Nỗ lực nhằm đạt mục tiêu 5.000 doanh nghiệp KH&CN vào 2020

authorThu Thảo 17:16 20/04/2017

(VietQ.vn) - Số lượng doanh nghiệp (DN) Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tư nhân đang ngày một tăng lên với sự hỗ trợ của KH&CN. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp nhiều cản trở trong quá trình xây dựng và phát triển.

Doanh nghiệp KH&CN tư nhân đang áp đảo

Tại hội thảo “Giải pháp phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ”, đại diện Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho biết, tính đến hết 2016, cả nước có 250 DN được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH & CN, trong đó Hà Nội đứng đầu cả nước với 34 DN KH&CN. Tuy nhiên, sự phân bố DN KH&CN chưa đồng đều. Bằng chứng là vẫn còn nhiều địa phương vẫn chưa có DN KH&CN nào như Bến Tre, Cao Bằng, Điện Biên, Hậu Giang, Gia Lai, Ninh Thuận, Quảng Trị...

Theo 7 lĩnh vực được quy định ở Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT do Bộ KH&CN, Bộ Tài Chính và Bộ Nội vụ cùng ban hành, hiện có 3 lĩnh vực có nhiều DN KH&CN tham gia nhất gồm: Công nghệ sinh học (47%), công nghệ tự động hóa (16,7%) và công nghệ vật liệu mới (14,05%). Các lĩnh vực còn lại vẫn có doanh nghiệp đăng ký tham gia nhưng không đáng kể.

Điểm đáng chú ý là đa phần các DN KH&CN có tính tự chủ tương đối cao cácDN đều không sử dụng đến từ ngân sách nhà nước, mà chủ yếu do DN tự thân vận động hoặc chuyển giao lại từ đơn vị khác.

Nhưng đo đặc tính biến động liên tục của thị trường, song song với sự tăng lên không ngừng của các DN KH&CN, đã có những DN "bỏ cuộc". Cụ thể trong 250 DN được chứng nhận, đã có 1DN  giải thể, 7 DN ngừng hoạt động và 3 DN  bị rút giấy chứng nhận (do thay đổi hoạt động sản xuất, địa bàn hoặc hoạt động trong lĩnh vực không được đăng ký DN KH&CN).

Song nhìn chung, số đông các DN còn lại đã chủ động cố gắng thích nghi với tình hình, vẫn tiếp tục trụ vững và tạo ra đà bước tiến tiếp theo cho phong trào phát triển DN KH&CN.

Riêng với TP.HCM, là một trong các đầu tàu về KH&CN, tính tới hết tháng 3/2017, thành phố đã tiếp nhận 35 hồ sơ đăng ký DN KH&CN. Trong đó có 29 hồ sơ được chứng nhận (tăng thêm 3 hồ sơ với kết thúc 2016), 6 hồ sơ bị trả lại do không đạt điều kiện. Toàn bộ 29 hồ sơ đều thuộc khối tư nhân, không có hồ sơ nào từ các tổ chức khoa học hoặc công lập chuyển đổi sang DN. Một lần nữa khẳng định mạnh hơn tính tự chủ của các DN tư nhân. Các hồ sơ bị trả lời là do chưa chứng minh được quyền sở hữu trí tuệ hoặc quyền sở hữu hợp pháp kết quả nghiên cứu KH&CN, hoặc phương án sản xuất kinh doanh không khả thi.

 Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ

Quá trình xây dựng và phát triển DN KN&CN còn nhiều cản trở

Trước hết là việc cấp chứng nhận DN KH&CN chưa được rõ ràng và cụ thể. Có những lĩnh vực mà văn bản hướng dẫn, giải thích vẫn còn mù mờ như công nghệ tự động hoá, công nghệ vật liệu mới và công nghệ bảo vệ môi trường. Tình trạng mù mờ này dẫn tới nhiều hồ sơ đăng ký không xác định được lĩnh vực đăng ký nên dẫn tới chậm trễ trong việc cấp chứng nhận hoặc thậm chí là không cấp được.

Tiếp theo là trình độ khoa học của bản thân từng DN. Tuy đã áp dụng KH&CN vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, nhưng về mặt trình bày hồ sơ văn bản sao cho đúng chuẩn, cũng như làm sao đăng ký quyền sở hữu/sử dụng trí tuệ của doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập.

Thêm vào đó, một số DN nhầm lẫn giữa việc áp dụng KH&CN vào một giai đoạn sản xuất, và áp dụng KH&CN vào toàn bộ dây chuyền sản xuất nên hồ sơ đăng ký của DN tuy là cho toàn bộ dây chuyền nhưng thực chất chỉ có một (vài) công đoạn sản xuất. Điều này dẫn tới việc tính sai tỷ lệ áp dụng KH&CN trong sản phẩm cuối, vốn là cơ sở để tính mức ưu đãi thuế thu nhận DN về sau này.

Chính nhầm lẫn ấy đã khiến hồ sơ đăng ký của DN gặp trục trặc và vô tình khiến DN nghĩ Sở "làm khó" doanh nghiệp dù thực tế không phải vậy.

Nhưng quan trọng nhất trong công tác Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN vẫn nằm ở đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.

Theo quy định, chỉ các Sở KH&CN thuộc các tỉnh/thành mới có thẩm quyền trên. Nhưng ở nhiều địa phương, hoạt động phát triển DN KH&CN chưa được chú trọng. Nhiều đơn vị cấp cơ sở thậm chí còn chưa nắm rõ các quy định, chương trình hỗ trợ ưu đãi của nhà nước, dẫn tới việc kể cả khi có DN địa phương muốn đăng ký tham gia cũng không tìm được sự hỗ trợ cần thiết. Do đó vô hình chung làm giảm hiệu quả của công tác Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN.

Nỗ lực nhằm đạt mục tiêu 5.000 doanh nghiệp KH&CN vào 2020

Được biết, trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2020; Theo đó, chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2020 đặt ra những mục tiêu cụ thể như, năm 2015, phấn đấu tăng tốc đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ đạt 1,5% GDP và nâng lên trên 2% GDP vào năm 2020, bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm; giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15-17%/năm.

Về cơ chế hoạt động khoa học công nghệ, Việt Nam sẽ triển khai mô hình hợp tác công- tư trong lĩnh vực KH&CN, phát triển các hình thức hợp tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ, thực hiện nghiên cứu ứng dụng KH&CN theo đặt hàng của Chính phủ, các bộ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức khác.

Đến năm 2020, phấn đấu có 5.000 doanh nghiệp KH&CN. Để đạt mục tiêu này, sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách khoa học công nghệ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN khoa học công nghệ được hưởng những lợi ích thiết thực. Đề nghị các địa phương và sở, ngành quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khoa học, công nghệ phát triển và xem đây là nhiệm vụ quan trọng.

Theo ông Trần Đắc Hiến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ KH&CN - Chủ nhiệm Chương trình 592, từ nay đến năm 2020, Chương trình 592 cùng với các chương trình khác và các cơ chế, chính sách hiện hành sẽ hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất để hình thành và phát triển khoảng 3000 DN KH&CN. Đây cũng là con số khó khăn phải đạt tới nhưng chương trình 592 cùng với các chương trình KH&CN khác mà Bộ KH&CN và các bộ/ngành, địa phương đang triển khai đồng bộ quyết liệt, hy vọng rằng con số 3.000 DN KH&CN vào năm 2020 sẽ trở thành hiện thực và điều quan trọng hơn là các DN KH&CN này phải có đủ “sức khỏe”, sức cạnh tranh để tồn tại và phát triển bền vững trong thị trường.

Cơ hội tiếp cận thông tin công nghệ và nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp(VietQ.vn) - Sáng 18/4, tại Hà Nội, Hội thảo: “Hiệp định thương mại tự do, thông tin công nghệ và cách tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ” được tổ chức.

Thu Thảo

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang