Doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng KH&CN một cách sáng tạo

author 07:03 05/01/2020

(VietQ.vn) - Ông Trần Mạnh Báo cho rằng, trong xu thế hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không có con đường đường nào khác là phải ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh, quản lý, nghiên cứu tạo ra những sản phẩm tốt cho riêng mình.

Ứng dụng KH&CN làm thay đổi bộ mặt doanh nghiệp

Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed), chúng ta đang chứng kiến sự hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều đó đồng nghĩa với quá trình chuyển giao KH&CN của thế giới vào Việt Nam sẽ diễn ra một cách mạnh mẽ, nhiều sản phẩm chất lượng cao, hệ thống dây chuyền hiện đại nhập vào nước ta sẽ cạnh tranh với chính những sản phẩm do chúng ta sản xuất ngay trên “sân nhà”.

“Chính vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không có con đường đường nào khác là phải ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh, quản lý, nghiên cứu tạo ra những sản phẩm tốt cho riêng mình. Hai là hợp tác tạo ra những sản phẩm chung mới có thể để tồn tại và phát triển”, ông Trần Mạnh Báo nói.

Ông Trần Mạnh Báo cũng cho biết, từ nhận thức như vậy ThaiBinh Seed đã xây dựng chiến lược phát triển dựa trên ba trụ cột chính là nguồn nhân lực chất lượng, KH&CN và quan hệ hợp tác và được viết tắt là: “Trí tuệ - Công nghệ - Quan hệ”.

Trong chiến lược này “Trí tuệ” chính là vai trò của con người được đặt lên hàng đầu; “Công nghệ” là ứng dụng khoa học công nghệ đồng thời là nền tảng của chiến lược, được đặt ở vị trí trung tâm. Và “Quan hệ” chính là việc mở rộng quan hệ, hợp tác trong và ngoài nước. Quan hệ là cầu nối để nâng cao trí tuệ, là tiền đề để tiếp thu công nghệ, hợp tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực và huy động mọi nguồn lực để thực hiện chiến lược phát triển.

“Nhận thức được ứng dụng KH&CN vào hoạt động của doanh nghiệp là động lực phát triển. Để ứng dụng KH&CN vào hoạt động có hiệu quả, chúng tôi đã chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế. Năm 2002 ThaiBinh Seed đã tham gia Hiệp hội giống cây trồng Châu Á Thái Bình Dương – APSA.

Việc ứng dụng KH&CN của ThaiBinh Seed được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ toàn diện và phù hợp với từng giai đoạn, từng nhiệm vụ cụ thể bao gồm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, hệ thống sản xuất, công nghệ chế biến, bảo quản, quản lý chất lượng sản phẩm, bảo hộ bản quyền giống mới theo UPOP, bảo hộ Nhãn hiệu/kiểu dáng công nghiệp, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, Marketing và quản trị doanh nghiệp …Trong đó nghiên cứu phát triển sản phẩm mới được coi là hướng mũi nhọn trong hoạt động KH&CN. 

Năm 2002 chúng tôi thành lập phòng nghiên cứu phát triển, năm 2007 thành lập “Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới”, năm 2019 thành lập “Viện nghiên cứu cây trồng”. Đây là Viện nghiên cứu trực thuộc Doanh Nghiệp đầu tiên trong ngành giống cây trồng Việt Nam và khối doanh nghiệp Thái Bình. Mỗi năm ThaiBinh Seed thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, bộ, tỉnh và doanh nghiệp. Ngoài ra ThaiBinh Seed cũng hợp tác nghiên cứu với rất nhiều viện chuyên ngành và các trường đại học trong và ngoài nước. Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu của mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Kinh phí nghiên cứu từ 2016-2020 khoảng 81 tỷ, năm 2019 là 21 tỷ đồng", Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình cho hay.

Ông Trần Mạnh Báo cũng cho biết, sau 17 năm thực hiện chiến lược phát triển (2003-2019) ThaiBinh Seed đã được công nhận 19 giống Quốc gia, mua bản quyền 3 giống từ các viện nhà nước. Trong đó tôi là tác giả của 10 giống (TBR-1, TBR36, TBR45, TBR225, TBR279, TBM89, Đông A1, Nếp A Sào, Lạc TB25, Ngô TBM18).

Các giống của ThaiBinh Seed sau khi được công nhận đã nhanh chóng trở thành những giống chủ lực trong cơ cấu sản xuất của các địa phương và chiếm khoảng 20% thị phần giống lúa cả nước. Góp phần làm tăng thu nhập cho nông dân mỗi năm hàng chục ngàn tỷ đồng; góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán canh tác, nâng cao đời sống nông dân, xóa đói giảm nghèo, hạn chế nhập khẩu giống, giảm chi ngân sách và ngoại tệ để nhập khẩu giống cho đất nước.

"Từ kết quả ứng dụng KH&CN vào hoạt động của mình mà ThaiBinh Seed liên tục phát triển với tốc độ cao, trở thành một trong số 500 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 5 năm liên tục và là một trong số những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam, với 10 chi nhánh hoạt động trên cả nước. Phòng Thử Nghiệm Quốc gia VILAS110 và nguồn nhân lực với 52% lao động có trình độ Đại học trở lên. Không những chỉ nghiên cứu KH&CN mà ThaiBinh Seed còn chuyển giao kết quả nghiên cứu và tiến bộ kỹ thuật cho nông dân cả nước, tổ chức tập huấn cho nông dân hàng trăm lớp mỗi năm.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình  

 

Thông qua “Liên kết 4 Nhà” ThaiBinh Seed đã trở thành đơn vị dẫn đầu các doanh nghiệp ở tỉnh Thái Bình trong việc thực hiện Quyết định 80 của Chính phủ. ThaiBinh Seed đã tổ chức vùng sản xuất tập trung ở hơn 70 điểm trong cả nước với diện tích 7000 - 8000 ha/năm; thực hiện tiêu thụ cho nông dân tại các điểm liên kết 30.000 tấn giống nguyên liệu và lương thực; Mỗi năm mang lại thu nhập cho các đơn vị liên kết sản xuất với Công ty hàng trăm tỷ đồng. Thông qua liên kết sản xuất với ThaiBinh Seed các địa phương đã có đời sống vật chất, tinh thần ngày càng nâng lên. Nhiều hộ nông dân có lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Năm 2018-2019 doanh thu tăng 15%, thị phần tăng 5%, đầu tư nhiều dự án với công nghệ cao; xây dựng và ra mắt thành công Thương hiệu gạo “Niêu vàng” và “A sào”; công nhận 7 giống cây trồng mới; thu nhập bình quân của người lao động tăng 10% (đạt 11 trđ/người/tháng), hỗ trợ đồng bào bị thiên tai và từ thiện xã hội hơn 4 tỷ đồng", ông Báo vui mừng chia sẻ.

Cần có thêm những cơ chế "thoáng" hơn cho doanh nghiệp KH&CN

Tổng giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình nói thêm, kết quả ứng dụng KH&CN của ThaiBinh Seed trong thời gian qua ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp còn nhờ sự giúp đỡ của nhà nước. Đặc biệt là cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển KH&CN như Luật KH&CN, Luật chuyển giao KH&CN, cho doanh nghiệp được tham gia các đề tài dự án khoa học của nhà nước, doanh nghiệp được trích 10% lợi nhuận trước thuế vào quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp KH&CN… Đây chính là nguồn lực mà nhà nước giúp cho doanh nghiệp phát triển hoạt động KH&CN.

Việc ứng dụng KH&CN trong những năm qua đã giúp ThaiBinh Seed từ doanh nghiệp nhỏ bé của Tỉnh Thái Bình vươn lên trở thành một trong những Doanh nghiệp đầu ngành Giống cây trồng Việt Nam và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành Nông nghiệp nước nhà. Bài học kinh nghiệm rút ra từ hoạt động KH&CN của ThaiBind Seed là: Doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng KH&CN một cách sáng tạo, toàn diện trên cơ sở nguồn lực của mình cộng với sự giúp đỡ của nhà nước, với những cơ chế chính sách phù hợp, với sự hợp tác chân thành, có trách nhiệm giữa các đối tác công tư chắc chắn sẽ thành công.

Trong chiến lược phát triển của nền kinh tế đất nước ở giai đoạn tới Đảng và Nhà nước đã xác định “Nông nghiệp, Du lịch và Kinh tế số” là những lĩnh vực được ưu tiên và đây cũng chính là một lợi thế của nền kinh tế Việt Nam. Điều này nói lên rằng cần phải khai thác hết lợi thế để phát triển nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

"Tại diễn đàn kinh tế thế giới đã định nghĩa về cách mạng 4.0 là “công nghệ sinh học, kinh tế số và vật lý hiện đại”. Vì vậy việc ứng dụng công nghệ sinh học trong cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4 là một ưu tiên của nền nông nghiệp Việt Nam mà ThaiBinh Seed đang hướng tới. Chúng tôi đã xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, phấn đấu trở thành trung tâm giống cây trồng của cả nước, trong đó KH&CN tiếp tục được coi là nền tảng chiến lược để phát triển", ông Báo nhấn mạnh.

Ông Trần Mạnh Báo cũng đề xuất Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đủ mạnh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng; cần xây dựng cơ chế, chính sách để thực hiện sự liên kết giữa các cơ quan KH&CN của nhà nước với các doanh nghiệp để khai thác lợi thế của các bên về nhân lực, vốn, công nghệ và thiết bị để tạo ra sản phẩm KH&CN...

Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp được tiếp cận với các chương trình nghiên cứu, hợp tác quốc tế và đào tạo để các doanh nghiệp nhanh chóng nâng cao trình độ và nhận thức về KH&CN. Các sản phẩm KH&CN (giống cây trồng) được nghiên cứu từ ngân sách nhà nước không nên bán bản quyền cho một doanh nghiệp mà để cho các doanh nghiệp cùng khai thác sẽ nhanh chóng được chuyển giao ra sản xuất.

Trong quá trình nghiên cứu tạo ra sản phẩm KH&CN mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và phải có tâm huyết mới thành công, đặc biệt là lĩnh vực Nông nghiệp. Vì vậy đề nghị nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và khen thưởng cho những tập thể và cá nhân tạo ra được những sản phẩm mới đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. 

Chính sách đối với doanh nghiệp KH&CN cần được cụ thể hoá và thực thi một cách có hiệu quả hơn nũa, khuyến khích các doanh nghiệp một cách thoả đáng để các doanh nghiệp có điều kiện ứng dụng, nghiên cứu và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước; Cơ chế tài chính đối với các đề tài do doanh nghiệp thực hiện, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp cần thông thoáng, dễ tiếp cận hơn.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang