Doanh nghiệp chủ động hối lộ quan chức

author 07:26 13/11/2013

Bên cạnh việc ngăn chặn và xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhận hối lộ, cũng phải có chế tài đủ mạnh để răn đe hành vi đưa hối lộ. Đặc biệt, cần nghiêm khắc với những doanh nghiệp (DN) coi hối lộ như một “giải pháp” trong kinh doanh, một cách thức để tạo lợi thế, hình thành nhóm lợi ích.

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12 với chủ đề “vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư trong công tác PCTN”, diễn ra sáng 12/11 tại Hà Nội

Ba dạng tham nhũng phổ biến

Mới đây Thanh tra Chính phủ phối hợp với các nhà tài trợ thực hiện nghiên cứu “tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động của doanh nghiệp” kết quả cho thấy 3 dạng tham nhũng, hối lộ đang “đeo bám” DN.

Thứ nhất đó là tham nhũng vặt, tức là DN phải chi khoản tiền hối lộ nhỏ để đối phó với sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ công chức. Có 37% DN coi tham nhũng vặt là rất phổ biến; 43% coi là phổ biến và 17% cho rằng ít xảy ra...” – ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng cục chống tham nhũng TTCP thông tin.

 

 Đặc biệt, cần nghiêm khắc với những doanh nghiệp coi hối lộ như một “giải pháp” trong kinh doanh, một cách thức để tạo lợi thế, hình thành nhóm lợi ích”.  

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

 

Thứ hai là tham nhũng, hối lộ trong quan hệ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp tư nhân (DNTN) các báo cáo tổng hợp của TTCP cho thấy có đến 68% DNTN phải chi trả hoa hồng trực tiếp hoặc thông qua trung gian để có hợp đồng với DNNN, họ phải chi bình quân 2,8%, thậm chí đến 10% tổng số tiền vay để trả cho dịch vụ môi giới hoặc tư vấn vốn vay ngân hàng. Còn báo cáo của VCCI chỉ ra: Năm 2012 có đến 41% DNTN đã đưa hối lộ để có được hợp đồng với cơ quan nhà nước và trong năm 2011 là 23%. Khi chia theo lĩnh vực thì có 34% DNTN chi “hoa hồng” trong lĩnh vực sản xuất và 35% ở lĩnh vực dịch vụ, thương mại và cao nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản với 43%.

 

Tiếp đó là “tham nhũng, hối lộ trong quan hệ nội bộ DN”. Cũng theo ông Ngô Mạnh Hùng cho hay, có 68,70% ý kiến cho rằng có tình trạng ăn chia, hối lộ trong quan hệ giữa Cty mẹ và Cty con; 64,70% cho rằng các cấp quản lý trong DN lạm dụng quyền hạn, sử dụng phương tiện, tài sản vào mục đích cá nhân...

Doanh nghiệp câu kết quan chức tha hóa

Mặc dù cho rằng, kết quả khảo sát trên chỉ là con số tham khảo, mang tính chất thăm dò, làm cơ sở để hoạch định chính sách, song Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) - Huỳnh Phong Tranh cảnh báo: Tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của DN sẽ tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội của mọi quốc gia; nó làm tăng chi phí, phá vỡ nền tảng quản trị của DN, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các DN trên thị trường.

“Đặc biệt, khi tham nhũng, hối lộ được thực hiện với sự cấu kết giữa DN và các quan chức tha hoá sẽ hình thành những “nhóm lợi ích thân hữu”, có khả năng tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, khi đó hậu quả càng nghiêm trọng” – Tổng TTCP nhấn mạnh.

Ông Antony Stockes – Đại sứ Vương quốc Anh cũng cho rằng với bất cứ quốc gia nào, sức khỏe của nền kinh tế có thể bị chậm lại nếu có tham nhũng. Đối với Việt Nam, tham nhũng có tiềm năng phá hoại rất lớn và nền kinh tế, DN có thể trở thành nạn nhân của tham nhũng. Do đó, cần chung tay đưa ra các sáng kiến PCTN trong lĩnh vực này. Ông Antony Stockes đánh giá cao công tác PCTN của Việt Nam, nhất là việc Ban chỉ đạo PCTN Trung ương được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư.

Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác PCTN, tăng cường minh bạch, nhưng nguyên nhân gốc rễ vẫn chưa được động chạm... Về mặt pháp lý đã có các quy định tốt nhưng mặt thực thi vẫn chưa có tiến triển lớn. Người đại diện Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, chúng ta hãy phòng, thay bằng để xảy ra rồi mới chống.

Nghiêm khắc với DN coi hối lộ như “giải pháp” trong kinh doanh

Phát biểu tại Đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Từ trước tới nay, nhận thức xã hội thường cho rằng doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng, DN phải đưa hối lộ vì sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền.

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy điều đó đúng nhưng chưa đủ. Còn một thực tế khác, đó là nhiều DN thường chủ động thực hiện hành vi hối lộ nhằm đạt được những lợi thế không chính đáng trong cạnh tranh trên thương trường hoặc để trốn tránh trách nhiệm pháp lý khi có sai phạm.

“Vì vậy, để phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, bên cạnh việc ngăn chặn và xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhận hối lộ cũng phải có chế tài đủ mạnh để răn đe hành vi đưa hối lộ. Đặc biệt, cần nghiêm khắc với những doanh nghiệp coi hối lộ như một “giải pháp” trong kinh doanh, một cách thức để tạo lợi thế, hình thành nhóm lợi ích” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Mặt khác, Phó Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện liêm chính trong kinh doanh; cùng ký cam kết, tạo sức mạnh tập thể trong PCTN; chủ động cung cấp thông tin, tố cáo hành vi tham nhũng; Chủ DN không được tham ô, dùng tiền tập thể để đi hối lộ; DNNN không được quan hệ không minh bạch với DNTN.

Các cơ quan chức năng tham mưu đề xuất với Chính phủ để ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về PCTN nhằm hạn chế tối đa các kẽ hở tạo môi trường cho tham nhũng. Đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính; phát huy vai trò của truyền thông trong công tác PCTN

Lê Dương- TP

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang