Đổ bệnh vì nhiệt độ ngày đêm chênh lệch quá lớn

author 05:56 16/04/2015

(VietQ.vn) - Nhiệt độ ngày đêm của miền Bắc chênh lệch khá lớn (10 độ C) ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người già và trẻ em.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết các tỉnh miền Bắc mấy ngày gần đây ít mây, gió khô sẽ tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lên tới hơn 10 độ.

Cụ thể, vào ban đêm, hầu hết toàn bộ miền Bắc, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội nhiệt độ sẽ thấp từ 13-17 độ C. Trong khi đó, ban ngày có nắng, nhiệt độ tăng nhanh ở mức từ 27-30 độ C. Như vậy, chênh lệch nhiệt độ ngày-đêm ở khu vực này khá rõ nét và điều đó cũng phần nào lý giải, tại sao người già và trẻ em ồ ạt nhập viện trong thời gian gần đây.

Đổ bệnh vì nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn

Thời tiết thất thường khiến trẻ em đổ bệnh nhiều. Ảnh: Dân Trí

Tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) trẻ nhập viện vì viêm phổi, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy... đã tăng 20 -30% so với những ngày bình thường. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, thời tiết mưa nắng thất thường, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, độ ẩm cao tạo điều kiện cho virus gây bệnh phát triển, khiến số trẻ đổ bệnh tăng lên.

BS Dũng cho biết, đầu hè là mùa đỉnh điểm của các bệnh đường hô hấp ở trẻ. Đây cũng là thời điểm khiến sức đề kháng của trẻ giảm cùng với mật độ vi khuẩn, virus trong không khí tăng lên.

Đặc biệt nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm quá lớn, cơ thể trẻ rất khó thích nghi với sự thay đổi đột ngột này khiến chúng thường bị những cơn ho kéo dài, ngạt mũi, viêm mũi nặng hơn, nhất là buổi sáng sớm.

Ngoài ra, viêm phế quản cấp do siêu vi cũng là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em khi thời tiết diễn biến bất thường.

"Khi con trẻ có biểu hiện ho, sốt, kèm theo thở nhanh, rút lõm lồng ngực, mệt mỏi, suy hô hấp, biến chứng phổi thì cần đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời. Để phòng bệnh chú ý tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin để tăng cường sức đề kháng, giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ... Đặc biệt cha mẹ không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ, nhất là kháng sinh", BS Dũng khuyến cáo.

Không chỉ trẻ em, hiện tượng thời tiết thay đổi thất thường, ngày nắng nóng, đêm lạnh buốt cũng là nguyên nhân gây nhập việc nhiều với người lớn tuổi có tiền sử mắc bệnh tim mạch bởi dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: chảy máu não, đột quỵ…

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết buổi tối lạnh, khí áp hạ đột ngột, lúc đó, tim sẽ đập nhanh lên, cơ tim dễ bị thiếu ôxy. Nếu đột ngột bị mưa lạnh, nhiệt độ trong và ngoài cơ thể sẽ chênh lệch nhau, tim không chịu nổi những ảnh hưởng đó của môi trường nên dễ gây ra bệnh động mạch vành, nhất là ở người cao tuổi.

Thời tiết lạnh cũng sẽ làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu, tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành hay tai biến mạch máu não. Khi nhiệt độ xuống thấp, người mắc bệnh tim mạch dễ bị hạ thân nhiệt do không có khả năng tạo đủ năng lượng để duy trì nhiệt độ bên trong cơ thể. Điều này có thể dẫn tới tử vong, chủ yếu là do suy tim.

Mặt khác, khi nhiệt độ ban đêm lạnh, thay đổi chuyển sang nắng nóng về ban ngày sẽ khiến tim phải gắng sức co bóp, gây quá tải, tình trạng suy tim tăng lên, có thể gây tử vong với người mắc bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh mạch vành... Riêng với bệnh mạch vành, tim gắng sức làm tăng nhu cầu ôxy nên dễ gây thiếu máu cơ tim, gây ra triệu chứng đau thắt ngực, mệt, khó thở và gây nhồi máu cơ tim. 

Phương Trà


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang