Doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư nhưng ngại thương lái Trung Quốc

author 11:29 10/12/2015

Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL nhưng lo ngại tình trạng thương lái Trung Quốc thu gom nông sản.

Sáng 10/12, 32 công ty Nhật Bản chuyên kinh doanh và sản xuất nông nghiệp đã có buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ để tìm cơ hội đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, 3 chuỗi giá trị sản xuất nông sản chính của TP Cần Thơ là lúa, thủy sản và cây ăn trái. Trong thời gian tới, Cần Thơ sẽ hình thành các tiểu vùng nông nghiệp đặc trưng gồm: vành đai sản xuất lương thực, thực phẩm quanh đô thị ứng dụng công nghệ cao; vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp với du lịch; vùng sản xuất cây con giống phục vụ cho TP và các tỉnh trong khu vực…”.

Đánh giá cao lợi thế, tiềm năng về nông nghiệp ở Cần Thơ cũng như ĐBSCL nhưng ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện văn phòng JETRO (tổ chức xúc tiến thương mại của Chính phủ Nhật Bản) tại TP HCM, lo ngại: “Hiện nay ở ĐBSCL xuất nhiện nhiều thương lái Trung Quốc đi mua nông sản giá rẻ hoặc bán phân, thuốc chưa qua kiểm định cho nông dân đã làm rối loạn thị trường và gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí trong khâu xuất khẩu gạo, xuất hiện thương lái làm trung gian nên lợi nhuận không đến tay nông dân. Vì vậy, ngành nông nghiệp của vùng cần có cải tổ để người nông dân thực sự là đối tượng hưởng lợi khi doanh nghiệp Nhật Bản đến đây đầu tư”.

Người dân ở TP Cần Thơ thu gom cau non bán cho thương lái Trung Quốc trong thời gian vừa qua.

Cũng theo ông Yasuzumi Hirotaka, khi doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam sẽ cung cấp thiết bị kỹ thuật cũng như công nghệ cao, an toàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cho nông dân và người tiêu dùng.

Bà Kiều khẳng định: “Trong sản xuất lúa, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân áp dụng mô hình như cánh đồng lớn, 1 phải 5 giảm nhằm hạn chế sử dụng dư lượng thuốc trừ sâu. Đối với thuỷ sản và cây ăn trái cũng tập huấn cho nông dân biết quy trình làm các chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP để có sản phẩm an toàn bán trên thị trường hoặc xuất khẩu”.

Theo NLĐ


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang