Doanh nghiệp cần "tỉnh" trước chương trình, tờ báo gây sốc

author 09:08 21/09/2012

(VietQ.vn) – Các chương trình truyền hình thì gây scan-dan cho dư luận ném đá, nhiều báo thì giật tin sốc, sex câu khách... còn doanh nghiệp thì cứ chỗ nào đông là "nhảy" vào quảng cáo. Làm như thế chính là cổ xúy cho sự tha hóa dần của xã hội.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân cho rằng, báo chí cần đưa nhiều tin tích cực, nêu nhiều gương tốt để cái tốt, cái đẹp lan tỏa rộng rãi trong xã hội, giúp con người có thêm niềm tin vào cuộc sống. Còn nếu báo chí đưa tràn lan cái xấu sẽ làm xã hội dần dần bị tha hóa…

Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên từng là một người lính chiến trận, từng học báo chí tại ĐH Tổng hợp Lomonoxop, Liên Xô (cũ).
Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên từng là một người lính chiến trận, từng học báo chí tại ĐH Tổng hợp Lomonoxop, Liên Xô (cũ). Ảnh: HT

Không coi tất cả web, blog đều đối lập

- Hiện nay, trên các blog, facebook, trang mạng… trong và ngoài nước đã và đang có nhiều thông tin liên quan đến tình hình chính trị, kinh tế nước ta. Có nhiều thông tin xuyên tạc về tình hình đất nước, bôi nhọ các cán bộ lãnh đạo các cấp. Trước tình hình đó, báo QĐND có thái độ và hành động thế nào?

Trước hết phải phân loại thông tin trên các web, blog. Thông tin xuyên tạc đường lối quan điểm của Đảng, bóp méo tình hình đất nước, bôi nhọ lãnh đạo nhằm là cho người dân mất niềm tin và sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước thì phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Còn những thông tin nhận thức chưa đầy đủ, chưa toàn diện, những thắc mắc, băn khoăn thì phải kịp thời đối thoại, làm rõ, làm cho người ta hiểu.

Không phải tất cả web, blog…đều là xấu. Mặc dù trên thế giới, ở nhiều nơi các lực lượng đối lập đã lợi dụng mạng xã hội để tập hợp, kích động quần chúng nổi dậy lật đổ chính quyền. Sự tồn tại các web, blog, các mạng xã hội là một thực tế khách quan. Chúng ta phải chủ động sử dụng không gian mạng để đưa nhiều thông tin đúng đắn tới người dân.

Do vậy, tôi nghĩ chúng ta phải tạo một sân chơi lành mạnh cho những người sử dụng web, blog, các mạng xã hội, định hướng cho họ sử dụng không gian mạng ấy vào mục đích lành mạnh, nhân văn.

Báo QĐND đã từng kiến nghị, Trung ương Đoàn kết hợp với các cơ quan chức năng, phát động các bạn thanh niên, sinh viên thông qua mạng xã hội để truyền bá những câu chuyện cảm động về tình người, tình đồng chí, đồng đội của các thế hệ cha anh trong các cuộc kháng chiến, cùng nhau kể về những tấm gương bình dị mà cao quý ngày nay…

Các cơ quan báo chí phải kịp thời cung cấp thông tin chính xác, đúng đắn về các vấn đề, sự kiện bạn đọc quan tâm. Dùng chính web, blog để lan tỏa những thông tin đúng đắn, những ý kiến bàn luận có tính định hướng, giúp người đọc hiểu đúng bản chất các sự kiện, các hiện tượng.  

Tuy nhiên, đây là việc khó. Có những sự việc cần thời gian để xác minh, làm rõ đúng sai, nhiều khi phải chờ đợi. Chính lúc đó, thông tin trên các web, blog, mạng xã hội nhanh chóng “lấp chỗ trống” bằng nhiều cách nhìn phiến diện, sai lệch…Rất dễ hiểu một thực tế phổ biến hiện nay là dân không biết tin vào đâu?

Vì vậy, các cơ quan báo chí phải được tạo điều kiện thông tin đúng đắn, kịp thời, chính xác về các vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Chỉ khi nào thông tin đến sớm, chúng ta mới chủ động định hướng dư luận, chủ động đấu tranh chống các luận điểm sai trái.

Báo QĐND cũng như các cơ quan báo chí chính thống của Đảng, Nhà nước có nhiệm vụ “phủ xanh” thông tin. Nghĩa là những không để những khoảng “trống thông tin”, thiếu thông tin. Không thông tin hoặc thông tin chậm là bảo trống trận địa thông tin, “trận địa tư tưởng”.

- Thay vì lăn xả vào xã hội để tìm kiếm thông tin, phản ánh hơi thở của cuộc sống, nhiều phóng viên lại chọn cách salon, đi họp… Thiếu tướng có chia sẻ gì về điều này?

Các cuộc họp cũng là nơi có thể thu lượm nhiều thông tin tốt. Tôi cũng là người dự nhiều cuộc họp. Mỗi cuộc họp có thể thu hoạch rất nhiều, gợi ý cho mình rất nhiều.

Cái chính là anh “tiêu hóa” thông tin từ các cuộc họp như thế nào, chắt lọc thông tin ra sao…Rất tiếc, một số phóng viên đi họp với một tâm thế vội vàng, không nghe kỹ, không tập trung, đi họp về đôi khi cũng chỉ viết một tin hời hợt, công thức, không có thông tin gì mới.

Tất nhiên nhà báo là phải đi cơ sở, phải tiếp cận thực tiễn nhưng cũng phải biết cách đi, cách thu thập tài liệu mới có bài hay. Anh em phóng viên trẻ cũng đi rất nhiều nhưng kết quả các chuyến đi không phải lúc nào cũng cho ra đời những sản phẩm báo chí như mong muốn vì vốn sống, vốn hiểu biết, đôi mắt tinh tường, sự nhạy cảm…của mỗi người là khác nhau.

Kiếm tiền thay vì làm báo

- Hiện nay, những chương trình truyền hình bị khán giả coi là lừa dối, những báo điện tử nhiều sốc, sex…lại được nhiều doanh nghiệp đua nhau quảng cáo. Thiếu tướng suy nghĩ gì về điều đó?

Giọng hát Việt - một chương trình lừa dối khán giả nhưng các doanh nghiệp vẫn "lao đầu" vào quảng cáo, tài trợ. Ảnh: internet
Giọng hát Việt - một chương trình có nhiều scan-dan nhưng các doanh nghiệp vẫn "lao đầu" vào quảng cáo, tài trợ. Ảnh: internet

Quảng cáo là một nhu cầu tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường. Quảng cáo cũng là một mặt của đời sống truyền thông nhưng tất cả phải hướng tới con người, vì con người, làm cho xã hội văn minh hơn, nhân văn hơn.

Đang có một thực tế, báo chí, nhất là báo mạng thì muốn đưa nhiều tin sốc, giật gân, để thu hút độc giả và nhờ đó thu hút quảng cáo. Còn doanh nghiệp thì tìm tới chỗ đông người đọc, người xem, bất kể người ta đọc gì, xem gì để quảng bá sản phẩm.

Vòng xoáy này vô tình tha hóa con người, tha hóa đạo đức xã hội và gây ra những hậu quả khó lường.

Việc quảng cáo trên các chương trình, các tờ báo nhiều tin giật gân, sốc, sex…các doanh nghiệp cần tỉnh táo. Vì doanh nghiệp cũng như truyền thông đều có mục đích làm cho xã hội tốt đẹp lên.

Báo điện tử tận dụng ưu thế, nhân rộng tính nhân văn

- Là thể loại báo ra đời sau nhưng báo điện tử đang ngày càng có nhiều người đọc. Làm thế nào để phát triển báo điện tử đúng hướng, phục vụ tốt hơn như cầu thông tin của xã hội?

Báo điện tử có nhiều ưu thế như có ảnh, có video, thông tin nhanh, có thể lưu giữ thông tin, sức lan tỏa rộng…

Báo điện tử cần tích hợp các ưu thế của báo in, báo hình, báo nói. Phải đưa tin nhanh, có hình ảnh. Phải có những bài phân tích sâu về thời sự, có nhiều bài phóng sự, điều tra…chứ không chỉ đưa tin thông tấn. Cần sử dụng tốt ưu thế của báo điện tử là tính tương tác, sự thân thiện.

Cần hòa nhập tốt với các phương tiện truyền thông mới và mạng xã hội, coi đó là sự kết hợp tất yếu để trò chuyện, chia sẻ thông tin và đối thoại cởi mở, dân chủ với công chúng bạn đọc. Tôi ngĩ tương lai của loại hình báo chí này rất rộng mở, cần có những nghiên cứu nghiêm túc.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Hoàng Tuân (thực hiện) 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang