Doanh nghiệp chủ động tiếp cận chính sách về phòng vệ thương mại

author 15:31 18/03/2021

(VietQ.vn) - Thực tế vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp hiểu rõ về các chính sách pháp luật liên quan tới phòng vệ thương mại hay có các kỹ năng cơ bản đủ để sử dụng hiệu quả công cụ này.

Như chúng ta đã biết, phòng vệ thương mại bao gồm các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ luôn là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất trong nước. Hiện, Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác FTA khiến cho thị trường trong nước trở nên sôi động và cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, cũng xuất hiện hiện tượng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh có khả năng gây thiệt hại đáng kể và đe dọa những lợi ích lâu dài của một số ngành sản xuất trong nước.

Thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) chỉ ra, đến nay, Việt Nam đã điều tra 22 vụ việc phòng vệ thương mại với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm thanh định hình, ván gỗ, sợi, đường… Chỉ tính riêng trong năm 2020, Việt Nam đã khởi xướng điều tra hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với 8 vụ việc; trong đó, đang điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm đường lỏng HFCS và điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan. 

Thực tế cho thấy, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp hay hiệp hội hiểu rõ về chính sách pháp luật liên quan tới phòng vệ thương mại hay có các kỹ năng cơ bản đủ để sử dụng hiệu quả công cụ này.

Nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại liên quan đến sắt thép thời gian qua. Ảnh minh họa. 

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu thép sang hơn 30 quốc gia trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển bứt phá, ngành thép Việt Nam cũng nằm trong tầm ngắm của các thị trường xuất khẩu. 

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, tính từ năm 2004 đến quý III/2020, đã có 62 vụ việc; trong đó, có 34 vụ việc chống bán phá giá; 3 vụ chống trợ cấp cùng nhiều vụ việc chống tự vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại... Đối diện với các vụ việc về phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp trong ngành còn rất lúng túng, thiếu chủ động khi chuẩn bị tham gia các vụ kiện. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, khó khăn nằm ở vấn đề nhận thức. Chỉ có doanh nghiệp bị kiện trực tiếp mới quan tâm.

"Ngoài ra, nguồn lực để theo đuổi các quy trình điều tra vụ kiện của doanh nghiệp cũng rất hạn chế, kể cả về tài chính, mức độ hiểu biết pháp luật… Tuy nhiên, trải qua các vụ việc về phòng vệ thương mại, thép đang là ngành đi đầu trong việc triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại một cách khá hiệu quả để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước", ông Đa cho biết.

Những năm gần đây, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, giai đoạn 2005 - 2010 có 21 vụ việc thì đến giai đoạn 2011 - 2015 đã có tổng số 52 vụ việc và giai đoạn 2016 –  2020 là 99 vụ việc.

Đặc biệt, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại áp dụng với hàng xuất khẩu từ Việt Nam là do xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian qua, nhờ vào tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định FTA. Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu của họ, khiến ngành sản xuất tại các nước này cũng đề nghị Chính phủ nước họ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Vấn đề này đã được Bộ Công Thương cảnh báo, nhiều thị trường nhập khẩu của các nước là đối tác FTA với Việt Nam đang có quan điểm cho rằng, hàng hóa Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ các nước đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và không tạo thêm giá trị gia tăng đáng kể tại Việt Nam. Vì thế, đây là lý do khiến số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam ngày càng tăng nhanh và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm vững thông tin, tìm hiểu cụ thể những vấn đề có liên quan để chủ động và có kế hoạch điều chỉnh khi ứng phó với cáo buộc về phòng vệ thương mại.

Tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép, phân bón(VietQ.vn) - Các doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm phân bón, thép nhập khẩu trong 3 vụ việc năm 2020.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang