Doanh nghiệp phải tự cứu mình trước khi được cứu

author 16:13 23/09/2020

(VietQ.vn) - Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, để trụ vững và tồn tại, các doanh nghiệp phải tìm giải pháp cho cá nhân mình và cần tự cứu mình trước khi được cứu.

Theo khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, 81% số doanh nghiệp cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là không có đơn đặt hàng trong vòng 6 tháng tới, 72% số doanh nghiệp đang thiếu tiền để trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn thiếu tiền để trả lãi vay ngân hàng, mua nguyên liệu, thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng... 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, từ nay tới cuối năm là thời điểm cực kỳ quan trọng, liên quan tới sự tồn tại của rất nhiều doanh nghiệp. Việt Nam là nền kinh tế mở, kim ngạch xuất nhập khẩu trên 520 tỷ USD, gấp đôi GDP. Trong khi đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến vô cùng phức tạp trên thế giới, nhu cầu hàng hóa giảm mạnh, ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.

Để trụ vững và tồn tại, các doanh nghiệp phải tìm giải pháp cho cá nhân mình và cần tự cứu mình trước khi được cứu. Ảnh minh họa. 

Trao đổi về vấn đề trên, TS. Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia cho hay, năm 2020 có thể nói là năm tồi tệ nhất trong lịch sử khởi nghiệp Việt Nam. Dự báo, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đóng cửa có thể lên đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp chứ không chỉ đơn thuần là hơn 10.000 doanh nghiệp như hiện nay. Đây chỉ mới là những doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, con số doanh nghiệp báo cáo xin đóng cửa, giải thể thực tế còn lớn hơn nhiều. 

Cũng theo ông Hòa, đại dịch Covid-19 khiến cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên trầm trọng hơn và gây ảnh hưởng chưa từng có tới toàn cầu nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

“Để trụ vững và tồn tại, các doanh nghiệp phải tìm giải pháp cho cá nhân mình và cần tự cứu mình trước khi được cứu. Trong đó, cần chú trọng đến việc tái cấu trúc lại doanh nghiệp. Cụ thể, cần tái cấu trúc lại sản phẩm; tái cấu trúc lại công cụ sản xuất, bộ máy vận hành và tái cấu trúc lại phục vụ. Đây chính là cơ hội tốt nhất để các doanh nghiệp phải bắt tay hợp tác với nhau, kết nối cung cầu, tìm đầu ra và cùng vận hành phát triển”, TS. Đinh Việt Hòa nhấn mạnh. 

Ngoài sự nỗ lực từ bản thân cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần sớm đưa ra các chính sách như miễn, giãn, hoãn, giảm các khoản chi như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện..., đặc biệt là được tiếp cận các gói ưu đãi lãi suất thấp với thủ tục nhanh gọn, đơn giản. Trong bối cảnh đầy rẫy khó khăn như hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời, sẽ tiếp tục có nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản trước khi nhận được hỗ trợ…

Về giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp trong quý II/2020, theo đánh giá tại báo cáo của VCCI, kết quả trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời, sát với yêu cầu của Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp. Nội dung cơ bản của các kiến nghị chủ yếu đề xuất giải pháp, chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giãn nộp thuế, lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19 trong lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp, công nghệ thông tin, y tế…

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang