đi phù hợp và luôn hướng tới lợi ích của người tiêu dùng, chắc chắn sẽ có một vị trí vững chắc trên thị trường.

Đức Thắng (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang