DN được ưu đãi chưa mang lại hiệu quả năng suất khác biệt

author 19:15 26/06/2014

(VietQ.vn) - Đây cũng là kết quả từ Báo cáo Ưu đãi đầu tư và hoạt động của DN do Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công bố sáng 25/6.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Ông Brian Portelli, chuyên gia UNIDO cho biết, Báo cáo Điều tra công nghiệp Việt Nam đã dựa trên bộ dữ liệu gồm hơn 500 biến số thu thập từ gần 1.500 doanh nghiệp. Mục đích của báo cáo trên nhằm làm rõ vấn đề liệu rằng các ưu đãi tài chính có hỗ trợ đầu tư tư nhân trực tiếp tại Việt Nam hay không?

Để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nền kinh tế, các ưu đãi đầu tư đã được thiết kế và áp dụng tại Việt Nam kể từ khi Luật Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài có hiệu lực vào năm 2007.

DN nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng...

Ưu đãi đầu tư gồm các loại hình ưu đãi khác nhau, trong đó có ưu đãi về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, các loại thuế lợi tức), ưu đãi về đất đai, ưu đãi về ưu đãi tín dụng, và các hình thức hỗ trợ tài chính khác của các địa phương. Theo thời gian, trọng tâm chính của khung ưu đãi đầu tư ở Việt Nam đã chuyển hướng từ chỗ nhằm vào thu hút dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sang hỗ trợ đầu tư trực tiếp nước ngoài tạo ra được giá trị gia tăng cao, nâng cao việc sử dụng công nghệ cao, năng lực công nghiệp và vốn.

Tuy nhiên, Báo cáo của UNIDo lại chỉ ra rằng các ưu đãi tài chính chỉ có xu hướng đóng vai trò bổ sung chứ không phải là một nhân tố cần thiết trong tiến trình thu hút đầu tư.

Để chứng minh, Báo cáo đưa kết quả không có sự khác biệt có ý nghĩa nào được phát hiện về năng suất lao động khi so sánh các công ty nước ngoài được nhận ưu đãi và các công ty nước ngoài không được nhận ưu đãi.

Trong số các công ty nước ngoài, chỉ có những công ty đươc nhận ưu đãi trả lương cao hơn khi so sánh với các công ty trong nước.

“Các công ty nước ngoài, không tính đến việc họ có được nhận ưu đãi hay không đều có cường độ vốn cao hơn các công ty trong nước. Không có sự khác biệt có ý nghĩa nào về cường độ vốn giữa các công ty nước ngoài được hoặc không được nhận ưu đãi”, ông Brian Portelli, cho biết.

Các kết quả phát hiện gợi ý rằng các công ty nước ngoài hoạt động trong các khu công nghiệp có hiệu quả hoạt động tốt hơn các công ty trong nước, trong khi đó hiệu quả hoạt động của họ không có khác biệt mấy so với các công ty nước ngoài cùng hoạt động trong các khu công nghiệp như vậy mà không được nhân ưu đãi. Điều này cho thấy chỉ có môi trường hoạt động trong các khu công nghiệp không cũng đủ để tạo ra được hiệu quả năng suất và hiệu quả kỹ thuật mà không cần tính đến việc nhận ưu đãi.

Từ những cơ sở phân tích, bản báo cáo cũng nhấn mạnh rằng những ưu đãi tài chính có thể không nhất thiết là nhân tố mang tính quyết định nhất đối với các nhà đầu tư khi đưa ra quyết định đia điểm đầu tư trực tiếp.

Từ hiệu quả các chính sách ưu đãi của Việt Nam dành cho các DN, các chuyên gia khuyến cáo việc cấp ưu đãi đầu tư cần được xem xét kỹ hơn vì đây là một chính sách rất tốn kém tạo ra sự biến dạng hệ thống thuế quốc gia và những hạn chế về ngân sách mà nó tạo ra đối với nước sở tại.

“ Bất kỳ các biện pháp nào được thực hiện để giữ lại các ưu đãi hiện có hoặc để cấp bất kỳ ưu đãi mới nào cũng phải phụ thuộc khả năng và năng lực của nước sở tại nhằm thực hiện xúc tiến đầu tư và các hoạt động muc tiêu một cách kỹ càng. Các ưu đãi cần phải được rà soát liên tục nhằm đánh giá tính hiệu quả của các ưu đãi hơn là tác động hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Do vậy nói một cách lý tưởng là nước sở tại nên có sẵn cơ chế thực hiện và giám sát để xác định liệu các ưu đãi đó có thực sự mang lai kết quả đầu tư như mong đợi về hiệu quả năng suất và tạo nên giá trị gia tăng hay không”, chuyên gia UNIDO phân tích.


Hạ Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang