Doanh nghiệp lo lỗ vì giá gạo xuất khẩu tăng

author 12:45 17/07/2014

(VietQ.vn) - Lo sợ vì giá gạo rơi tự do đã đành, nay các doanh nghiệp còn lo sợ vì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh.

Giá gạo xuất khẩu và giá thu mua trong nước đều tăng mạnh

Thực tế, từ hơn nửa tháng nay, giá lúa gạo thu mua tại ĐBSCL đã tăng bình quân khoảng 100 đồng/kg đối với các giống lúa hạt dài để chế biến gạo tấm, giống IR 50404 tăng khoảng 100-150 đồng/kg tùy chất lượng. Giá gạo chào bán xuất khẩu cũng tăng khoảng 10 USD/tấn với gạo 5% tấm và 5 USD/tấn với gạo 25% tấm.

Nguyên nhân của sự tăng giá này là do Việt Nam lấy lại được các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống nhờ sự cộng hưởng của những diễn biến cùng chiều tại Ấn Độ và Thái Lan, khiến sản lượng xuất khẩu dự kiến tăng cao.

Sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng cao do diễn biến bất lợi tại Thái Lan và Ấn Độ

Sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng cao do diễn biến bất lợi tại Thái Lan và Ấn Độ. Ảnh minh họa

Cụ thể, tại Thái Lan, Chính quyền Quân Sự mới lên đã ra lệnh tạm dừng các hoạt động xuất gạo khỏi kho để làm rõ cáo buộc việc mất 2.9 tấn gạo do chương trình cầm cố của chính phủ cũ. Điều này khiến cho nguồn cung gạo đột ngột bị cắt đứt, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan buộc phải ngừng chào giá các hợp đồng mới và giá gạo của Thái Lan cũng vì thế mà tăng đáng kể so với mặt bằng chung của thị trường.

Tiếp đó, tại Ấn Độ, tin tức về hiện tượng El Nino sắp xảy ra và việc kho gạo dự trữ đang dần cạn kiệt khiến nước này phải đối mặt với nguy cơ bị loại ra khỏi vòng cạnh tranh xuất khẩu gạo giống như kịch bản El Nino xảy ra hồi năm 2009.

Giá gạo xuất khẩu tăng cao do cung không đủ cầu

Giá gạo xuất khẩu tăng cao do cung không đủ cầu. Ảnh minh họa

Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 10/7/2014, sản lượng thu hoạch của nông dân ĐBSCL đạt 2,24 triệu tấn lúa các loại. Còn theo Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết đến 10/7, doanh nghiệp hội viên của đơn vị này đã xuất khẩu đạt gần 3,2 triệu tấn. Nói cách khác, sản lượng cung gạo nội địa còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu đã khiến giá gạo xuất khẩu và giá gạo thu mua nội địa tăng cao.

Doanh nghiệp xuất khẩu không nhận hợp đồng vì sợ lỗ

Trao đổi với ông Nguyễn Thế Năng, Tổng giám đốc Vinafood2, được biết, Vinafood 2 trúng thầu 600 000 tấn trong tổng số 800 000 tấn gạo 15% tấm cung cấp cho Philippine theo hợp đồng tháng 4 vừa rồi. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, đã có khoảng 140 000 tấn gạo theo chỉ tiêu bị các doanh nghiệp xuất khẩu từ chối vì lý do sợ lỗ và các quy định trong hợp đồng quá nghiêm ngặt.

Các chủ doanh nghiệp cũng đã lên tiếng xác nhận việc này. Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát cho biết: “Tới giờ phút này, doanh nghiệp xuất khẩu như chúng tôi chưa ký được hợp đồng nào giá cao hết. Mà với mặt bằng giá hiện nay thì hầu như ai xuất đi cũng lỗ. Thậm chí, nếu lấy lấy mặt bằng giá hiện nay so với lô 200.000 tấn vừa mới được Tổng công ty Lương thực miền Nam ký với Malaysia, doanh nghiệp cũng lỗ luôn”.

Giá gạo xuất khẩu rẻ trong khi giá gạo nguyên liệu lại đắt khiến doanh nghiệp chịu lỗ

Giá gạo xuất khẩu rẻ trong khi giá gạo nguyên liệu lại đắt khiến doanh nghiệp chịu lỗ. Ảnh minh họa

Lý do lỗ được đưa ra là do giá thu mua gạo nguyên liệu trong nước đã tăng cao so với thời điểm trúng thầu, cộng với chất lượng gạo của vụ hè thu 2014 còn kém, tỷ lệ thu hồi thấp khiến giá thành sản phẩm cao,trong khi giá hợp đồng đã kí lại quá "bèo".

Về việc xử lý các doanh nghiệp lộn xộn, ông Năng cũng cho biết thêm: “Do hơi đột xuất, nên Tổng Công ty sẽ điều đình lại với nhà nhập khẩu. Sau đó chúng tôi sẽ có những cái giá phải trả cho những đơn vị như thế”.

Phan Huyền (Tổng hợp)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang