Đồ chơi trẻ em độc hại xâm chiến làng quê

author 14:29 10/02/2014

(VietQ.vn) - Ở một số khu vực thành phố, phụ huynh không cho phép con em mình chơi loại đồ chơi như keo thổi bong bóng, hạt nhựa nở có nguồn gốc Trung Quốc do lo ngại về mức độ an toàn. Tuy nhiên, tại các vùng quê, các loại đồ chơi này đang dần xâm lấn và được nhiều trẻ nhỏ ưa chuộng.

Nguy cơ ngộ độc hàng loạt

Hạt nhựa nở nhiều màu sắc có kích thước nhỏ, đặt trong một túi bóng, bán với giá từ 1.000 – 2.000 đồng/túi. Khi ngâm vào trong nước hay dung dịch những hạt nhựa này có thể tăng kích cỡ lên tới vài trăm phần trăm.

Hạt nhựa nở được bày bán với giá rẻ nên nhiều trẻ nhỏ mua về nhà "nuôi"

Keo thổi bong bóng là một túyp keo dài dẹt hai đầu, bán kèm với một ống thổi nhỏ. Khi lấy keo trong túyp quệt lên một đầu ống thổi, đầu kia dùng hơi để thổi thì keo sẽ dần phồng lên thành hình trái bóng. Nó độc đáo hơn so với trò thổi bong bóng bằng dung dịch nước đó là trái bóng được tạo thành từ keo sẽ to, mềm và không bị vỡ.

Keo thổi bong bóng

Điểm chung của hai loại đồ chơi này là bao bì sản phẩm vô cùng đơn giản, không có bất kỳ thông tin nào về nguồn gốc, xuất xứ cũng như thành phần cấu tạo của sản phẩm.

Từng có một thời gian dài, các cơ quan truyền thông đã đăng tải nhiều bài viết cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các loại đồ chơi mù mờ về xuất xứ này. Trong đó hầu hết nhấn mạnh rằng, hạt nở có độc chứa 1,4-butanediol, chất được chuyển hóa vào loại chất kích thích gamma-Hydroxybutyric acid (GHB, một chất gây mê được dùng làm chất kích thích để giải trí). Những trẻ em bị ảnh hưởng có các triệu chứng co giật - hiệu ứng phụ đôi khi gặp của việc dùng GHB quá liều. Khi ở dạng cứng, hạt nở sẽ rất nguy hiểm cho trẻ nếu rơi vào mắt, gây viêm mạc. Vừa qua, 22 học sinh và 1 giáo viên của trường trung học cơ sở xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa đã nhập viện với các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, một số ca buồn nôn do khí lạ phát ra từ các hạt nở ngâm trong nước.

Riêng về sản phẩm keo thổi bóng, tuy chưa xảy ra sự việc ngộ độc nào đáng tiếc như kể trên song nó cũng được nhiều chuyên gia cảnh báo về mức độ nguy hiểm. Cụ thể bong bóng keo có thể được tạo ra từ các chất tạo màng dai. Những chất này có thể là polyme hoặc có thành phần nhựa, nhưng để thổi được thành bóng cần có thêm dung môi hòa tan. Các chất dẫn xuất có thể được dùng như aceton, butanol, izoamyl ancol, butyloeetat... thường là các chất bay hơi, hàm lượng lớn xâm nhập vào cơ thể có thể gây ngộ độc cấp tính. 

Bán tràn lan ở làng quê

Tại nhiều khu vực thành phố, do lo ngại về mức độ an toàn của các món đồ chơi này nên nhiều phụ huynh đã cấm con em mình nghịch và sử dụng. Tuy nhiên, tại các làng quê, do giá rẻ, dễ chơi, chạy đua theo bạn bè nên vẫn còn rất nhiều trẻ nhỏ vô tư sử dụng những sản phẩm đồ chơi “dán mác” nguy hiểm này. Phong trào “nuôi” hạt nhựa trong nước, thi thổi bong bóng keo vẫn rất rầm rộ.

Anh Đinh Văn Duyên (38 tuổi, Hà Nội) đang có một cô con gái học lớp 2 chia sẻ, hôm vừa rồi anh có đưa con gái về quê Hải Dương chơi với bà nội sau Tết. Thấy con bé tíu tít khoe mua được món đồ chơi thú vị là thổi bong bóng keo, anh cũng không để ý nhiều vì nghĩ đây chỉ đơn thuần là mấy món đồ chơi trẻ con. Tối hôm ấy, con gái anh bắt đầu ho sặc sụa, anh kiểm tra thì thấy lọ keo kia có mùi hăng hăng rất khó chịu. Lên mạng tìm hiểu về anh mới biết đây chính là loại keo thổi bong bóng đã từng có rất nhiều lời cảnh báo nguy hiểm.

Keo thổi bong bóng khiến trẻ thích thú nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe

Hạt nở đã từng gây ngộ độc hàng loạt

Còn chị Nguyễn Thị Hà (35 tuổi, Khoái Châu, Hưng Yên) cũng vô tư để cậu con trai 7 tuổi của mình “nuôi” cùng lúc 3 lọ nước chứa hạt nở nhiều màu sắc. Chỉ đến khi cô cháu họ ở Hà Nội về nhìn thấy, bảo rằng loại đồ chơi này đã từng gây ngộ độc hàng loạt, nếu nhai nuốt nhầm hạt nở trẻ có thể làm tắc nghẽn hệ tiêu hóa thì chị mới hoảng hồn vứt hết mấy lọ nước của con. “Thằng bé khóc lóc bảo là các bạn khác cũng “nuôi” hạt này mà có bị sao đâu song vì an toàn, tôi vẫn quyết bỏ hết đi và cố gắng giải thích cho cháu hiểu món đồ này nguy hiểm thế nào”, chị Hà nói.

Đồ chơi trẻ em được liệt vào danh sách những mặt hàng phải thực hiện kiểm tra nhà nước khi nhập khẩu. Tuy nhiên, do đa dạng về mẫu mã chủng loại nên rất nhiều các loại đồ chơi trẻ em được nhập lậu qua nhiều đường và có mặt tại thị trường trong nước. Ở các thành phố lớn do dân trí cao nên khi nhận được các cảnh báo từ các cơ quan chức năng về mức độ độc hại của những mặt hàng đồ chơi nguy hiểm, đa số các phụ huynh đều có động thái cụ thể để bảo vệ con em mình trước các loại đồ chơi ấy. Còn ở các vùng nông thôn, miền núi, do tiếp xúc ít với truyền thông, người dân còn chưa chú trọng thực sự vào các loại đồ chơi của con em mình nên các mặt hàng nguy hiểm, thậm chí đã có lệnh thu hồi vẫn được bày bán công khai, được trẻ nhỏ yêu thích và vô tư chơi đùa, nghịch ngợm, không lường trước được các hậu quả có thể xảy ra.

Theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em:

Chất lỏng có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được có độ pH

nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0 khi thử nghiệm theo ISO 787-9.

Formaldehyt trong đồ chơi cho trẻ em dưới 3 tuổi:

– Các chi tiết vải dệt có thể tiếp xúc được không được chứa hàm lượng

formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30 mg/kg.

– Các chi tiết giấy có thể tiếp xúc được không được chứa hàm lượng

formaldehyt vượt quá 30 mg/kg.

– Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc được không được

chứa hàm lượng formaldehyt giải phóng vượt quá 80 mg/kg.

 Hàm lượng của các amin thơm (bao gồm cả các dẫn xuất từ thuốc nhuộm

azo trong mẫu) có trong vật liệu sản xuất đồ chơi trẻ em không được vượt quá

mức quy định.

Kết quả kiểm tra chất lượng đồ chơi trẻ em được Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thực hiện trong hai tháng 8 và 9/2013 cho thấy, phần lớn đồ chơi trẻ em vi phạm trên thị trường là hàng không nhãn mác, không có dấu hợp quy trên sản phẩm, không có nhãn phụ và không có hồ sơ chất lượng. 

Lam Phong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang