Điện, xăng tăng giá khiến hàng hóa tăng bao nhiêu?

author 13:26 07/08/2013

Chỉ sau hơn 10 ngày kể từ khi giá bán lẻ xăng tăng, việc giá điện điều chỉnh tăng thêm 5%, cùng động thái của một số địa phương điều chỉnh học phí là những yếu tố không chỉ trực tiếp đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên cao, mà còn gián tiếp tác động, đưa giá một số hàng hoá khác lên mặt bằng mới ngay trong tháng 8 này.

Nếu chỉ quan sát dựa trên số liệu ước tính, thì riêng quyết định điều chỉnh giá xăng dầu gần đây sẽ khiến CPI tháng 8/2013 tăng thêm 0,15 điểm phần trăm. Việc tăng giá điện sẽ góp phần làm CPI tăng thêm ít nhất 0,6 điểm phần trăm nữa.

Đó mới là tác động trực tiếp (tác động vòng 1) của việc tăng giá điện, xăng dầu vào CPI. Tác động gián tiếp ở các vòng tiếp theo sẽ rất khó đoán, nhưng chắc chắn là không nhỏ, vì điện, xăng dầu là đầu vào của mọi ngành hàng sản xuất. Trên lý thuyết, khi tăng giá hàng hóa, dịch vụ thì ngân sách tăng được thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nhưng thực tế không hẳn như vậy bởi một khi giá đầu vào tăng, thì giá thành sản xuất cùng giá bán sẽ tăng theo. Khi đó, sức cạnh tranh của hàng hóa bị giảm, hàng loạt doanh nghiệp sẽ phải tính lại kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Điện, xăng dầu là đầu vào của mọi ngành hàng sản xuất, việc tăng giá gián tiếp đối với hàng hóa là không nhỏ.

Như vậy, nguồn thu ngân sách không chỉ giảm trong ngắn hạn. Trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế từ mức tăng trưởng 23-24% những năm trước đây giảm xuống 18% vào năm 2012 và 12% trong 7 tháng đầu năm nay, thì giá hàng hoá tăng cao sẽ càng khiến mức tiêu dùng của người dân sụt giảm, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ khó khăn hơn.

Chính phủ đã đặt nhiệm vụ cho các bộ, ngành phải kiềm chế tốc độ CPI năm nay tối đa là 6,5%. Cho dù 7 tháng đầu năm, CPI mới tăng 2,68%, song thực hiện mục tiêu này không dễ, nếu nhìn lại diễn biến CPI 5 tháng cuối năm 2012. Cụ thể, với vài lần tăng giá xăng dầu, từ mức 21.900 đồng lên 23.150 đồng/lít xăng và 2 lần điều chỉnh tăng giá điện, trong đó có một lần được loại trừ do tăng vào cuối năm 2012, CPI trong 5 tháng cuối năm 2012 đã tăng thêm 4,59% và cả năm 2012 là 6,81%.

Dù muốn hay không, thì giá điện, xăng dầu, gas, nước sạch sinh hoạt… viện phí cũng đã tăng. Hàng triệu người làm cho khu vực nhà nước chưa kịp vui mừng vì được tăng lương tối thiểu mỗi tháng thêm 100.000 đồng, đã ngay lập tức phải chi thêm hàng chục khoản do xăng dầu, gas, điện, học phí, viện phí… đồng loạt tăng.

Không cần tra cứu cũng rất dễ nhận ra rằng, mỗi khi Nhà nước thực hiện chính sách nhằm tăng thu nhập cho người dân thì nhiều doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ công, hàng hóa thiết yếu do Nhà nước định giá lại tìm cách để tăng giá với lý do muôn thủa: “Giá cả hàng hóa, dịch vụ phải tiến dần đến giá thị trường”.

Trong cơ chế thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ (kể cả giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bình ổn giá) phải bám theo giá thị trường, nếu không sẽ khiến thị trường méo mó, không phản ánh chính xác hiệu quả của từng doanh nghiệp lẫn nền kinh tế. Vấn đề đặt ra là tăng giá vào lúc nào, tăng bao nhiêu để hạn chế đến mức thấp nhất có thể những tác động tiêu cực đến đời sống người dân, đến nền kinh tế và kiềm chế lạm phát.

Hy vọng từ nay đến cuối năm, giá những loại hàng hóa, dịch vụ này ổn định như hiện nay; các loại hàng hóa, dịch khác do Nhà nước định giá tiếp tục được kiềm chế. Như vậy mới tăng được cầu của nền kinh tế; tạo niềm tin để phần đông doanh nghiệp bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh; thu nhập thực tế của mỗi gia đình nhờ tăng lương, giảm thuế, tăng năng suất lao động được cải thiện, vì không phải chi quá nhiều cho điện, xăng dầu, học phí hay viện phí.

Theo Đầu tư

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang