Doanh nghiệp Nhật Bản còn 'vướng' khi muốn đầu tư vào Việt Nam?

author 07:09 05/06/2019

(VietQ.vn) - Khi được hỏi về kế hoạch triển khai hoạt động trong thời gian từ 1 đến 2 năm tới, gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trả lời rằng “muốn mở rộng hoạt động kinh doanh”. Tuy nhiên, tại Việt Nam, một trong những khó khăn đã và đang hiện hữu trước mắt là tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp…

Số liệu khảo sát năm 2018 của Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho thấy, khi được hỏi về kế hoạch triển khai hoạt động trong thời gian từ 1 đến 2 năm tới, có gần 70% doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trả lời rằng “muốn mở rộng hoạt động kinh doanh”. Con số này tính trong phạm vi các nước ASEAN cũng thuộc top đầu. Tuy nhiên, tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của DN Nhật Bản tại Việt Nam mới chỉ chiếm 36,3%. Tuy có tăng hằng năm nhưng vẫn còn thấp so với tỉ lệ của Trung Quốc 66%, tỉ lệ của Thái Lan 57%. Vì vậy, DN buộc phải nhập khẩu từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hironobu Kitagawa – Trưởng Đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Văn phòng Đại diện tại Hà Nội để làm rõ vấn đề trên.

Ông Hironobu Kitagawa – Trưởng Đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Văn phòng Đại diện tại Hà Nội. 

Thưa ông, mặc dù rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng họ vẫn phải đối mặt với không ít rào cản. Ông có thể cho biết những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay là gì?

Thống kê của JETRO năm 2018 chỉ ra, số dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 630 dự án, tổng số vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD - mức đầu tư cao thứ 2 tính đến hiện tại.

Đáng chú ý, hàng năm JETRO đều tiến hành khảo sát các DN Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam. Theo kết quả khảo sát năm 2018, khi được hỏi về kế hoạch triển khai hoạt động trong thời gian từ 1 đến 2 năm tới, gần 70% DN Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trả lời rằng “muốn mở rộng hoạt động kinh doanh”. Con số này tính trong phạm vi các nước ASEAN cũng thuộc top đầu.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, một trong những khó khăn đã và đang hiện hữu trước mắt là tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp. Theo thống kê, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 36,3%. Tất nhiên, thực tế cho thấy, trong các năm trở lại đây, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu tại Việt Nam có chuyển biến, tăng trưởng song vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, DN Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam buộc phải nhập khẩu từ các nước xung quanh, khiến cho chi phí, rủi ro gia tăng và gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam.

Vậy nguyên nhân của những khó khăn này xuất phát từ đâu, thưa ông?

Ông Hironobu Kitagawa cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đa số vẫn là DNNVV, rất ít có DN, tập đoàn lớn. 

Thực tế ở Việt Nam hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ như sản xuất nguyên liệu, linh kiện, vật tư… chưa thực sự phát triển. Đa số hoạt động trong ngành này vẫn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), có rất ít DN, tập đoàn lớn. Điều đó cho thấy, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV nói chung, chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả. Tôi cho rằng đây cũng chính là một trong những vấn đề lớn còn tồn đọng ở Việt Nam hiện nay.

Thực trạng này cần được Việt Nam nhìn nhận và sớm có những động thái, giải pháp giải quyết thỏa đáng để thông qua đó thu hút DN nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản chú ý, quan tâm đầu tư vào ngành sản xuất, chế tạo của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiến tới được thế giới công nhận là có kỹ thuật sản xuất, chế tạo cao.

Vậy theo ông, để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa về nguyên vật liệu, phụ tùng thì Việt Nam cần các yếu tố gì và doanh nghiệp Việt phải làm như thế nào?

Theo tôi, Việt Nam cần xây dựng các chính sách dài hạn và bám sát thực tiễn cho ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách ưu tiên để phát triển DNNVV hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Ở một khía cạnh khác, trong bất cứ lĩnh vực sản xuất nào cũng cần chú ý đến yếu tố về con người đầu tiên. Con người là chủ thể vô cùng quan trọng mà các DN Nhật Bản khi đầu tư vào bất cứ thị trường nào cũng xem xét đến. Việt Nam cần đào tạo một nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng được nhu cầu về lao động, nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cũng chính nguồn nhân lực này sẽ lĩnh hội, chia sẻ khoa học công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài để từ đó phát huy, áp dụng vào sản xuất tại các DN trong nước, thông qua đó đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Thêm vào đó, cần tạo điều kiện thuận lợi, kết nối, trao đổi thường xuyên giữa DN Nhật Bản và Việt Nam, thông qua đó hiểu được mong muốn, nhu cầu của nhau để hỗ trợ, giúp đỡ nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển nền công nghiệp hỗ trợ.

Đối với các DN Việt Nam, các bạn nên biết rõ về điểm mạnh, điểm yếu của mình cũng như hiểu nguồn lực của mình như thế nào, đến đâu và tập trung nguồn lực vào sản xuất kinh doanh ra sao để từ đó có kế hoạch đầu tư, hợp tác kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt, DN Việt cần luôn cập nhật thông tin mới, chính xác về công nghệ, khoa học kỹ thuật để có chiến lược áp dụng bài bản, hiệu quả. Bên cạnh đó, DN nên tìm đến các đối tác Nhật Bản đáng tin cậy trong cùng lĩnh vực để chia sẻ thông tin, cùng hợp tác. Đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Nhật Bản ra Sách Trắng về khoa học công nghệ năm 2019(VietQ.vn) - Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua Sách Trắng về khoa học và công nghệ năm 2019, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện năng lực nghiên cứu cơ bản của nước này.

Thanh Minh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang