Doanh nghiệp dệt may áp dụng Lean để tăng năng suất lao động

author 06:22 25/11/2020

(VietQ.vn) - Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm là hoạt động tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, một trong nhiều hình thức tăng năng suất được nhiều xí nghiệp may áp dụng là công nghệ Lean.

Những năm gần đây, nhờ những hoạt động tích cực được triển khai trong khuôn khổ Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712), hàng loạt các doanh nghiệp dệt may đã tìm được giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, gia tăng năng suất chất lượng trong sản xuất, tạo được năng lực cạnh tranh, chỗ đững vững chắc trên thị trường

Để có được những kết quả tốt đẹp đó, trong một thời gian dài, nhờ có các chuyên gia từ Chương trình 712, các doanh nghiệp trong ngành dệt may đã được tư vấn áp dụng nhiều công cụ cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng. Đây là yếu tố then chốt để ngành dệt may nước ta có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của mình và hướng tới phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.

LEAN là một trong số các công cụ được nhiều doanh nghiệp dệt may lựa chọn tăng năng suất chất lượng 

Đối với ngành dệt may, các công cụ như 5S, Kaizen, Lean, TPM, KPI, MFCA, BSC, ISO… từ lâu đã trở thành những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ những khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.

Ngoài ra, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm là hoạt động tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, một trong nhiều hình thức tăng năng suất được nhiều xí nghiệp may áp dụng là công nghệ Lean. Sản xuất tinh gọn-Lean Manufacturing (gọi tắt là Lean) như một giải pháp nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và được xem là hoạt động tạo giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp.

Lean là một nhóm công cụ và phương pháp, hiện đang được áp dụng ngày càng rộng rãi trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhằm loại bỏ lãng phí và những bất hợp lý trong quy trình sản xuất, để có chi phí thấp hơn và tính cạnh tranh cao hơn cho nhà sản xuất.

Nguyên lý của Lean là giúp cho các doanh nghiệp rút ngắn thời gian sản xuất, thời gian giao hàng từ đó tiết kiệm chi phí tối đa đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Áp dụng công nghệ Lean các công đoạn được kết nối thông qua dòng chảy liên tục; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tại từng thao tác và công đoạn. Lean sẽ giúp cho việc lập kế hoạch, tính toán chính xác các công đoạn phù hợp với tiến độ sản xuất, giảm thiểu nguyên phụ liệu và hàng tồn từ đó tiết kiệm chi phí quản lý tăng năng suất và chất lượng cải thiện mối quan hệ với nhà cung cấp và nhà nhập khẩu sản phẩm may mặc.

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), công tác quản lý năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp dệt may trong tập đoàn đã được nhiều đơn vị quan tâm đầu tư từ nhiều năm trở lại đây. Không ít doanh nghiệp trong ngành đã ý thức được việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm là hoạt động tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp chính vì vậy có rất nhiều hình thức được áp dụng .

Điển hình trong các doanh nghiệp phải kể đến, Tổng Công ty May 10, áp dụng phương pháp Lean mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: giảm thiểu mức hàng tồn kho ở tất cả công đoạn sản xuất, giảm phế phẩm; bảo đảm công nhân đạt năng suất cao nhất trong thời gian làm việc; tận dụng thiết bị và mặt bằng; có khả năng sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau một cách linh động hơn với chi phí và thời gian chuyển đổi thấp nhất…
 
Khi áp dụng mô hình Lean, năng suất lao động của công ty tăng 52%, tỷ lệ hàng lỗi giảm 8%, giảm giờ làm 1 giờ/ngày, tăng thu nhập trên 10%, giảm chi phí sản xuất từ 5-10%/năm. 

Sau khi áp dụng Lean, năng suất của Tổng Công ty May Nhà Bè đã tăng hơn 20%. Năng suất, chất lượng của từng chuyền đã được ổn định và kiểm soát qua từng giờ sản xuất. Thu nhập của người lao động tăng lên đáng kể. Đặc biệt từ khi áp dụng Lean, May Nhà Bè đã giảm giờ làm cho công nhân 1 giờ/ngày, được nghỉ chiều thứ 7 và tuyệt đối không phải làm ca, kíp. 

Cũng nhờ áp dụng LEAN thành công từ năm 2008 kết quả kinh doanh của Tổng Công ty may Việt Tiến cũng rất khả quan, năng suất lao động nâng cao rõ rệt, tăng bình quân 20% so với trước đây, tiền lương công nhân tăng, giảm hàng lỗi, tiết kiệm mặt bằng để đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới mà không phải xây dựng nhà xưởng… 

Tổng công ty dệt may Hòa Thọ sau khi áp dụng Lean đã giảm lượng tồn kho trên chuyền từ 30 sản phẩm xuống còn 3 sản phẩm, hàng lỗi giảm từ 20% xuống còn 8%, không cần làm thêm giờ mà thu nhập bằng như khi tăng ca. Sau khi áp dụng ở 3 nhà máy đầu năm 2014, Công ty CP May Hòa Thọ (Duy Xuyên) đã đầu tư chuyển đổi toàn bộ 8 dây chuyền theo mô hình Lean. Với mô hình này, cùng với hệ thống máy điện tử được đầu tư mới, các khâu sản xuất sẽ được tiết giảm. Việc thiết lập chuyền may theo hình chữ U đã giúp cho các chuyền trưởng bao quát và giám sát được quy trình sản xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời để dây chuyền không bị gián đoạn giúp doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, vừa giải quyết được vấn đề thu nhập cho người lao động, giảm được sự cạnh tranh về lao động với các đơn vị khác.

Tổng công ty may Hưng Yên khi áp dụng Lean cho 1 chuyền chỉ trong 3 tuần kết quả năng suất đã tăng 21%, cho thấy Lean là mô hình các doanh nghiệp may cần triển khai. 

Các doanh nghiệp dệt may khi áp dụng Lean đều khẳng định tính ưu việt vượt trội trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất, kinh doanh của đơn vị từ 15 – 20%, song họ cũng thừa nhận việc triển khai và áp dụng không hề đơn giản vì quá trình áp dụng Lean là một quá trình lâu dài và cần phải xây dựng từng bước. 

 Bảo Linh

Áp dụng Kaizen - Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng trưởng dài hạn(VietQ.vn) - Áp dụng thành công phương pháp Kaizen giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp giảm chi phí, rút ngắn thời gian chu kỳ và cải thiện năng suất chất lượng sản phẩm để đạt được cách tiếp cận có hệ thống, cải tiến liên tục.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang