Đồ chơi bạo lực “tiếp tay” cho trẻ phạm tội sớm?

author 15:46 29/05/2013

(VietQ.vn) - Không ít bậc cha mẹ chỉ vì những sở thích của con mà mua cho chúng những loại đồ chơi mang tính bạo lực. Đây là điều nên tránh bởi những loại đồ chơi này không chỉ gây ra những nguy hiểm và tai nạn trực tiếp cho trẻ mà còn gây ra ảnh hưởng tâm lý lâu dài.

Có phải là đồ chơi dành cho trẻ?

Đồ chơi nào cũng tác động đến tâm lý trẻ

Đã có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý chứng minh rằng, nhiều loại đồ chơi có những giá trị giống như việc học tập của trẻ, thậm chí với trẻ nhỏ thì nó có một giá trị không thể phủ nhận trong việc phát triển kỹ năng và hình thành nhân cách. Tuy nhiên, các nhà tâm lý cũng khẳng định rằng, mỗi loại đồ chơi có một kiểu tác động tâm lý và trí tuệ khác nhau. Ví dụ như những loại đồ chơi xếp hình, lắp ghép tranh … nó sẽ giúp trẻ phát triển trí não và khả năng tư duy. Còn những loại đồ chơi bạo lực sẽ làm cho trẻ luôn muốn tìm tòi và muốn hóa thân thành những nhân vật trong phim ảnh để trở thành anh hùng.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn khẳng định: “Bất kể một loại đồ chơi nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Nhất là những loại đồ chơi bạo lực thì việc làm thay đổi cũng như ảnh hưởng tâm lý sẽ diễn ra nhanh hơn”.

Theo ông Chất, những đứa trẻ tiếp xúc và chơi những loại đồ chơi bạo lực ngay từ nhỏ, sau này khi lớn lên nó sẽ là đứa trẻ hiếu thắng và chỉ muốn thắng người khác bằng bạo lực, bằng dao kiếm, súng ống. Nếu những đứa trẻ mê đồ chơi bạo lực và mê cả những trò chơi điện tử mang tính bạo lực thì những ảnh hưởng xấu đến tâm lý là không thể lường trước được.

Thực tế cho thấy, đó là xu hướng của rất nhiều bạn trẻ hiện nay, khi nhỏ được bố mẹ chiều chuộng mua cho dao kiếm, súng ống để chơi, lớn hơn một chút thì sa đà vào game bạo lực, chính vì thế trẻ đã học theo game và luôn muốn mình là kẻ “bất khả chiến bại”. Điều đó cũng lý giải được vì sao ngày càng nhiều trẻ em tuổi vị thành niên phạm tội.

Đồng quan điểm với chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, TS. tâm lý Tô Thị Anh cho biết: “Nếu trẻ thường xuyên tiếp xúc với thế giới xung quanh có tính giáo dục và khơi gợi tính nhân văn, tâm hồn trẻ được gần gũi với thiên nhiên, với "chất" người, khi lớn lên trẻ sẽ có tấm lòng nhân ái. Ngược lại, với những trẻ tiếp xúc với môi trường sống hoặc thói quen giải trí với những trò chơi, đồ chơi bạo lực, sẽ dễ hình thành thói quen dùng bạo lực để giải quyết mọi việc. Trẻ không được giáo huấn lòng nhân ái, khi lớn lên sẽ khô cạn tình yêu thương".

Ở các nước trên thế giới, việc cho trẻ nhỏ chơi các đồ chơi bạo lực cũng được các chuyên gia tâm cảnh báo là rất nguy hiểm. Theo tiến sĩ L. Singer, thuộc đại học Yale (Hoa Kỳ), thì cha mẹ cần có sự hiểu biết về những tác động của các loại đồ chơi lên tâm lý của trẻ. Bởi một số đồ chơi sẽ có những ảnh hưởng đến trí tuệ, nhân cách, cá tính của trẻ sau này, đặc biệt là trẻ ở trong giai đoạn từ 3 - 5 tuổi.

Nhiều thống kê cho thấy trẻ thường xuyên tiếp xúc với các đồ chơi, phương tiện điện tử và những trò chơi bạo lực, thì trẻ sẽ có cảm giác xung quanh mình lúc nào cũng có những nguy hiểm rình rập. Hay trẻ sẽ chai lỳ trước những hành vi bạo lực, vô cảm trước những nỗi đau khổ của người xung quanh. Trẻ sẽ có những phản ứng chống cự và tấn công, khó vâng lời và có nhiều nguy cơ rở nên hung hăng, giảm đi tính tự tin và cả khả năng nhận thức.

Nhiều phụ huynh không ý thức được sự nguy hiểm của đồ chơi bạo lực tác động đến tâm lý của con mình ( Ảnh chụp tại Hội Đồng Kỵ - Bắc Ninh)

Làm sao để giúp con không bạo lực?

Trước tác động tiêu cực từ những loại đồ chơi bạo lực đến tâm lý trẻ như vậy, các chuyên gia tâm lý cho rằng, người lớn cần phải tỉnh táo khi chọn mua đồ chơi cho trẻ. Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, việc cho trẻ chơi đồ chơi là việc nên làm. Tuy nhiên việc chọn đồ chơi sao cho phù hợp với lứa tuổi và giúp trẻ định hướng hình thành nhân cách sau này là điều rất quan trọng. Cách tốt nhất là nên cho trẻ tránh xa đồ chơi bạo lực, nếu muốn con mình có cá tính và mạnh mẽ thì có nhiều cách chứ không nhất thiết phải chơi đồ chơi bạo lực.

Nếu sớm nhận ra con có dấu hiệu thích bạo lực từ khi còn nhỏ tuổi, các bậc phụ huynh cần chấn chỉnh con ngay. Hãy dùng cả tình yêu và trái tim của mình để dạy con biết yêu thương, chia sẻ thay vì dạy con dùng “nắm đấm” để đối phó với bạn bè và những người xung quanh. Các bậc phụ huynh phải xác định: không bao giờ là quá muộn để dạy con từ bỏ tính bạo lực. Phải luôn luôn theo sát con và cần có kế hoạch nuôi dạy để con trưởng thành khỏe mạnh và sống tốt với mọi người.

Tốt nhất, cha mẹ nên có một cuốn sổ ghi lại từng thời kì phát triển thay đổi cả về tâm sinh lý của con và những tiến bộ của con dưới sự hướng dẫn, khuyên bảo của người lớn. Cha mẹ cũng có thể tham khảo thêm các bài viết về nuôi dạy con trên các báo, tạp chí hoặc từ những người khác.

Khi con có bất kì vấn đề gì mà cha mẹ không còn kiểm soát nổi thì tốt nhất hãy kết hợp với cả cô giáo của con và cả những nhà tâm lý khi cần thiết. Hãy lập kế hoạch đánh giá tâm lý của con để có hướng điều chỉnh và điều trị thích hợp. Không sử dụng bạo lực với con. Nhất là với những đứa trẻ vốn tính nóng nảy thì việc chứng kiến cảnh bạo lực ở trường, ở nhà hay trên các phương tiện truyền thông sẽ càng làm cho hành vi hung hăng ở trẻ tăng lên.

Phương Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang