Điêu đứng vì “chuẩn” của trường

author 21:29 16/09/2013

Năm học 2013-2014 chỉ mới khai giảng hai tuần nhưng sự bức xúc của phụ huynh (PH) về việc các trường đề ra các quy định “chuẩn” đã lên đến đỉnh.

“Chuẩn” đến… màu bìa tập

Dư âm về bộ đồng phục com-lê ở Trường tiểu học Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội (với giá quy ra bằng một tạ thóc) chưa kịp lắng thì tại TP.HCM lại rộ lên những “chuẩn” khác khiến PH lao đao. Trên bảng thông báo của Trường THPT Gò Vấp dán một bảng quy định chín mẫu ba lô, cặp táp dành cho học sinh (HS). Nhìn vào đó, HS mặc nhiên hiểu phải mua sắm loại ba lô nào, kiểu dáng ra sao mới phù hợp tiêu chuẩn. Bảng thông báo còn lưu ý, HS không được mang túi xách, ba lô du lịch; chất liệu phải là da, giả da, vải dù, không được sử dụng vải thường hoặc ni lông. Anh Q., một PH nói: “Tui mua túi xách theo sở thích của cháu và điều kiện kinh tế gia đình. Bây giờ quy định như vậy, khác gì tước đi quyền tự do riêng tư hết sức cơ bản của HS. Nhà có khá giả thì có thể mua thêm một ba lô cho đúng kiểu dáng. Nếu nhà khó khăn thì sao?...”.

Ngoài chuyện ba lô, nhiều PHHS còn “bật ngửa” vì chuẩn tập viết. Một PH của Trường tiểu học Tăng Bạt Hổ B (Q.4, TP.HCM) than phiền: Trường yêu cầu HS sử dụng vở 50 trang, nhưng hiện nay hầu hết các nhà sách đều bán phổ biến loại tập 100 trang. Tôi phải tìm đến nhà sách thứ tư mới có nơi bán loại tập 50 trang. Khi so sánh, chi phí mua hai cuốn 50 trang lại cao hơn mua một cuốn 100 trang.

Tại Hà Nội, một PH có con học lớp 5 Trường tiểu học Ba Đình, Q.Ba Đình phàn nàn, trường này có những quy định rất “oái oăm” như yêu cầu các HS phải dùng vở Bạn nhỏ mã 0509 của Hồng Hà. Với những môn chính như toán, tiếng Việt, HS dùng vở bìa xanh, gáy xanh đậm, với những vở phụ như hướng dẫn học, ghi đầu bài thì dùng vở bìa hồng, gáy xanh. Quy định của trường khiến các PH nháo nhào đi các hiệu sách vì loại vở này khá khan hiếm do đã in từ lâu.

“Mua được loại bìa hồng thì gáy không phải màu xanh, đúng gáy màu xanh thì vở lại là màu khác. Chúng tôi phải lùng sục khắp thành phố”, PH bức xúc. Nhiều PH Trường THCS Nguyễn Du, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng phản ứng khi nhà trường yêu cầu HS dùng chung một loại vở, có in sẵn tên và logo của trường ở bìa. Tại một số trường ở Q.Đống Đa, một số giáo viên yêu cầu loại vở khác nhau, có lớp yêu cầu phải viết vở Hồng Hà, lớp khác yêu cầu vở Klong.

“Chuẩn” vì học sinh?

Nhiều PHHS đặt dấu hỏi: Khi nhà trường quy định “chuẩn” chi tiết đến loại, mã số, ngoài việc tạo sự khác biệt cho HS của trường, còn vì mục tiêu nào khác?

Chúng tôi tìm đến Trường THPT Gò Vấp để ghi nhận thông tin khách quan, nhưng nhân viên bảo vệ sau khi hỏi ý kiến của ban giám hiệu đã yêu cầu phóng viên để lại số điện thoại, sắp xếp lịch hẹn nhưng sau hơn một tuần, vẫn chưa thấy trường phản hồi.

Về quy định sử dụng tập 50 trang, các trường cho rằng: Đây là chủ trương của Sở GD-ĐT nhằm giảm cho HS mang vác nặng, tập vở cũng đỡ dơ bẩn, cong nhăn. Tuy nhiên, đại diện Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: hiện Sở không chủ trương bắt buộc sử dụng phương án thay tập 100 trang thành 50 trang. Phương án mang hai quyển vở 50 trang đang được đề nghị các trường tham khảo, lấy ý kiến, nhằm giúp cho chiếc cặp của các em HS đỡ nặng hơn và góp phần làm cho tập vở sạch sẽ hơn, vì mỗi học kỳ trẻ sẽ thay tập mới chứ không viết dồn xuyên suốt hai học kỳ.

Trong khi Sở GD-ĐT chỉ mới “tham khảo, lấy ý kiến” thì các trường đã triển khai, khiến PHHS bức xúc. Chị Nguyễn Bích Thủy, ngụ Q.3 cho rằng: chủ trương tuy hợp lý nhưng cần phổ biến sớm (tốt nhất vào cuối năm học), vì hiện nhiều PHHS đã mua sẵn tập viết cho con cả năm rồi. “Đầu tháng Bảy, tôi đã mua sách vở cho con. Thấy giấy đẹp, chất lượng tốt nên mua liền 50 cuốn, giờ trường thông báo không dùng được nên không biết thế nào, bỏ đi cũng dở mà dùng không được, coi như đầu năm đã phí mất 500.000đ. Khi PH hỏi, giáo viên chủ nhiệm thanh minh là Ban giám hiệu yêu cầu như vậy và việc này nhằm phục vụ phong trào vở sạch chữ đẹp của trường. Nếu HS nào viết không đúng loại vở sẽ bị cô trừ điểm hạnh kiểm”, một PH ở Hà Nội cho biết.

Khi đưa ra những yêu cầu, quy chuẩn về đồng phục, tập vở… nhà trường nên cân nhắc những điều kiện khách quan như khí hậu, văn hóa địa phương và phải phù hợp với điều kiện kinh tế của PHHS. Nhà trường cũng nên tham khảo ý kiến của PHHS, nguyện vọng của HS trước khi đưa ra quy định chính thức cho hợp “lòng dân”. Tốt nhất là những quy định này không nên áp đặt mà chỉ là khuyến khích rồi thực hiện theo kiểu cuốn chiếu.

Theo PNO

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang