Đoán trước 10 sự kiện khoa học và công nghệ năm 2013

author 07:30 11/12/2013

Dù chưa được Bộ Khoa học và Công nghệ công (KH&CN) nhận về 10 sự kiện KH&CN trong năm 2013 nhưng đã có những đồn đoán về 10 sự kiện đó của năm.

Trung tâm Thông tin KH&CN TP. HCM (CESTI) và bình chọn 10 sự kiện KH&CN nổi bật trong năm 2013.

1. Quốc hội thông qua Luật KH&CN sửa đổi, chọn ngày 18/5 hàng năm là Ngày KH&CN Việt Nam

Luật KH&CN sửa đổi được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 19/7/2013, đồng thời, Quốc hội cũng thống nhất quy định ngày 18/5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam.



Theo đó, năm 2014 sẽ là năm đầu tiên Bộ KHCN tổ chức Ngày KH&CN, đúng dịp kỷ niệm 55 năm thành lập. Và vào Ngày KH&CN Việt Nam 18/5/2014, lần đầu tiên các phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học trên cả nước sẽ đồng loạt mở cửa đón khách tham quan.

2. Thủ tướng phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (Quyết định 2075/QĐ-TTg)

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình là thúc đẩy hoạt động dịch vụ thị trường KH&CN. Trong đó, sẽ đổi mới quy trình, thủ tục đăng ký thành lập và hoạt động của tổ chức dịch vụ KH&CN; thực hiện cơ chế khuyến khích hoạt động dịch vụ KH&CN; rút ngắn khoảng cách phát triển của thị trường KH&CN so với các loại thị trường khác.

Đến năm 2020, sẽ thiết lập mạng lưới sàn giao dịch công nghệ kèm theo hệ thống tổ chức dịch vụ KH&CN hỗ trợ, trọng tâm là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng.

3. Phóng vệ tinh viễn thám đầu tiên của VN

Đúng 9 giờ 6 phút 31 giây, ngày 7/5/2013, tên lửa đẩy Vega đem theo vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 đã được phóng vào vũ trụ. 11giờ 3 phút, vệ tinh VNREDSat-1 tách hẳn ra khỏi tên lửa và điều chỉnh để chuẩn bị đi vào quỹ đạo chính xác.



Việt Nam VNREDSat-1 tách khỏi tên lửa, bay vào vũ trụ thành công, đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ năm trong khu vực có vệ tinh viễn thám, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore.

4. Vệ tinh siêu nhỏ Việt nam chế tạo lần đầu phát tín hiệu từ vũ trụ

Ngày 4/8/2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon do các nhà khoa học trẻ của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) phát triển đã được phóng thành công lên Trạm ISS qua tàu vận chuyển HTV4 của Nhật Bản và được lưu giữ trên Trạm ISS hơn 3 tháng. Tối 19/11/2013, PicoDragon cùng 2 vệ tinh siêu nhỏ khác của Mỹ đã được đưa vào quỹ đạo. Và ngày 20/11/2013, PicoDragon đã phát tín hiệu đầu tiên về mặt đất.

Pico Dragon có kích thước 10 x 10 x 11,35 cm, khối lượng 1 kg, là sản phẩm được phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của VNSC. Toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp đến thử nghiệm đều được thực hiện tại Việt Nam. Việc thử nghiệm rung động, nhiệt tại phòng thí nghiệm của Giáo sư S.Nakasuka, Đại học Tokyo và một số thử nghiệm khác tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ JAXA (Nhật Bản).

Nhiệm vụ của vệ tinh là chụp ảnh Trái Đất, đo đạc một số thông số vệ tinh và môi trường vũ trụ bởi các cảm biến gắn trên vệ tinh và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất.

5. Bộ KH&CN công bố Giải thưởng Khoa học Tạ Quang Bửu

Bắt đầu từ năm 2013, định kỳ hằng năm, Bộ KH&CN sẽ tổ chức trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho các tác giả của công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc thuộc 7 lĩnh vực: toán học, khoa học máy tính và thông tin; hóa học; khoa học trái đất và môi trường; sinh học và khoa học tự nhiên khác.

Ngoài 1 đến 3 giải thưởng chính (trị giá mỗi giải tối thiểu 200 triệu đồng), còn có một giải dành cho nhà khoa học trẻ dưới 30 tuổi và giải dành cho nhà khoa học có đóng góp tích cực cho nghiên cứu cơ bản của Việt Nam.

6. Lần đầu giải mã hoàn chỉnh hệ gen 36 giống lúa

Ngày 28/8/2013 tại Hà Nội, Bộ KH&CN phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu giải mã gen một số giống lúa bản địa của Việt Nam, mở ra hướng khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn gen quý trong các chương trình chọn và lai tạo giống.

Di truyền Nông nghiệp Việt Nam tiến hành giải mã thành công hệ gen của 36 giống lúa bản địa mang đặc tính về chất lượng, và có khả năng chịu mặn, chịu hạn và kháng bệnh.

Dự án được thực hiện từ tháng 1/2011 đến tháng 6/2013 với kinh phí nghiên cứu hơn 11 tỷ đồng.

7. Phát hiện hang động lớn hơn cả Sơn Đoòng, hang dung nham dài nhất Đông Nam Á

Ngày 23/5/2013, chuyên gia hang động hàng đầu Howard Limbert đang có mặt tại tỉnh Quảng Bình, cho biết ông cùng các nhà thám hiểm và một số nhà khoa học khác đã tìm thấy một hang động lớn hơn cả hang động Sơn Đoòng hiện đang giữ danh hiệu hang động lớn nhất thế giới.



Trước đó, trong tháng 4, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sinh học nhiệt đới, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, và Hội

Hang động Berlin, Đức khảo sát 11 hang dung nham với tổng chiều dài 1,8 km, trong đó có hang Dơi, thuộc ấp 8, xã Phú Lộc, huyện Tân Phú. Hang Dơi được ngăn cách bởi sự sụp đổ, đứt gẫy tạo ra hai hang là hang Dơi 1 và hang Dơi 2; hang Dơi 1 có một đoạn dài 437 m, liên tục, không đứt gãy và nếu tính cả phần sụp đổ (giữa hang dơi 1 và hang dơi 2) thì phần hang này có tổng chiều dài đến 545 m. Trước khi phát hiện hang động này của Việt Nam, hang dung nham dài nhất Đông Nam Á là hang Gua Lawah ở Indonesia có chiều dài 400 m.

8. Khánh thành Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành – ICISE

ICISE toạ lạc trên một khu đất rộng 18 ha đẹp nhất phường Ghềnh Ráng của TP. Quy Nhơn. Nơi này được kỳ vọng trở thành điểm thu hút các nhà khoa học Việt Nam và thế giới đến giao lưu, trao đổi các mối quan tâm về khoa học trong nhiều lĩnh vực.

ICISE chỉ mất hơn một năm xây dựng kể từ khi được động thổ vào tháng 7/2012. Tiến độ của công trình có diện tích sàn 200.000m2 này gây ngạc nhiên cho chính những người tham gia triển khai dự án. Kiến trúc Pháp hiện đại và chỉn chu trong từng chi tiết của ICISE mang đến một khái niệm mới về trung tâm hội nghị, hoàn toàn khác với kiến trúc nhà hội nghị từng thấy ở Việt Nam. Đây cũng là nơi diễn ra chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần 9 từ ngày 29/7 đến 17/8/2013 thu hút hơn 250 nhà khoa học của 30 quốc gia tham dự; trong đó có bốn nhà bác học từng đoạt giải Nobel Vật lý là S. Glashow, J. Steinberger, D. Gross và G. Smoot.

9. Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam

Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam chính thức được Bộ KH&CN khởi động vào ngày 18/10/2013.

Mục tiêu của đề án là tạo ra hệ sinh thái gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp (Start-up) được đào tạo để nâng cấp chính sản phẩm của bản thân. Các doanh nghiệp này sẽ được các cố vấn truyền đạt bí quyết kinh doanh tư vấn trong chương trình thúc đẩy khởi nghiệp nhằm thu hút vốn đầu tư mạo hiểm để xây dựng hệ thống doanh nghiệp KHCN thành công. Những doanh nghiệp này phải có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, mô hình, chiến lược kinh doanh khả thi và có đội ngũ đủ năng lực thực hiện mô hình và chiến lược đó.

10. Thành lập Hội Công nghệ Vi mạch TP.HCM

Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP. HCM (tên gọi tắt là HSIA) đã tổ chức đại hội thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 15/3/2013.

HSIA được thành lập theo quyết định của UBND TP. HCM, nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn của TP. HCM, liên kết các hoạt động kinh tế, khoa học ứng dụng vi mạch bán dẫn, thu hút người Việt ở nước ngoài tham gia sản xuất, nghiên cứu ứng dụng kinh doanh dịch vụ này ở TP. HCM.

HSIA mang lại lợi ích chung cho ngành công nghiệp vi mạch lẫn trong ngành CNTT. Hội tập hợp những hội viên hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, kinh doanh dịch vụ ngành vi mạch góp phần thực hiện mục tiêu phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế - xã hội tại TP. HCM.

Theo STINFO

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang