Đồ chơi nguy hiểm, bạo lực nhộn nhịp trên 'chợ online'

author 10:05 02/06/2018

(VietQ.vn) - Không phải cất giấu đồ chơi nguy hiểm để "che mắt" cơ quan chức năng đi kiểm tra trên thị trường, đồ chơi bạo lực được rao bán nhiều nhất trên các website và trang mạng xã hội.

Đồ chơi bạo lực được rao bán nhiều nhất trên các trang mạng xã hội. Theo khảo sát của PV, trên các trang lazada; quatangshoomin; Shop súng đạn nhựa trên mạng xã hội Facebook... đồ chơi nguy hiểm như dao, kiếm, súng đạn nhựa liên tục chào bán và còn đi kèm nhiều chương trình khuyến mại như được giảm giá hoặc tặng kèm đạn. 

Tại đây, các loại loại đồ chơi nguy hiểm, bạo lực như dao bấm, dao gấp, spiner lưỡi dao được rao bán tràn lan với giá từ 50 nghìn đến 500 nghìn. Đặc biệt, mặt hàng súng bắn đạn nhựa khác như súng lục, súng săn...được quảng cáo nhiều nhất với xuất xứ Hồng Kông (Trung Quốc), lực bắn mạnh, độ chính xác cao… giá từ 150 nghìn đến 500 nghìn đồng/khẩu.

Với những loại súng mới có hoặc mới nhập về thuộc hàng “cao cấp” có giá bán lên tới vài triệu đồng/sản phẩm. Ở một diễn đàn trên mạng, một thành viên rao bán khẩu súng máy bắn đạn nhựa có dây đeo, được thiết kế giống như súng thật.

Người mua có nhu cầu chỉ cần ở nhà "click chuột" vào xem mẫu mã, kiểu dáng, họng và nòng súng, loại đạn nhựa, hộp bao nhiêu viên rồi xem giá. Nếu đồng ý chỉ cần một cú điện thoại sẽ có người mang tới tận nhà.

 

Đồ chơi nguy hiểm, bạo lực được bày bán trên 'chợ online'

Theo các chuyên gia tâm lý, thường xuyên tiếp xúc với những đồ chơi bạo lực này sẽ ảnh hưởng tới việc hình thành tâm lý, dễ dẫn đến các hành vi mang tính bạo lực, côn đồ rất khó kiểm soát ở trẻ. Mặt khác, những loại đồ chơi này thường làm từ nhựa tái chế rất độc hại.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn các mặt hàng đồ chơi trẻ em không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác hoặc đồ chơi bạo lực lưu thông ra ngoài thị trường nhưng nhiều chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em lại chưa ý thức đầy đủ về tác hại của hành vi nêu trên. Thêm vào đó, không ít các chủ cửa hàng vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp kinh doanh các mặt hàng bị pháp luật cấm, có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo quy định các loại đồ chơi dành cho trẻ em phải tuân thủ theo QCVN 3:2009/BKHCN, trước khi lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo quy chuẩn. Tuy nhiên, tất cả loại đồ chơi này đều không có tem hay chữ tiếng việt (với hàng nhập) mà toàn chữ Trung Quốc.

 

Mặt hàng súng đồ chơi "hot" với nhiều mẫu mã và đa dạng về chủng loại

Khách hàng mua súng chỉ cần "click chuột" là sẽ được ship tới tận nhà. Ảnh Chụp màn hình

Thông tin từ Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, năm 2017, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa đã kiểm tra tổng số lô đồ chơi trẻ em nhập khẩu đạt chất lượng: 5.021 lô; phát hiện 11 lô không đạt, số lượng 53.755 cái/ chiếc/vỉ/bộ. Kiểm tra trên thị trường, phát hiện, xử lý vi phạm, tạm dừng lưu thông và chuyển hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.362 mẫu đồ chơi trẻ em vi phạm về nhãn và CR.

Đáng nói hơn, theo lực lượng chức năng, trong số những đồ chơi không rõ nguồn gốc này lại có khá nhiều là đồ chơi bạo lực như: Súng, kiếm, giáo, mặt nạ quái dị… Hầu hết các đồ chơi này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc được tiểu thương nhập từ chợ Tân Thanh (Lạng Sơn) hoặc nhập thẳng từ Thẩm Quyến (Trung Quốc) với số lượng lớn.

Trước thực trạng này, người tiêu dùng nhất là các phụ huynh có con nhỏ nên cân nhắc kỹ khi mua đồ chơi cho trẻ nhỏ. Để đảm bảo an toàn, chỉ nên mua các sản phẩm đồ chơi trẻ em có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ và không cho trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi bạo lực.

Đồ chơi bạo lực thực chất là một dạng vũ khí sát thương, nguy hại cho cả trẻ em lẫn người lớn. Nghị định 59/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, nêu rõ: Đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội (bao gồm các chương trình trò chơi điện tử) thuộc danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh.

Còn theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, cá nhân, tổ chức sản xuất có thể bị phạt hành chính từ 500.000 đến 1.000.000 đồng; ngoài ra, có thể bị phạt bổ sung. Cá nhân, tổ chức cho trẻ em chơi những loại đồ chơi nguy hiểm có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

 Hùng Cường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang