Đồ chơi trôi nổi: Hiểm họa chực chờ!

author 10:28 29/05/2012

(VietQ.vn) - Rẻ, phong phú về mẫu mã, màu sắc, đồ chơi trẻ em không nhãn mác vẫn bán tràn lan trên thị trường. Đặc biệt, đồ chơi dành cho trẻ dưới 3 tuổi không có bất cứ lời cảnh báo nào của nhà sản xuất như quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về an toàn đồ chơi trẻ em dưới 36 tháng tuổi.

Đồ chơi trôi nổi không nguồn gốc có nguy cơ gây hại sức khỏe của trẻ

Bất chấp cảnh báo

Gần đến ngày Tết thiếu nhi 1/6, ghi nhận của PV tại các ngã ba, ngã tư đường phố Hà Nội có rất nhiều đồ chơi dành cho các bé (bóng thổi, đồ chơi bằng nhựa, sứ...) bày bán tràn lan trên các vỉa hè.

Cầm trên tay một con rô bốt không nhãn mác, khó có thể biết chất liệu đồ chơi này là bằng nhựa bởi bên ngoài được phủ một lớp sơn đầy màu sắc. Những chiếc ô tô, những con búp bê bé xíu cũng được trang trí lòe loẹt, không kém phần bắt mắt. Những bộ đồ chơi xếp hình, đồ nấu ăn cũng được “tô màu” phong phú. Tất cả sản phẩm này đều không có nhãn mác và dấu hợp quy.

Chị Hoàng Thu Hải, trú tại phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội dẫn con trai 3 tuổi lựa chọn đồ chơi trên đường Láng. Món đồ chơi mà cậu bé thích là chiếc ô tô chạy bằng pin có ủ còi cảnh sát. Cạnh đó, một em bé cũng được cha mẹ mua cho con rô bốt điều khiển với nhiều chi tiết rắc rối như áo giáp rời và kiếm cầm tay. Em bé chỉ tầm 2 tuổi.

Khi được hỏi tại sao không mua cho con những đồ chơi an toàn, có tem hợp chuẩn tại các cửa hàng lớn. Chị Hải cho rằng, trẻ hay nhanh chán nên chọn mua đồ rẻ tiền, cho chơi xong rồi vứt, chị không quan tâm đồ chơi cho con mình có an toàn hay không, miễn là đẹp và trẻ thích là được. Chị Hải cho biết, chị cũng không chú ý đến nhãn hay cảnh báo của nhà sản xuất, bởi theo chị rẻ, đẹp mới là điều đáng quan tâm.

Thực tế cho thấy, việc đồ chơi Trung Quốc độc hại đã được cảnh báo từ lâu, nhưng ở Việt Nam, mặt hàng này có mặt khắp nơi từ nông thôn đến thành thị. Và bất chấp cảnh báo, đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc vẫn được bán rất chạy.

Nhiều người tiêu dùng cho biết, họ lựa chọn vì đồ chơi Trung Quốc đa dạng về mẫu mã, sinh động và quan trọng hơn là hợp túi tiền. Trong khi đó, các loại đồ chơi sản xuất trong  nước ít chủng loại và mẫu mã, đồ chơi của các nước khác thì giá cả đắt, không nhiều người có khả năng mua được...

Một thực tế nữa là, có một số người mua loại đồ chơi này vì chưa rõ tính độc hại của chúng, nhưng số đông người tiêu dùng biết rõ đồ chơi rẻ tiền độc hại vẫn mua. Nhiều món đồ chơi không an toàn cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi vẫn được nhiều phụ huynh mua cho con em sử dụng...

Coi chừng nhiễm độc chì

Trao đổi với phóng viên, Kỹ sư hoá học Nguyễn Hưng Dũng - Viện Hoá học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết thông thường để hạ giá thành sản phẩm, các cơ sở sản xuất đồ chơi thường dùng nhựa tái sinh (nhựa tạo màu) để sản xuất.

 Việc lựa chọn đồ chơi an toàn cho trẻ vẫn chưa được nhiều phụ huynh quan tâm

Đồ chơi Trung Quốc trôi nổi rẻ hơn nhiều so với đồ chơi trong nước là vì đa số doanh nghiệp trong nước chỉ dùng nhựa nguyên chất (chưa qua sử dụng) để sản xuất đồ chơi cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Bởi mỗi khi tung ra một mẫu sản phẩm đồ chơi cho trẻ dưới 3 tuổi, họ đều phải qua kiểm định chất lượng sản phẩm, nếu đạt tiêu chuẩn an toàn mới bán ra thị trường.

Cũng theo kỹ sư Dũng, đồ chơi trẻ em càng nhiều màu sắc sặc sỡ thì càng nguy hiểm cho sức khoẻ của trẻ. Vì trong đồ chơi tạo màu có sử dụng các phẩm màu hoặc hợp chất có màu (hữu cơ hoặc vô cơ). Các hợp chất này, cho dù là loại nào, ngấm vào cơ thể cũng ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ.

Kỹ sư Dũng cho biết thêm, khi sản xuất nhựa, các nhà sản xuất hay cho hoá chất phthalate vào để làm mềm nhựa. Loại hoá chất này không tốt cho sức khoẻ.

Tuy nhiên, theo kỹ sư Dũng, nguy hiểm nhất trong dạng đồ chơi bằng nhựa của trẻ em chính là chất làm ổn định nhiệt, trong đó có chì và Cadimi (Cd). Chất này có tác dụng tự điều chỉnh nhiệt độ (cao quá hoặc thấp quá) trong quá trình đun nấu, không ảnh hưởng tới độ mềm dẻo khi ép vào khuôn của sản phẩm. Nếu nồng độ của chì và Cd được chuyển hoá vào cơ thể, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng sức khoẻ của trẻ.

Một nguyên nhân nhiễm độc chì rất phổ biến ở trẻ em dưới 3 tuổi hiện nay là hay cho pin (có trong các loại đồ chơi phát ra nhạc, đèn) vào miệng. Bình thường, vỏ ngoài pin được bọc bằng kẽm, nhưng nếu trẻ ngậm mút lâu ngày hoặc nhằn sứt quả pin cũng dễ có nguy cơ nhiễm độc chì.

Kỹ sư Nguyễn Hưng Dũng nhấn mạnh, nếu chì được chuyển hoá vào cơ thể sẽ thay thế dần canxi trong xương khiến cơ thể mềm nhũn, da dẻ lở loét và trẻ rất chậm biết đi.

Để niềm vui của trẻ trong ngày Tết thiếu nhi được trọn vẹn, các bậc cha mẹ cần phải cẩn trọng với những đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ.  Nếu mua đồ chơi cho trẻ dưới 3 tuổi, nhất thiết phải có dòng chữ cảnh báo về sản phẩm của nhà sản xuất; đặc biệt không nên cho trẻ ngậm, mút, nhai đồ chơi để tránh nhiễm độc.

Biểu hiện đầu tiên là gây rối loạn tiêu hoá, nôn, tiêu chảy, biếng ăn, hay đau bụng từng cơn dữ dội kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Trẻ trông xanh xao hay mệt do thiếu máu.

Trường hợp nặng sẽ gây suy thận, viêm cơ tim. Lâu ngày, chì gây tổn thương não khiến trẻ dễ bị kích thích, co giật, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, bệnh diễn tiến rất nặng và tái đi tái lại do thời gian loại chì ra khỏi cơ thể rất lâu. Thời gian để loại chì ra khỏi thận là 7 năm và khỏi xương là 32 năm.

BS. Nguyễn Thị Kim Thoa (Bệnh viện Nhi đồng 1-TP HCM)

 Uyên Chi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang