Doanh nghiệp mua trường ĐH: Không thể dựa mãi vào ngân sách!

author 14:57 21/08/2015

Sau thông tin Trường ĐH An Giang đã được UBND tỉnh đồng ý bán lại cho một doanh nghiệp lớn của tỉnh này, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo dục phản hồi.

Một góc Trường ĐH An Giang

Chưa bán thì cứ cho thuê!

Muốn tìm giải pháp cho ĐH An Giang cũng như hàng loạt cơ sở trường học khác đang rơi vào tình trạng này, cần phải thẳng thắn nhìn vào thực tế. Đây là một trường ĐH công lập, nhưng ngân sách trung ương từ Bộ 

GD-ĐT chỉ rót xuống 5 tỉ đồng khi trường được thành lập năm 2000. Hiện nay hằng năm tỉnh An Giang phải cấp kinh phí hoạt động cho trường chừng 70 - 80 tỉ đồng. Đây là con số không lớn so với tổng chi ngân sách năm 2015 của An Giang là 10.120 tỉ đồng. 

Vấn đề nằm ở chỗ ngân sách một địa phương không thể dùng để chi thường xuyên cho một trường ĐH như thế.

Giả sử ĐH An Giang được chọn làm thí điểm, chuyển đổi mô hình hoạt động từ một đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, liệu tập thể cán bộ giảng viên ở đây có tự chủ về mặt tài chính được không?

Ắt là không, bởi nếu được thì hằng năm đã không nhận 70 - 80 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh rồi. Trường với gần 600 cán bộ giảng dạy đã làm tốt vai trò đào tạo nhân lực cho tỉnh chưa? Ắt là chưa, bởi nếu được thì đã không có chuyện 600 sinh viên ngành sư phạm ra trường chỉ có 30 người được tuyển dụng. 

Lối thoát của trường nằm ở quyết định 22/2015/QĐ-TTg do Thủ tướng ký ban hành ngày 22-6-2015, trong đó Nhà nước khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục được “thí điểm cho thuê quản lý, thuê cơ sở vật chất, thí điểm cổ phần hóa trên nguyên tắc bảo đảm tiếp tục cung cấp dịch vụ công với chất lượng tốt hơn”.

Nếu Tập đoàn Sao Mai, nơi ngỏ ý muốn mua ĐH An Giang, thật sự có ý muốn cải thiện tình hình, “đầu tư để trường trở thành ĐH quốc tế đầu tiên tại ĐBSCL”, thì giai đoạn đầu An Giang cứ giao cơ sở vật chất cho họ thuê, chuyển đội ngũ cán bộ cho họ quản lý.

Khi thuê thì khỏi lo chuyện họ chiếm đất, chuyển đổi mục đích kinh doanh. Và để khuyến khích một tầm nhìn lâu dài, có thể đặt ra lộ trình sẽ cổ phần hóa nhà trường, mà Sao Mai là bên sẽ được ưu tiên nếu giai đoạn thuê quản lý làm tốt. 

Một đơn vị giỏi quản trị có thể biến một trường từ chỗ phải nhận trợ cấp ngân sách đến chỗ tự chủ tài chính, nếu không thì đã không có các trường ĐH tư thục ra đời. 

Lúc đó, có thể An Giang vẫn phải tốn 70 - 80 tỉ đồng mỗi năm, nhưng có thể chúng là trị giá các suất học bổng cấp cho con em gia đình nghèo để theo học ĐH An Giang hoạt động theo mô hình mới. Lúc đó, tốn tiền nhưng vẫn đáng tốn hơn hiện nay. 

* TS Bùi Trân Phượng (hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen):

Sai lầm từ chủ trương mỗi tỉnh một trường đại học

Tôi cho rằng khó khăn của Trường ĐH An Giang hiện nay do sai lầm của chủ trương mỗi tỉnh một trường ĐH. Việc đầu tư này là sai nên không hiệu quả, chứ không phải do là trường công mà không hiệu quả.

Theo tôi, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên hợp tác lại đầu tư cho Trường ĐH An Giang, vì hiện trường này đang có cơ sở vật chất tốt, giúp định hướng cho nhà trường phát triển đúng hướng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả khu vực này. Nếu kêu gọi sự đóng góp của doanh nghiệp cho nhà trường thì Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ việc này.

Theo đó, doanh nghiệp phải đóng góp thành quỹ giáo dục do Nhà nước kêu gọi. Một giải pháp nữa là An Giang nên giảm bớt quy mô của Trường ĐH An Giang hiện tại. Hiện nay nhà trường có hơn 50ha đất ở khu cũ lẫn khu mới. Như vậy là quá lớn! Nên thu hẹp lại để lấy quỹ đất này đầu tư, làm ra nguồn lợi và sử dụng chính nguồn lợi này đầu tư trở lại cho nhà trường.

 

 

Theo Tuổi trẻ

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang