Doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tham gia thị trường chứng khoán?

author 06:21 14/06/2019

(VietQ.vn) - Doanh nghiệp khởi nghiệp muốn gia nhập vào thị trường chứng khoán phải chấp nhận những điều kiện ràng buộc, để tránh gây tác động, ảnh hưởng thị trường vốn chung.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Tại buổi thảo luận về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) chiều 13/6, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) cho biết, các doanh nghiệp khởi nghiệp đang nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp này phát triển cả về quy mô và chất lượng, đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước.

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với đặc điểm là nhiều rủi ro, chưa xác định rõ ràng hiệu quả hoạt động, nếu chào bán chứng khoán ra thị trường sẽ không đảm bảo chất lượng chứng khoán như các công ty đại chúng khác, có thể dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư.

“Tôi đề nghị không quy định tại dự thảo luật về chào bán chứng khoán riêng lẻ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, để đảm bảo chất lượng hàng hoá đưa ra thị trường cũng như đảm bảo công bằng đối với các thành viên tham gia thị trường”, ông Bảo nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh).

Cũng chia sẻ về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) bày tỏ quan điểm cần tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhằm khơi thông dòng vốn, hỗ trợ các doanh nghiệp này trong sản xuất kinh doanh.

Hiện cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, với đặc điểm là có mức vốn thấp, độ rủi ro cao nên khó huy động vốn, vì vậy việc tạo thêm hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia thị trường chứng khoán, huy động vốn là cần thiết.

Nữ đại biểu đề nghị doanh nghiệp khởi nghiệp muốn gia nhập vào thị trường chứng khoán cũng phải chấp nhận những điều kiện ràng buộc, để tránh gây tác động, ảnh hưởng thị trường vốn chung. Đồng thời, cân nhắc kỹ, đảm bảo quyền lợi công ty đại chúng có số vốn dưới 30 tỷ đồng và quyền lợi nhà đầu tư, tránh tình trạng “quản không được thì cấm”.

Sau khi tiếp thu ý kiến từ các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, kể từ khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thuộc Bộ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước đột phá. Tại Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), tiếp tục tăng cường vai trò giám sát của UBCKNN để đảm bảo tính độc lập trong quản lý giám sát như tiêu chuẩn quốc tế.

"Từ 2004, thời điểm Ủy ban chứng khoán thuộc quyền quản lý của Bộ Tài chính, ngành chứng khoán đã phát huy kết quả vượt trội dưới sự lãnh đạo của chính phủ, và các cấp các ngành", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói. 

Người đứng đầu Bộ Tài chính nhấn mạnh, thời gian qua, Hiệp hội chứng khoán quốc tế cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cho thị trường chứng khoán các nước, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính độc lập, năng lực thực thi và không chịu tác động của yếu tố khách quan là những điểm quan trọng nhất mà tổ chức này kiến nghị. Dựa vào thực tiễn, Việt Nam đã chọn những gì tốt nhất để áp dụng cho thị trường chứng khoán phát triển theo hướng công khai, minh bạch và bền vững.

"Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ Tài chính luôn tôn trọng tính độc lập của UBCK, không can thiệp vào các hoạt động của cơ quan này", Bộ trưởng cho hay.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang