Doanh nghiệp "chết" vì quy hoạch chồng quy hoạch

author 12:25 14/08/2012

(VietQ.vn) – Nghe theo tiếng gọi chào mời đầu tư của tỉnh Hải Dương, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thành Công, xí nghiệp sản xuất thương mại M&J ôm cả núi tiền vào đầu tư. 2 năm sau, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị phong tỏa vì chính sách chưa hợp lý của chính địa phương này.

Doanh nghiệp… kêu trời

Năm 2005-2006, UBND tỉnh Hải Dương có nhiều lời chào mời, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Lai Cách, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thành Công (tạm viết tắt là Cty Thành Công) và Xí nghiệp Sản xuất thương mại M&J (tạm viết tắt là Xí nghiệp M&J được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận  đầu tư vào Cụm công nghiệp Lai Cách.

Tuy nhiên, đến năm 2008, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 1728/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công nghiệp Lai Cách tỉ lệ 1/2000 (do Công ty TNHH Đại Dương lập) trên cơ sở điều chỉnh, mở rộng Cụm công nghiệp Lai Cách. Với quy hoạch mới này, một phần diện tích đường giao thông nối từ Công ty Thành Công và Xí nghiệp M&J ra QL5 bỗng dưng bị “xóa sổ” khiến 2 doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị “phong tỏa”.

Lãnh đạo 2 Công ty đang bức xúc trước việc quy hoạch chồng chéo trùng lên nhau của UBND tỉnh Hải Dương
Lãnh đạo 2 công ty bức xúc trước việc quy hoạch chồng chéo, trùng lên nhau của UBND tỉnh Hải Dương

Để cứu vãn tình thế, 2 doanh nghiệp này ôm đơn từ đi gõ cửa các nơi ở tỉnh Hải Dương. Trước khiếu nại của doanh, ngày 06/10/2008, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Công văn số 1410/UBND-VP, trong đó có nội dung: “Giao sở Kế hoạch Đầu tư làm việc với Công ty Thành Công, Công ty TNHH Đại Dương... trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan”. Ngày 27/10/2008, Sở Kế hoạch Đầu tư Hải Dương có Báo cáo số 1878/BC-KHĐT-TĐĐT với nội dung: “Yêu cầu Công ty TNHH Đại Dương phải có các giải pháp cụ thể đối với các sự án phải di dời, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp đã được tỉnh thu hút đầu tư”.

Ngày 7/7/2010, UBND tỉnh Hải Dương có Công văn số 1209/UBND-VP do bà Nguyễn Thị Minh - Chủ tịch UBND tỉnh, ký về việc giải quyết vướng mắc tại KCN Lai Cách. Theo đó, UBND tỉnh có ý kiến: Đoạn đường giao thông QL5 vào hai doanh nghiệp xây dựng trên phạm vi đất trước quy hoạch đường Cụm công nghiệp, được phép xây dựng lộ giới 16m (lòng đường 10m, vỉa hè 3m) là đoạn đường phục vụ riêng cho hai doanh nghiệp và do doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, căn cứ vào Hồ sơ thiết kế tổng thể mặt bằng của 2 doanh nghiệp (đã được các cấp ngành phê duyệt), giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều thể hiện con đường dẫn vào 2 doanh nghiệp đã nằm trong quy hoạch và có chiều rộng (lòng đường + vỉa hè) là 20,5m. Trên thực tế, 2 doanh nghiệp đã đền bù về đất, bồi thường hoa màu cho người dân và đầu tư xây dựng các con đường trên.

Ngày 27/3/2012, UBND tỉnh Hải Dương có Thông báo số 43/TB-VP nêu ý kiến của ông Nguyễn Dương Thái - Phó chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, yêu cầu Công ty TNHH Đại Dương phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng, các sở, ngành liên quan thực hiện việc chi trả kinh phí cho Công ty Thành Công và Xí nghiệp M&J đã chi trả kinh phí bồi thường GPMB phần diện tích đất làm đường giao thông theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ QL5 vào hai doanh nghiệp.

Ngày 19/6/2012, UBND tỉnh Hải Dương có Công văn số 1188/UBND-VP về việc giải quyết các tồn tại ở Khu công nghiệp Lai Cách với nội dung: “Giữ nguyên mặt cắt đường giao thông đoạn từ QL5 vào hai doanh nghiệp là 16m”.

Tuy nhiên, hai doanh nghiệp trên không nhất trí với nội dung Công văn trên. Ngày 12/7/2012, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương có Thông báo số 113/TB-VP về việc nêu ý kiến kết luận chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong đó, có nội dung tiếp tục thực hiện Công văn số 1209 và 1188 của UBND tỉnh.

Cần đảm bảo lợi ích đôi bên

Ngày 29/10/2008, UBND tỉnh Hải Dương có Công văn số 1568/UBND-VP do Phó chủ tịch Thường trực Lê Hồng Văn ký nêu ý kiến: Công ty TNHH Đại Dương (chủ đầu tư) căn cứ điều kiện thực tế về sử dụng đất và các dự án của các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh thu hút đầu tư tại khu vực để lập điều chỉnh quy hoạch KCN Lai Cách thông qua các ngành chuyên môn thẩm định, trình duyệt theo quy định.

Tiếp đến, ngày 22/12/2008, UBND tỉnh Hải Dương có Công văn số 1879/UBND-VP do Chủ tịch UBND tỉnh Phan Nhật Bình ký, trong đó có nội dung: Yêu cầu BQL các KCN tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH Đại Dương khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch điều chỉnh KCN Lai Cách, nộp hồ sơ quy hoạch về Sở Xây dựng trước tháng 12/2008.  

Chỉ đạo là vậy, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Công ty Thành Công, cho rằng Công ty Đại Dương chưa lập sửa đổi quy hoạch để các ngành chức năng thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, các ngành chức năng vận dụng Công văn 1209 để chỉ đạo điều chỉnh mặt cắt đường giao thông nối từ QL5 vào hai doanh nghiệp từ 20,5m xuống 16,5m là chưa đảm bảo về quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch.

Ông Cao Kim Đoàn - Giám đốc Xí nghiệp M&J, bức xúc cho biết: “Chi phí về bồi thường, GPMB 2 doanh nghiệp đã trả cho dân, nay nếu chuyển sang cho Công ty Đại Dương thì công ty phải bàn bạc, thương lượng với chúng tôi”.

Theo quan điểm của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương tại cuộc họp ngày 22/3/2012 do UBND tỉnh tổ chức: “Công ty TNHH Đại Dương hỗ trợ, hoàn trả Công ty Thành Công và Xí nghiệp M&J chi phí bồi thường GPMB mà hai doanh nghiệp này đã chi trả... Công ty Thành Công và M&J có trách nhiệm bóc tách số liệu, kinh phí bồi thường GPMB đối với phần diện tích này và làm văn bản gửi Công ty TNHH Đại Dương để thống nhất thực hiện”.

Luật sư Nguyễn Thanh Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tâm Đức Phúc (Đoàn Luật sư Hải Dương), phân tích: Hiện tại, quy hoạch Cụm công nghiệp Lai Cách và quy hoạch Khu công nghiệp Lai Cách đều được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, phê duyệt quy hoạch Cụm công nghiệp trước phê duyệt Khu công nghiệp Lai Cách. Căn cứ vào Luật Xây dựng và các văn bản dưới luật khác, đến nay, cả hai quy hoach nêu trên đều chưa được điều chỉnh nên vẫn có giá trị pháp lý thi hành. Vận dụng quy định của pháp luật, cần điều chỉnh quy hoạch cả khu công nghiệp lẫn Cụm công nghiệp Lai Cách, tuy nhiên phải đảm bảo lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp đã đầu tư trước đó.

Sự việc kéo dài nhiều năm nay gây tổn thất cho doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn cũng như làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Đã  đến lúc các cơ quan, ban ngành, UBND tỉnh Hải Dương vào cuộc và giải quyết dứt điểm vụ việc. Xung quanh vụ việc này, Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi và cung cấp thông tin tới bạn đọc.

Phan Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang