Đo lường Việt Nam trước sự thay đổi về đơn vị đo lường quốc tế SI

author 10:54 11/05/2018

(VietQ.vn) - Kỷ niệm ngày Đo lường quốc tế năm nay (20/5/2018), Tổng cục TCĐLCL đã phối hợp với Hội Đo lường Việt Nam tổ chức Hội thảo “Một số thay đổi về đơn vị đo lường quốc tế SI và tác động tới hệ thống đo lường của Việt Nam”.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

 Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chăt lượng (TCĐLCL) Trần Văn Vinh tham dự và phát biểu khai mạc hội thảo.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng chính xác và tin cậy của đo lường, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh khẳng định, để đo lường được thống nhất, chính xác và tin cậy trong phạm vi quốc gia và quốc tế cần thiết phải có hệ thống đo lường toàn cầu. Các yếu tố cơ bản để đạt được điều này là đồng bộ về quy định về pháp luật và tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực đo lường Pháp định, đo lường khoa học và đo lường công nghiệp; Sự công nhận và thừa nhận lẫn nhau đối với hệ thống chuẩn đo lường quốc gia; Sự hài hoà đối với yêu cầu về năng lực các phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn và các tổ chức công nhận, chứng nhận.

Đặc biệt, việc thiết lập nên hệ thống đo lường toàn cầu phải có sự thoả thuận của các nước trên thế giới.

"Do vậy, một thoả thuận cấp quốc tế đầu tiên về đo lường đã ra đời đó là Công ước Mét với 17 nước tham gia ký kết vào ngày 20/5/1875 tại Pari - Cộng hoà Pháp. Đây cũng là bước đầu tiên tiến tới hệ đơn vị đo lường đồng bộ trên toàn thế giới và nay là hệ đơn vị đo lường quốc tế SI. Với ý nghĩa đó và ghi nhớ lại mốc lịch sử quan trọng đầu tiên này, toàn thế giới đã lấy ngày 20/5 hằng năm là ngày Đo lường Quốc tế", Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh phát biểu.

 Quang cảnh hội thảo

Hội thảo kỷ niệm ngày Đo lường quốc tế năm 2018 được các đại biểu, chuyên gia tập trung tham luận làm rõ các vấn đề về một số nội dung mới thay đổi trong hệ đơn vị đo lường quốc tế SI; sự phát triển các hằng số của hệ đơn vị quốc tế; nội dung và quá trình tiến tới SI mới.

Đồng thời có những định hướng của đo lường Việt Nam để đón nhận sự thay đổi về đơn vị đo lường quốc tế SI.

Hội thảo cũng đưa ra các giải pháp xây dựng, phát triển hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế trong giai đoạn đến 2025 và định hướng đến 2030.

Bên cạnh đó, các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cần được ưu tiên tăng cường, hỗ trợ về đo lường; Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, dịch vụ về đo lường cho các doanh nghiệp cũng được thông tin tại hội thảo.

Hội thảo “Một số thay đổi về đơn vị đo lường quốc tế SI và tác động tới hệ thống đo lường của Việt Nam” là thông điệp, diễn đàn để trao đổi ý kiến giữa đại diện các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân hoạt động trong và ngoài lĩnh vực đo lường góp phần thúc đẩy hơn nữa hoạt động đo lường trong toàn xã hội, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, nhu cầu quản lý, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Ý nghĩa và tầm quan trọng của SI mới

SI mới thể hiện trong định nghĩa của các đơn vị cơ bản có ý nghĩa và tác động thúc đẩy quan trọng đối với khoa học – công nghệ đo lường. Việc xác định kilôgam theo các hằng số vật lý cơ bản sẽ đảm bảo độ ổn định dài hạn của kilôgam, và từ đó đảm bảo độ tin cậy của nó, điều mà hiện tại đang bị nghi ngờ.

Định nghĩa mới của ampe và kelvin sẽ cải thiện đáng kể độ chính xác của các phép đo khối lượng, điện và nhiệt độ bức xạ. Tác động đến các phép đo điện sẽ là túc thời : các phép đo điện chính xác nhất luôn luôn được thực hiện bằng cách sử dụng hiệu ứng Josephson và hiệu ứng lượng tử Hall, và việc cố định trị số h và e trong định nghĩa mới của đơn vị sẽ dẫn đến các giá trị được biết một cách chính xác của hằng số Josephson và von Klitzing. Điều này sẽ loại bỏ nhu cầu hiện hành về việc sử dụng các đơn vị điện quy ước hơn là các đơn vị SI để thể hiện kết quả phép đo điện.

Các hệ số chuyển đổi giữa nhiệt độ bức xạ đo được và nhiệt độ nhiệt động lực (hằng số Stefan-Boltzmann) sẽ chính xác bằng cách sử dụng định nghĩa mới của kelvin và kilôgam dẫn đến việc đo nhiệt độ được tốt hơn khi cải tiến công nghệ. Định nghỉa sửa đổi của mole đơn giản hơn định nghĩa hiện hành, sẽ giúp người sử dụng hiểu sâu sắc hơn bản chất của đại lượng “lượng chất” và đơn vị đo “lượng chất” mole.

Kiểm soát về đo lường nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế (VietQ.vn) - Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM hiện triển khai nhiều dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo trong lĩnh vực y tế, kể cả dịch vụ kiểm định và kiểm xạ thiết bị X-quang.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang