Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hưởng nhiều 'ưu đãi' từ Bộ KH&CN

author 06:30 17/09/2018

(VietQ.vn) - Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện đang nhận được nhiều sự hỗ trợ cũng như các chính sách ưu đãi từ phía Bộ KH&CN.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển. Cụ thể, hiện có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo (ĐMST) tạo điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam như: Dự án IPP hợp tác với Chính phủ Phần Lan, Chương trình FIRST do Ngân hàng thế giới tài trợ, Chương trình BIPP hợp tác với Bỉ và đặc biệt là Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844).

"Những chương trình này đã góp phần đào tạo rất nhiều chuyên gia (còn gọi là mentor) để tư vấn cho các bạn khởi nghiệp hoặc đào tạo T&T (trainer and trainer) tức đào tạo giáo viên để đào tạo các giáo viên khác hoặc chương trình đào tạo trực tiếp cho các bạn trẻ có ý tưởng sáng tạo, có kết quả nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm về kinh doanh, về marketing cũng như năng lực thuyết trình. Ngoài ra còn có các câu lạc bộ khởi nghiệp ĐMST trong các trường học, tổ chức thúc đẩy chuyển giao công nghệ để đưa công nghệ vào sản xuất. Đặc biệt, Đề án 844 do Bộ KH&CN chủ trì đã được triển khai trong hơn một năm nay và một trong những nội dung rất quan trọng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, đó là thúc đẩy tính kết nối”, Thứ trưởng Duy cho hay.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, thời gian qua, Bộ KH&CN đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Ảnh: PVN

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, những năm gần đây, Bộ KH&CN đã tổ chức rất nhiều sự kiện kết nối mà trọng tâm là Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST quốc gia (Techfest Vietnam). Năm 2018, Techfest dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 tại Đà Nẵng. Đây sẽ là nơi kết nối các bạn khởi nghiệp ĐMST với các nhà đầu tư, các vườn ươm, startup, doanh nghiệp, các khu thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST cũng như nhiều đối tượng quan tâm khác như các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trên toàn thế giới và trong khu vực.

Qua các sự kiện kết nối này, các nhà đầu tư, các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp, các vườn ươm có cơ hội tìm đến nhau và cùng đánh giá xem startup nào có khả năng phát triển. Cũng qua các sự kiện này, rất nhiều startup đã gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã hình thành được rất nhiều vườn ươm doanh nghiệp ĐMST tại Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Vinh. Ngoài ra, Bộ KH&CN đã tổ chức được các sự kiện liên kết hệ sinh thái quy mô vùng nhằm kết nối hoạt động khởi nghiệp giữa các địa phương trong vùng, nhờ đó, tinh thần khởi nghiệp lan rộng khắp cả nước.

Thứ trưởng Bộ KH&CN chia sẻ thêm, ở Việt Nam, doanh nghiệp được chia ra làm 4 nhóm. Thứ nhất là nhóm doanh nghiệp dẫn dắt, đi đầu như các tập đoàn lớn (của Nhà nước lẫn tư nhân). Nhóm 2 là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm trên 95%). Nhóm thứ 3 là các doanh nghiệp KH&CN và phát triển dựa trên các kết quả nghiên cứu KH&CN, trong đó có các doanh nghiệp công nghệ cao. Nhóm cuối cùng là các doanh nghiệp ĐMST.

Để tiếp cận cuộc CMCN 4.0 nói riêng cũng như để thúc đẩy nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và ĐMST nói chung, Bộ KH&CN đã có các chính sách khác nhau đối với mỗi một nhóm.

Đối với doanh nghiệp ĐMST, đặc biệt là doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới nhất để phát triển và có sức cạnh tranh với thế giới, Bộ KH&CN đã hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để họ thử nghiệm công nghệ. Bộ KH&CN cũng hỗ trợ các nhiệm vụ giúp họ liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học và phát triển hoàn thiện công nghệ, từ đó ứng dụng vào sản xuất và đời sống.

Theo thống kê sơ bộ từ Văn phòng Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (Đề án 844), Việt Nam hiện có khoảng 30 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tăng thêm 10 vườn ươm và 3 tổ chức thúc đẩy kinh doanh so với năm 2016.

Trong đó, có một số tên tuổi tiêu biểu như Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, Vườn ươm Đà Nẵng, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin ĐMST Hà Nội...

Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 cho biết, hoạt động đầu tư khởi nghiệp ĐMST trong cả nước có sự tăng trưởng cao và bài bản hơn năm 2016. Hết năm 2017 có khoảng 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam, phần lớn là các quỹ đầu tư nước ngoài. Một số quỹ có văn phòng đại diện tại Việt Nam như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, DJF-VinaCapital, 500 Start-ups...

Phong Lâm

Làm sao để thu hút nhà đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang 'ẩn dật'?(VietQ.vn) - Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang trở thành xu thế phát triển hiện nay, bên cạnh lợi thế phát triển cũng đặt ra không ít những thách thức lớn.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang