Chuyên gia Nhật khuyến cáo doanh nghiệp Việt lưu ý về phòng vệ thương mại

authorĐăng Duy 06:38 20/12/2018

(VietQ.vn) - Các chuyên gia đến từ Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản (METI) khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam nên trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại

Sự kiện: Rào cản thương mại và hội nhập

Tại Hội thảo 'Xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay trên thế giới: những điều doanh nghiệp cần biết' do Bộ Công Thương tổ chức các chuyên gia đến từ Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản (METI) khuyến cáo doanh nghiệp nên trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, nhất là các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của các thị trường đang và sẽ xuất khẩu; chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Doanh nghiệp cần lưu ý về phòng vệ thương mại

 Các chuyên gia chia sẻ về vấn đề phòng vệ thương mại tại Việt Nam

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho rằng, “Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, nhiều quốc gia có xu hướng đẩy mạnh việc tự do hóa thương mại thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực. Tuy nhiên, một số nước khác lại có xu hướng tăng cường các biện pháp bảo hộ, đặc biệt thông qua công cụ phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) để bảo vệ sản xuất trong nước”.

Số liệu của WTO cho thấy, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 10/2017 đến giữa tháng 5/2018, các thành viên WTO đã khởi xướng điều tra thêm 173 biện pháp phòng vệ thương mại; trong đó có 137 biện pháp chống bán phá giá, 28 biện pháp chống trợ cấp và 8 biện pháp tự vệ.

Do vậy, số biện pháp phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra này chưa tính tới biện pháp chống lẩn tránh chiếm tới hơn 40% tổng số các biện pháp, chính sách tác động đến thương mại mà các thành viên WTO thực hiện trong giai đoạn này. Ngoài ra, nhiều hàng xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại như: Thủy sản: 1%, săm lốp: 2%, giày dép: 6%, sợi: 9% và 50% các sản phẩm khác…

Việc khởi kiện gây ra những tác động đến hoạt động xuất khẩu, kinh doanh như giảm xuất khẩu, xuất khẩu không tăng như mong muốn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tự do phải đầu tư nguồn lực kháng kiện; gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa nhu nguy cơ gia tăng hàng nhập khẩu từ nước, vùng lãnh thổ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Để hạn chế những vấn đề này, các doanh nghiệp phải chủ động trang bị kiến thức về phòng vệ thương mại, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội và cơ quan Chính phủ, có chiến lược kháng kiện đúng đắn, đầu tư nghiêm túc, hợp tác đầy đủ vớii cơ quan điều tra, để có chiến lược sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hợp lý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tìm hiểu thông tin về chính sách thương mại của thị trường nhập khẩu.

Riêng với các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như: nông sản, lâm thủy sản..., cần tăng cường các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để vượt qua các hàng rào về chất lượng, kỹ thuật.

Việc bị kiện tụng về thương mại không chỉ gây thiệt hại cho một số doanh nghiệp mà còn tác động trực tiếp tới toàn ngành hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp cùng ngành nghề cần liên kết chặt chẽ với nhau để phát huy thế mạnh tổng hợp trong việc tận dụng cơ hội thị trường cũng như ứng phó với các sự cố về thương mại.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang