Định giá Tài sản trí tuệ - Muộn còn hơn không

author 15:02 05/12/2013

(VietQ.vn) – Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, thông tư ra đời tuy muộn nhưng còn hơn không làm vì nếu không có thông tư quy định thì toàn bộ kết quả nghiên cứu đã thành công không thể đi vào thị trường được.

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa tổ chức Hội thảo trực tuyến Kỹ thuật xác định giá trị tài sản trí tuệ. Hội thảo nhằm thảo luận, góp ý về các khía cạnh học thuật và thực tiễn cho dự thảo Thông tư hướng dẫn định giá tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước, cũng như tạo diễn đàn kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà quản lý, giữa các chủ thể khác nhau trong thị trường KH&CN. Phóng viên Chất lượng Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân về những nội dung chính của thông tư.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân.

Xin Bộ trưởng cho biết những mấu chốt chính cần tập trung giải quyết trong việc xác định kỹ thuật định giá tài sản trí tuệ?

Kỹ thuật xác định tài sản trí tuệ (TSTT) bao gồm các phương pháp để xác định, trình tự thủ tục, thẩm quyền để xác định giá trị tài sản trí tuệ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Về phương pháp trong dự thảo thông tư xác định giá trị TSTT các cán bộ nghiên cứu đã đưa ra 3 phương pháp mang tính thông lệ quốc tế như phương pháp chi phí, thị trường và thu nhập.

Tùy thuộc vào loại TSTT nào thì ta áp dụng một trong 3 phương pháp này. Có những TSTT đã có thị phần trên thị trường như là thương hiệu của Cocacola, Microsoft thì người ta phải xác định theo phương pháp thị trường hay thu nhập, nhưng có những TSTT chưa có thị trường, chưa được người tiêu dùng biết đến thì lại dùng phương pháp chi phí để làm sao giữ được giá trị của tài sản mà nhà nước đã đầu tư, đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu của các tài sản đó chính là các viện nghiên cứu, các trường đại học, các nhà khgoa học.

Do đó, việc đưa ra các phương pháp đúng, quy định được trình tự thủ tục, thẩm quyền đúng sẽ giúp cho thương mại hóa kết quả nghiên cứu được tốt hơn.

Lý do tại sao trong thời điểm này Bộ KH&CN lại soạn thảo và ban hành thông tư về xác định TSTT, thông tư này sẽ giải quyết được vấn đề gì mà trước đây chúng ta chưa có?

Lẽ ra thông tư phải ra đời song hành với Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ năm 2005, tuy nhiên do là vấn đề khó nên đã phải giao cho các đơn vị của Bộ KH&CN nghiên cứu và đến hiện tại mới hình thành được thông tư này.

Tuy muộn nhưng còn hơn không làm vì nếu không có thông tư quy định về xác định giá trị TSTT từ nguồn ngân sách nhà nước thì toàn bộ kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước đã thành công không thể đi vào thị trường được. Và nếu đi vào thị trường thì cũng phải đi bằng con đường không chính thức và cả nhà nước, các nhà khoa học đều phải chịu thiệt thòi, không đảm bảo được quyền lợi của 3 bên nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Tài sản trí tuệ được hình thành từ ngân sách nhà nước chủ sở hữu là nhà nước, nếu nhà nước không giao quyền sở hữu này thì nhà khoa học, viện trường không thể đem tài sản này chuyển giao cho sản xuất kinh doanh thông qua doanh nghiệp được, cho nên nó lại là loại đề tài bỏ ngăn kéo. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể đảm bảo quyền lợi cho các nhà khoa học khi tham gia vào việc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.

Trên thực tế ở các nước phát triển các nhà khoa học có thể sống được bằng chất xám của mình chính là việc nhà nước giúp họ định giá được TSTT, giao quyền sở hữu cho họ và họ có thể góp vốn vào doanh nghiệp, trở thành cổ đông của doanh nghiệp hoặc họ có thể bán cho doanh nghiệp sau đó hoàn lại một phần cho ngân sách nhà nước đã đầu tư, phần còn lại chính là quyền lợi của nhà khoa học được hưởng.

Như vậy thông tư này đã giải quyết được vấn đề mang tính thị trường của khoa học công nghệ tức là thương mại hóa kết quả nghiên cứu và đảm bảo quyền lợi của người làm ra TSTT.

Xin Bộ trưởng cho biết lộ trình thực hiện trong thời gian tới?

Bộ KH&CN sẽ cùng với Bộ Tài chính ban hành thông tư liên tịch về định giá TSTT, sau đó sẽ có các văn bản khác quy định về phân chia lợi ích sau khi tài sản trí tuệ được định giá, chuyển giao hoặc góp vốn.

Bộ cũng phải ban hành các quy định cụ thể hơn về thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước trong việc định giá, giao tài sản, giao quyền sở hữu, quản lý kinh phí, nguồn tiền đã thu được từ việc góp vốn, chuyển nhượng tài sản trí tuệ. Tất cả các công việc này phải hoàn thành trong năm 2013, vì từ năm 2014 Luật KH&CN sẽ có hiệu lực.

Thông qua định giá này sẽ thấy được hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước, nhà nước bỏ ra 1 liệu nhà nước có thu lại được hơn 1 hay không hay là hoàn toàn không thu được đồng nào đấy là những đề tại bị xếp ngăn kéo. Còn những đề tài đã ra thương trường chắc chắn nhà nước sẽ thu được thông qua thuế, thông qua hoàn trả trực tiếp cho ngân sách, hoặc hỗ trợ cho các tổ chức khoa học công nghệ và các nhà khoa học tiếp tục tái tạo các kết quả nghiên cứu mới.

Liệu sẽ có khó khăn khi triển khai thông tư này vào thực tế, và nếu có thì sẽ giải quyết thế nào thưa Bộ trưởng?

Khó khăn lớn nhất là các cơ quan hỗ trợ cho việc định giá, người có thẩm quyền ở đây là các Bộ trưởng các Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Nhưng họ không thể định giá một cách định tính được, họ phải dựa vào các cơ quan hỗ trợ chính là các tổ chức dịch vụ trong thị trường KH&CN.

Trong thị trường KH&CN hiện nay, nguồn cung nguồn cầu đều được cung cấp đầy đủ, nhưng các định chế trung gian, các dịch vụ lại rất thiếu. Cả nước hiện mới có vài ba đơn vị làm được công việc tư vấn xác định giá trị tài sản trí tuệ. Do đó để phục vụ được cho xã hội, nền kinh tế với hàng triệu doanh nghiệp thì phải đầu tư hình thành hệ thống các tổ chức dịch vụ trong thị trường KH&CN giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền có thể xác định được giá trị thực, giá trị đúng TSTT.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Quang Tuấn (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang