Doanh nghiệp "kêu trời"!

author 15:45 15/12/2012

(VietQ.vn) - Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, sự viễn dẫn Thông tư của Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục đăng kiểm VN) không nghiên cứu và tìm hiểu đúng đắn, việc làm “cưỡi ngựa xem hoa” xa rời thực tế.

Mới đây, Phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản về việc thử nghiệm an toàn ôtô tải pickup canbin kép nhập khẩu liên quan đến việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Sự việc trên đã khiến các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô kêu trời vì nguy cơ thiệt hại lớn…(!)

Lý lẽ của phòng Chất lượng xe cơ giới

Đơn gửi các cơ quan báo chí, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho rằng, việc Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) có văn bản yêu cầu phải thử nghiệm an toàn cho xe mẫu của từng lô hàng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam là hoàn toàn không cần thiết, đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Theo Tờ trình 634/VAQ của Phòng Chất lượng xe cơ giới gửi Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thì gần đây các liên doanh SX lắp ráp ôtô tại Việt Nam, ngoài việc sản xuất lắp ráp, các DN này còn nhập khẩu các kiểu loại ôtô khác được sản xuất tại nước ngoài vào VN chủ yếu các dòng ôtô tải Pickup cabin kép và xe con như: Isuzu D-Max, Ford ranger, Toyota Hilux, Toyot a Yarris, Nisan Navara…
 
Theo các tài liệu cung cấp thể hiện hầu hết loại xe này chưa được các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài phê duyệt kiểu loại. Do việc phê duyệt kiểu loại ở nước ngoài phức tạp và phải trải qua các cuộc thử nghiệm nghiêm ngặt, nên các nhà sản xuất lắp ráp đã bỏ qua quy trình này và “lách” các quy định và lắp ráp nhập khẩu vào VN các mẫu xe có chất lượng thấp so với các xe bán trên thị trường nước ngoài. Hiện tượng này xuất hiện sau khi Bộ Công thương ban hành thông tư 20/2011/TT-BC ngày 12/5/2011. 
Một dòng xe bán tải cabin
 
Theo quy định của Thông tư 31/2011/TT-BGTVT nêu rõ các phương tiện chưa được các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài chứng nhận về kiểu loại khi nhập khẩu vào VN chỉ phải thử nghiệm mẫu về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, DN không phải chịu sự kiểm soát về đảm bảo chất lượng trong sản xuất lắp ráp, không có thiết kế của phương tiện để đánh giá… Chính vì vậy không kiểm soát được sự đồng đều về chất lượng của các phương tiện.
 
Phản ứng, Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, sự viễn dẫn Thông tư của Phòng Chất lượng xe cơ giới không nghiên cứu và tìm hiểu đúng đắn, việc làm “cưỡi ngựa xem hoa” xa rời thực tế.
 
Cụ thể, tại khoản a mục 1 Điều 7 của Thông tư 31/2011/TT-BGTVT quy định rõ: Miễn thử nghiệm xe mẫu đối với lô hàng tiếp theo của các “xe cơ giới được nhập khẩu bởi đại lý ủy quyền về bán hàng và bảo hành của nhà sản xuất, có cùng kiểu loại với loại xe được cơ quan kiểm tra cấp giấy chứng nhận chất lượng”. 
 
Viện dẫn thực tế các doanh nghiệp thực hiện theo Tờ trình 634/VAQ, VAWA cho rằng: Nếu theo văn bản này thì lô xe nhập khẩu nào cũng phải mất phí và thời gian thử nghiệm, thêm vào đó phải chờ đợi mất hàng chục ngày mới có kết quả kiểm tra. Thậm chí, trong cùng một chuyến hàng với cùng một mẫu xe nhưng được chia thành nhiều lô hàng để mở nhiều tờ khai Hải quan khác nhau thì đều bị lấy mẫu đi thử nghiệm là hoàn toàn vô lí và gây lãng phí tổn thất không đáng có.
 
Doanh nghiệp “phản pháo”
 
Trước thông tin trên VAMA đã có văn bản 7812/VAMA gửi Cục Đăng kiểm VN và Vụ KHCN (Bộ GTVT) đề nghị Cục Đăng kiểm thực hiện đúng quy định Thông tư 31/2011/TT-BGTVT và tạo điều kiện giúp đỡ các DN nhập khẩu ôtô trong lúc kinh tế khó khăn vì bị tăng rất nhiều chi phí và thời gian trong việc phê duyệt kiểu xe. 
 
Đưa ra chứng lí của mình, VAMA cho rằng: xe ô tô nhập khẩu đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra và thử nghiệm, cấp Giấy chứng nhận đạt chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu. Hơn nữa, xe ôtô Pickup không thuộc đối tượng của Thông tư 20/2011/TT-BCT do Bộ Công thương ban hành.
 
Xe ôtô nhập khẩu là các mẫu xe được sản xuất cho toàn cầu, đảm bảo chất lượng của nhà sản xuất chính hãng nên chất lượng của các xe ôtô nhập khẩu có chất lượng đồng đều và có chất lượng như các xe bán trên thị trường nước ngoài. 
 
Cùng quan điểm với VAMA, ngày 5/12/2012, Công ty TNHH Ford Việt Nam đã có văn bản 346/CV/FVL gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến nghị xem xét miễn kiểm tra thử nghiệm an toàn kỹ thuật vào bảo vệ môi trường đối với các loại xe đã được cấp chứng nhận chất lượng. 
 
Theo quan điểm của Ford Việt Nam, việc cấp giấy chứng nhận chất lượng các lô hàng kéo dài, dẫn đến thời gian thông quan quá hạn 30 ngày như quy định nên các lô hàng trên bị phạt chậm thông quan và kéo theo các chi phí lưu kho bãi…
 
Công ty FVL cam kết các loại xe trên thỏa mãn các thông số kỹ thuật, chất lượng an toàn và môi trường của Công ty Ford Motor và so với các loại For Ranger bán tại thị trường Thái Lan thì các loại xe này bán tại thị trường Việt Nam chỉ khác nhau một số thông số kỹ thuật liên quan đến nội thất và tính tiện nghi như loại tay lái trái để cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng và yêu cầu của giao thông Việt Nam, vì các loại xe này đều cũng SX trên một dây chuyền tại Thái Lan.
 
Công ty TNHH NISSAN Việt Nam cũng đã lên tiếng về việc làm thiếu thực tế của Phòng Chất lượng xe cơ giới, cho rằng: quy định trên ảnh hưởng đến quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện theo những quy định như trước nay đã làm.
 
Nhóm PV
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang