Độ tuổi nào thích hợp cho trẻ chơi trò thú nhún?

author 06:22 18/12/2012

(VietQ.vn) - Chơi đồ chơi vận động như thú nhún giúp trẻ phát triển tư duy và sự sáng tạo, hoạt động thể chất nhanh nhẹn hơn. Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý cho bé chơi đúng cách để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Vui chơi là một phần quan trọng trong những năm tháng đầu đời của trẻ và điều này có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Các loại đồ chơi vận động (cầu trượt, xích đu, nhà banh, đu quay, bập bênh, thang leo, thú nhún..) không chỉ giúp trẻ phát triển các hoạt động về thể chất, tinh thần và cách giao tiếp xã hội, mà còn nâng cao khả năng quan sát, tập trung và tư duy.

Tuy nhiên, với bản tính hiếu động của trẻ nhỏ, việc tham gia các trò chơi vận động cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Đối với các loại thú nhún cao su, thú nhún lò xo, thú nhún điện, hầu hết các nhà sản xuất đều khẳng định có thể cho trẻ từ 1 – 5 tuổi chơi. Tuy nhiên, thời điểm an toàn nhất để chơi các loại thú nhún này là khi trẻ khoảng 2 tuổi rưỡi trở lên.
 
Khi đó, trẻ đã đi vững và giữ thăng bằng tốt hơn, vì thú nhún thường có chuyển động lắc lư dễ khiến trẻ vấp, ngã chấn thương.
 
Trò chơi thú nhún nếu không thận trọng sẽ khiến cho nhiều trẻ dễ bị lật
Trò chơi thú nhún nếu không thận trọng sẽ khiến cho nhiều trẻ dễ bị lật (Ảnh: Đan Trường)
 
Mỗi loại đồ chơi chỉ thích hợp với một độ tuổi nhất định. Trẻ càng nhỏ, đồ chơi càng phải đơn giản, ít chi tiết và góc cạnh. Nhiều phụ huynh không chú ý đến đặc tính này nên đã vô tình đặt con vào sự nguy hiểm. Ngoài bản tính tò mò, hiếu động, trẻ còn hay có thói quen ngậm, cắn đồ vật. Do đó, những con thú nhún bằng chất liệu cao su độc hại rất dễ khiến trẻ bị nhiễm độc. 
 
Tuy nhiên, khi bé nuốt phải dị vật hoặc chất bẩn độc hại từ thú nhún, các bậc cha mẹ không nên tự xử lý ở nhà mà nên đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế gần nhất. Ngoài các loại thú nhún bằng cao su, nhựa mềm, nhiều loại thú nhún có hình thù các con vật, lò xo bằng sắt, kim loại có thể tạo ra những cạnh sắc nhọn, có khả năng gây sát thương cho trẻ.
 
Do đó, phụ huynh tuyệt đối không nên cho trẻ chơi đồ chơi loại này khi bé chưa đủ lớn để nhận thức được mối nguy hiểm.
 
Khi đưa trẻ đến các tụ điểm chơi thú nhún hoặc sân chơi tại nhà trường, mẫu giáo, các phụ huynh nên chú ý theo sát con mình chơi, không nên cho bé tự ý leo trèo lên thú nhún, hoặc thò tay xuống phần lò xo khi thú nhún đang hoạt động.
 
Nếu quan sát thấy thú nhún có bộ phận lò xo lỏng lẻo hay bong tróc sơn tĩnh điện, đồ chơi quá cũ, nát thì không nên cho trẻ chơi. 
 
Ngoài nguy cơ giật điện hở điện thì loại đồ chơi này còn phát ra nhiều âm thanh, tiếng ồn khá lớn, ảnh hưởng không tốt đến thính giác của trẻ. Do đó, nên chọn những loại thú nhún có tiếng nhạc êm dịu, mức độ vừa phải.
 
Với những món đồ chơi có âm thanh lớn, chúng ta nên cho bé chơi ở khu vực ngoài trời thoáng đãng để giảm ảnh hưởng của tiếng ồn đối với thính giác của trẻ.
 
Đồ chơi nhiều hay ít, đắt hay rẻ không quan trọng bằng việc phù hợp với độ tuổi. Có như vậy, đồ chơi mới giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tụê. Với những bé trong độ tuổi nhỏ, các phụ huynh nên chọn những đồ chơi phát huy trí thông minh của bé như: đất sét, xếp hình, tranh động vật...
 
Các bác sĩ Bệnh viên Chấn thương Chỉnh hình cũng đưa ra cảnh báo phụ huynh và giáo viên mầm non cần phải theo sát trẻ trong mọi tình huống và nhất là lúc trẻ chơi đùa.
 
Riêng các nhà trẻ, không nên trang bị những trò chơi có thể gây chấn thương cho trẻ vì các cháu đang trong độ tuổi thích khám phá và hiếu động. Nhiều tai nạn thương tích khiến cho trẻ cụt tay, cụt chân khi còn rất nhỏ, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng chỉ vì chỉ vì cha mẹ bất cẩn khi chăm sóc, hoặc để bé chơi những trò chơi không an toàn.
 
Minh Trang
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang