Đoạn kết có hậu của cháu bé 3 tuổi bị bắt đi ăn xin

author 20:46 05/11/2013

Nghi ngờ đây chính là Đức, chúng tôi liền tiếp cận. Không còn nghi ngờ gì nữa, cái khuôn mặt có vết sẹo ngay trên má, ánh nhìn ngơ ngác và cái chân vẫn còn mấy vết thẹo tròn… đúng là Đức rồi.

Kể từ khi những thông tin đầu tiên về hoàn cảnh đáng thương của Đức được đăng tải trên báo Lao Động, PV đã bắt đầu vào cuộc để truy tìm tung tích của hai anh em Đạt và Đức với niềm tin rằng hai em sẽ có được cuộc sống tốt đẹp hơn, tương lai sáng sủa hơn trong vòng tay của những tấm lòng nhân ái.

Đêm ngày 1.11, cuộc truy tìm tung tích của Đức bắt đầu. Theo thông tin người dân cung cấp thì có nhóm 3 đứa trẻ thường xuyên xuất hiện trước sân chùa tổ đình Giác Nguyên với những dấu hiệu giống như thông tin mà chúng tôi miêu tả. Tức tốc có mặt tại đây để tìm nhưng không thấy, hỏi thì  người dân nói rằng chúng đã bỏ đi đâu không rõ. Mất dấu nhóm trẻ, chúng tôi lại đi vòng quanh khu vực ngôi chùa để tìm, nhưng chúng vẫn bặt vô âm tín.

Để có thêm những đầu mối mới, PV lại đi tìm đến những bác xe ôm, những cô bán hàng rong khắp nơi trong cả quận 4 và quận 7 để hỏi thăm thông tin. Nói ra đặc điểm nhận dạng thì ai cũng biết, nhưng tìm được hay cháu bé với thân hình nhỏ bé trong khu vực vốn nổi danh là có nhiều trẻ em lang thang xin này thì quả thật là một chuyện không hề dễ dàng.

Hai ngày sau vẫn thế, thông tin được báo về nhiều hơn, nhưng chuyện tìm ra được Đạt và Đức gần như đi vào ngõ cụt. Lúc này, lại có thông tin nói rằng mẹ của hai cháu là chị Nở vì sợ công an bắt mà đã đưa hai cháu bỏ trốn.

Gọi điện thoại cho bà Nguyệt - là bà ngoại của Đức thì bà này nói là chị Nở đã đưa hai con về quê ở Tây Ninh. Hỏi địa chỉ ở đâu để có thể gặp được, bà Nguyệt lại nói rằng “tôi không biết”.

Đoán chắc rằng hai cháu vẫn quanh quẩn trong khu vực quận 4 và quận 7, chúng tôi lại tiếp tục truy tìm. Đến nơi chị Nở bán bánh mì ở phường 12, quận 4 để tìm gặp, chúng tôi được chị P - vốn là đồng nghiệp với Nở - nói rằng Nở nghỉ bán tại đây đã 2 ngày, hiện đi đâu không rõ.

Tiếp tục rảo quanh khu vực chợ Xóm Chiếu, chui vào từng con hẻm tối đen với hàng chục đứa trẻ cũng tuổi như  Đức đang chơi đùa với những cái bánh xe cũ. Căng mắt để tìm, nhưng trong số hàng chục đứa trẻ tại đây chẳng có đứa nào có khuôn mặt của Đức cả.

Quay trở về khi đồng hồ đã điểm 2 giờ sáng. Vô vọng, chẳng lẽ nào mình không tìm ra chúng, để ngăn chặn hành vi bạo hành của một đứa trẻ lớn với một đứa trẻ bé kêu mình bằng cậu? Những câu hỏi đó cứ ám ảnh chúng tôi trên mỗi bước đường.

Sài Gòn đất rộng người đông, nhưng với tình người thì không khó để tìm. Sau một hồi nói chuyện với chị P bán bánh mì và anh H là bảo vệ dân phố ở phường 12, quận 4 vào đêm ngày 3.11, họ đã lưu lại số điện thoại của chúng tôi và hứa rằng nếu có thông tin sẽ gọi ngay.

Suốt cả ngày 3.11, trong cái nóng như thiêu đốt của Sài Gòn, PV lại tìm đến những nơi mà hai anh em Đức có thể đi ngang qua hoặc ghé thăm, nhưng chẳng có kết quả gì. Quần qua quần lại như con thoi để truy tìm anh em Đức suốt hàng chục tiếng đồng hồ trên đường số 41, có người đã nói với chúng tôi rằng “tìm làm gì cho mệt hả chú? Mẹ nó không lo, các cơ quan hứa hẹn truy tìm đủ thứ sao chẳng thấy ai đi tìm, mà chú can vô làm gì cho mệt”.

Giây phút vỡ òa trong niềm vui

17h ngày 4.11, tiếng chuông điện thoại lại vang lên. Đầu dây bên kia, chị P gấp gáp “Có người thấy thằng Đức bị thằng Hòa dẫn đi xin ăn gần cầu Ông Lãnh, em ghé qua đó xem thử nha. Gấp lên nhé, không khéo nó lại mất dấu”.

Đoạn đường từ chỗ làm đến chân cầu không xa lắm nhưng đứng giờ tan tầm xe cộ kẹt cứng. Nhích từng mét đường, đến nơi thì chẳng thấy Đức đâu.

Lại lục tung cả cái khu phố bên cạnh để tìm, nhưng càng tìm lại càng không thấy. Tìm một góc đường dễ quan sát toàn cảnh, chúng tôi kiên trì ngồi đợi Đức sẽ xuất hiện.

20h, chị P lại báo là có người bán vé số thấy Đức đang ở khu chợ đêm gần chùa Giác Nguyên. Tức tốc chạy đến, quan sát thì thấy từ xa, phía bên kia đường có một cháu nhỏ mặc chiếc áo pull dài đến đầu gối đang vẫy vẫy bàn tay nhỏ xíu để xin sang đường, tiến đến mấy bàn nhậu của thực khách.

Nghi ngờ đây chính là Đức, chúng tôi liền tiếp cận. Không còn nghi ngờ gì nữa, cái khuôn mặt có vết sẹo ngay trên má, ánh nhìn ngơ ngác và cái chân vẫn còn mấy vết thẹo tròn… đúng là Đức rồi.

Bé Đức lúc trước

Nghe tiếng gọi của chúng tôi: “Đức ơi, lại đây chú cho quà nè”. Đức quay đầu lại, trên tay vẫn cầm chiếc ly nhựa với tờ tiền 2000 đồng nằm lọt thỏm trong đó. Thấy Đức tiến lại gần, chúng tôi vứt vội chiếc xe máy giữa lòng đường đông đúc để cầm tay Đức lại.

Thoáng phút sợ hãi, Đức định vùng chạy. Sợ người dân hiểu lầm, chúng tôi nói mình là ai rồi nhờ người dân xung quanh trợ giúp nhưng đáp lại là những cái lắc đầu, những ánh nhìn nghi ngại. “Chú giữ nó thì giữ đi, bọn tôi sao dám sờ vào nó được, mẹ nó bên đường kìa!”.

Từ xa, thấy cháu mình bị người lạ ôm trên tay, Hòa tiến lại gần để xem xét. Khi Hòa chưa kịp phản ứng gì thì từ phía sau, anh H bảo vệ dân phố đã có mặt trợ giúp. “Anh muốn đưa mấy đứa này về đâu, để tôi biết mà chở? Anh giúp em đưa hai đứa về công an phường Tân Hưng nhé, để em gọi cho chính quyền và Công an bên đó nhờ trợ giúp”.

Trái với suy nghĩ ban đầu, nhìn thấy Hòa ngoan ngoãn ngồi lên xe để anh Hùng chở, phía trước là cháu Đức làm chúng tôi ngạc nhiên đến lạ. Đoạn đường từ quận 4 sang quận 7 mấy ngày nay đã quá quen thuộc, nay tự nhiên thấy xa đến lạ lùng.

Được anh H mang vào cơ quan công an, Đức cứ ngơ ngác, Hòa thì tỏ vẻ âu lo. Được chú công an mua cho gói bánh, Đức ăn lấy ăn để. Thấy vậy, chúng tôi hỏi Hòa  là đã cho cháu mình ăn gì chưa thì Hòa nói là đã cho ăn hồi chiều rồi. Thấy anh công an nghiêm giọng, Hòa lảng sang chỗ khác và lí nhí rằng Đức vẫn chưa được ăn gì.

Những thông tin ban đầu được anh trực ban ghi nhận. Sau cuộc điện thoại của PV, ông Hải Đăng là chủ tịch phường Tân Hưng cũng đã đến. Trung tá Tài - Trưởng công an phường hôm nay không có ca trực nên gọi điện cho cấp dưới thực hiện những thứ giấy tờ liên quan.

Mặc cho người lớn làm công việc của mình, Đức cứ ăn. Được một chị cán bộ mang cho 2 hộp sữa, Đức làm vài hơi là hết sạch, trên tay vẫn lũng lẳng hai cái túi nilon chứa những con sò được ai đó cho đã bốc mùi cùng vài củ đậu phộng đã ôi thiêu.

Chúng tôi hỏi anh Đăng về hướng xử lý, anh nói là tạm thời sẽ kết hợp cùng Công an phường chuyển Đức và Hòa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội ở quận Bình Thạnh để chăm sóc.

Lúc này đã quá 22h đêm, Đức bắt đầu thấy mệt và buồn ngủ.

Thủ tục đã xong, Đức được những người lớn đưa lên xe để về Trung tâm. Bám theo chiếc xe, chúng tôi như trút đi được nỗi lo mà suốt mấy ngày nay cứ thiêu đốt trong suy nghĩ. Lúc này, cả xã hội khi hay tin sẽ thở phào nhẹ nhõm.


Đức ở Công an phường Tân Hưng

Được cô y tá xem xét những vết thương, Đức chẳng phản ứng gì. Suốt từ khi được đưa từ quận 4 về quận 7 rồi lên đến Trung tâm này, chúng tôi chưa thấy cháu nói một câu nào. Lâu lâu, Đức khóc rồi lại bất ngờ làm nũng với cô y tá.

Được mớm cho những hạt cơm đầu tiên, Đức chần chừ chưa dám ăn nhưng qua một lúc - thì nói như cô y tá – Đức đã “hoàn thành xuất sắc công việc của mình là ăn cho no”.

Đồng hồ đã chỉ qua ngày mới, Đức được đưa đi tắm rửa trong vòng tay của cô y tá với chiếc áo blue trắng tinh khôi. Vẫn ánh nhìn ngây dại, Đức lại nhìn cậu Hòa của mình đang ăn nốt phần cơm trong chiếc khay nhựa.

Hòa cũng đói, cái đầu tóc dài của nó chấm xuống khay cơm nhưng nó không để ý, cứ lầm lũi ăn mãi. Được một anh nhân viên cho cái áo mới, nó lanh lẹ mặc vào rồi lại tiếp tục ăn xong phần cơm của mình.


Hai cậu cháu ăn cơm

“Cứ ăn cho no rồi đi ngủ con nhé” – tiếng của vị Phó giám đốc trung tâm vang lên. Hòa khẽ gật đầu rồi đưa ánh mắt lẩn đi chỗ khác, tránh cái ánh nhìn của đứa cháu đang chằm chằm vào mình. Có lẽ, điều bất ngờ nhất với nó lúc này là nó đang sống trong tình thương yêu của xã hội, sự bao dung của những con người đã từng rất phẫn uất với hành vi của nó với đứa cháu của mình.

Khi chúng tôi đang hoàn thành bài viết này thì đã có rất nhiều bạn đọc đã gọi đến Tòa soạn để xin được trợ giúp về vật chất, tinh thần cho cháu Đức. Có nhiều bạn đọc cũng đề nghị được nhận Đức làm con nuôi. Tuy nhiên, việc cháu Đức vẫn còn có mẹ, cha và người thân nên việc nhận Đức làm con nuôi sẽ phải dựa trên các quy định pháp luật chuyên ngành cũng như sự đồng ý của những người thân của cháu.

Theo Lao Động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang