Doanh nghiệp không quá lo ngại về tăng lương tối thiểu

author 17:26 12/11/2014

Chủ nhiều doanh nghiệp cho biết hiện mức thu nhập thực tế của người lao động đã cao hơn lương tối thiểu, việc tăng vào đầu năm tới chủ yếu tác động lên các khoản chi phí bảo hiểm.

Theo Nghị định mới ban hành của Chính phủ, từ 1/1/2015, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi tháng. Tùy theo khu vực làm việc của người lao động, mức lương tối thiểu mới sẽ dao động 2.150.000 - 3.1 triệu đồng. Nhiều chủ doanh nghiệp cho hay, việc tăng lương lần này sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh, nhưng ở mức độ khác nhau.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Giám đốc Công ty May mặc xuất khẩu Tiên Sơn (Thanh Hóa) cho biết lương tối thiểu vùng năm 2015 cao hơn 13 - 15% so với mức hiện hành sẽ không khiến quỹ lương trả cho công nhân mỗi tháng thay đổi, bù lại sẽ nâng mức đóng bảo hiểm lên 5% so với trước đó. "Doanh nghiệp chưa tính toán cụ thể nhưng mức chênh lệch bảo hiểm xã hội của hơn 2.000 lao động cũng không phải là con số nhỏ", ông Lâm cho hay.

Đại diện nhiều doanh nghiệp đã chủ động với kế hoạch tăng lương tối thiểu từ đầu năm 2015.

Theo vị lãnh đạo này, lương tối thiểu mà Nhà nước quy định cho vùng 3 hiện ở mức 2,1 triệu đồng mỗi tháng nhưng trên thực tế doanh nghiệp vận hành theo quy luật thị trường tức là có sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp với lao động. Do vậy, lương trung bình mà doanh nghiệp của ông trả cho công nhân ở mức 3,5 - 4 triệu đồng mỗi tháng.

Có gần 200 công nhân nhận mức lương trung bình mỗi tháng là 4,5 triệu đồng nhưng ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty Dịch vụ giặt là Công nghệ xanh Green Tech lại không quá lo ngại về quy định điều chỉnh tăng lương lần này. Ông Mạnh cho rằng đã là một sân chơi có quy luật cạnh tranh như nhau thì kể cả vấn đề tăng giá, tăng lương hay bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách thì doanh nghiệp luôn phải chấp nhận. Doanh nghiệp chỉ lo ngại chính sách chế độ không công bằng giữa các đối tượng.

Lãnh đạo Green Tech chia sẻ mức đóng bảo hiểm xã hội tăng sau mỗi lần lương tăng chỉ là một phần chi phí trong hoạt động doanh nghiệp, và điều đó không phải yếu tố quyết định cho sự tồn tại và phát triển của đơn vị, mà then chốt nhất vẫn là năng suất lao động.

"Lương nhận 3 triệu nhưng công nhân chỉ làm 50% thời gian công suất thì câu chuyện lại khác", ông Mạnh nói.

Ông Diệp Thành Kiệt - Giám đốc Công ty Cổ phần 434 chuyên sản xuất giày cho biết doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện tăng lương tối thiểu từ đầu năm 2015: "Ngay từ khi có đề xuất của Hội đồng Tiền lương, các đơn vị trong Hiệp hội da giày đã gửi những ý kiến góp ý. Quyết định tăng lần này hoàn toàn phù hợp với những đề xuất đó".

Ông cũng nhận định tăng lương tối thiểu là vấn đề của quốc gia, đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng. "Tăng lương sẽ tác động lên chi phí doanh nghiệp, nhưng không tăng không được vì phải đảm bảo đời sống cho người công nhân. Đây là bài toán cân bằng chứ không phải bài toán tính toán", ông Kiệt nhấn mạnh.

Đại diện cho giới chủ doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tin tưởng những chủ sử dụng lao động sẽ thực hiện nghiêm túc quyết định tăng lương vào đầu năm tới. "Để đảm bảo đời sống cho người lao động, quyết định tăng lương của Chính phủ là hợp lý. Nhưng trong bối cảnh chỉ có 30% doanh nghiệp kinh doanh có lãi, tăng lương sẽ tạo sức ép lớn. Việc đồng thuận thực hiện sẽ là nỗ lực lớn của cộng đồng doanh nghiệp", ông Lộc khẳng định.

Vị này cũng đồng tình hiện nay đa số thu nhập thực tế của người lao động đã cao hơn mức lương tối thiểu và tăng lương lần này chủ yếu tác động đến các khoản bảo hiểm doanh nghiệp phải đóng. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nhà nước đang sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch VCCI kỳ vọng doanh nghiệp sẽ giảm được các chi phí không chính thức. "Bên cạnh chi phí tiền lương, xăng dầu, điện, nước sẽ tăng lên, cũng có những chi phí như thủ tục hành chính sẽ giảm", ông nói.

Để việc tăng lương được bền vững, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng bản thân doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, tránh làm cho tăng lương trở thành yếu tố khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp suy giảm. Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng người lao động cũng cần đẩy mạnh nhằm cải thiện năng suất. "Việc tăng tiền lương phải trên cơ sở tăng năng suất lao động và hiệu quả, để việc thực hiện lộ trình tăng lương tích cực hơn, diễn ra đồng thời với việc mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm mới", ông phát biểu.

Ngoài ra, ông đề xuất cơ quan quản lý nghiên cứu mở rộng thời gian làm thêm, do quỹ thời gian 200 - 300 giờ mỗi năm không phù hợp, khó đảm bảo cho doanh nghiệp thực hiện đủ các hợp đồng thời vụ và cũng giúp người lao động có thêm thu nhập. Hội đồng Tiền lương nên phối hợp với giới sử dụng lao động nghiên cứu, khảo sát thực tiễn về mức sống tối thiểu để đưa ra lộ trình tăng lương phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Theo Vnexpress

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang