Đổ nhau trách nhiệm vụ ‘xăng dầu’ móc túi dân 3.500 tỉ đồng?

author 14:01 24/03/2016

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương cho rằng Bộ Tài chính chưa hiểu đúng về chức năng phối hợp xây dựng chính sách và điều hành giá xăng dầu.

Theo cam kết hội nhập ASEAN, thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu từ các nước ASEAN chỉ chịu 0 - 5% thuế. Song khi tính giá xăng bán ra thị trường, liên bộ Công thương - Tài chính năm qua vẫn giữ nguyên cách tính thuế cũ là từ 10 - 20%. Với cách tính này, trong năm 2015 ít nhất hơn 3.500 tỉ đồng chênh lệch "chui" vào túi doanh nghiệp.

xăng dầu móc túi người tiêu dùng

Số tiền thu sai từ xăng cần đưa vào quỹ bình ổn để trả lại người đổ xăng

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2015, số tiền phải hoàn thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp (DN) xăng lên trên 3.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền hoàn thuế này được xác định là từ túi người dân. Bởi tính từ tháng 5.2015, các sản phẩm xăng dầu nhập về từ ASEAN và Hàn Quốc được áp mức thuế chỉ từ 5 - 10%. Tuy nhiên, theo Thông tư 78 của liên bộ Công thương - Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu vẫn được tính dựa trên mức thuế xuất nhập khẩu 20% đối với xăng và 10% đối với dầu, chênh lệch lần lượt 5 - 10% giữa thuế đầu vào và đầu ra, tương đương khoảng 3.500 tỉ đồng. Số tiền này được các DN xăng dầu hưởng suốt từ tháng 5.2015 đến nay.

Sau khi truyền thông trong nước đồng loạt chỉ trích cách làm này của các đơn vị liên quan, ngày 24/3, Bộ Công Thương có công văn gửi Bộ Tài chính nhấn mạnh đại diện Bộ Tài chính chưa hiểu đúng về chức năng phối hợp xây dựng chính sách và điều hành giá xăng dầu.

Công văn này do ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương ký.

Công văn nêu rõ: "Trong cuộc trả lời bản tin Tài chính kinh doanh 21h30 ngày 21/3, đồng chí Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính, khi được phóng viên hỏi trách nhiệm của việc chậm đưa ra mức thuế suất nhập khẩu mới (từ MFN sang bình quân gia quyền) làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu trong nước đã phát biểu: "... Bộ Công Thương vẫn là Bộ được giao chủ trì quyết định" là chưa hiểu đúng chức nhiệm vụ của hai bộ và quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và điều hành giá xăng dầu".

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Võ Văn Quyền, người ký văn bản nhấn mạnh: "Chúng tôi không có ý muốn phải tranh luận về vấn đề này. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn làm rõ vấn đề với Bộ Tài chính nhằm có thể phối hợp tốt hơn trong việc xây dựng chính sách cũng như điều hành giá xăng dầu".

Dẫn chứng cho đánh giá trên, đại diện Bộ Công Thương đã cho hay: "Với vai trò phối hợp, liên quan đến chính sách thuế, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nhiều lần có công văn đề nghị Bộ Tài chính xử lý vấn đề này".

Theo liệt kê dẫn chiếu của Bộ Công Thương, từ năm 2015 đến tháng 3 năm nay, có tới 11 công văn liên quan đến chính sách thuế xăng dầu đã được gửi tới Bộ Tài chính để đề nghị xử lý các vướng mắc phát sinh, đặc biệt là vướng mắc về thuế đối với nhà máy lọc dầu Dung Quất và ảnh hưởng của các Hiệp định Thương mại tự do.

Bộ Công Thương cho rằng: "Như vậy các hoạt động phối hợp về xây dựng chính sách thuế trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ được quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ".

Đặc biệt, Bộ này cũng lưu ý: "Điều 36, Điều 40 của Nghị định 83 đã quy định rõ về vai trò chủ trì của Bộ Tài chính trong việc phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu và hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở xăng dầu".

Cũng theo tờ Vietnamnet, liên quan đến việc "chậm sửa thuế xăng dầu trong khi tính giá xăng vừa qua, tức tính thuế MFN cao hơn thuế ưu đãi trong các FTA", Bộ Công Thương cho biết rõ, việc tính giá của Tổ liên ngành về giá xăng dầu là theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính, tức là áp dụng thuế MFN.

Với các trình bày trên, Bộ Công Thương đã "đề nghị đồng chí Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế tích cực trao đổi thông tin với Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu" để công tác chủ trì, phối hợp điều hành giá xăng dầu của hai bộ có hiệu quả.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cần sớm các giải pháp tổng thể xử lý hài hoà việc giảm thuế nhập khẩu theo các FTA đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, DN, người tiêu dùng.

Hoàng Nguyên (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang