Doanh nghiệp phản ánh lên Thủ tướng việc bị cán bộ tìm cách bắt lỗi

author 10:22 17/05/2017

(VietQ.vn) - Trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, đại diện cho doanh nghiệp nói rằng: Một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp.

Sáng nay (17/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Phát biểu chỉ đạo khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dã trích lại lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi “tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris”; chí sĩ Lương Văn Can “việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”... và cho rằng những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, tuy đã làm được nhiều việc nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước, bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các đại biểu góp ý thẳng thắn, chân thành và xây dựng, qua đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một Chính phủ hành động luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Anh: VGP

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Anh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đại diện các cơ quan nhà nước phát biểu ngắn gọn, dành thời gian cho các đại biểu doanh nghiệp trình bày ý kiến

Tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho biết, Hiệp hội hiểu rõ khó khăn của doanh nghiệp và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương trong tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí.

Về chi phí chính thức, kết quả cải cách thủ tục hành chính và thể chế đã giúp giảm nhiều chi phí chính thức, nhất là trong những lĩnh vực như thuế, hải quan, tạo một bước tiến về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Chi phí tiếp cận một số dịch vụ công như cấp chứng chỉ hành nghề, trong lĩnh vực đất dai, xây dựng, tiếp cận tín dụng… chưa có sự cải thiện. Trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp thường xuyên bị kiểm tra như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy…, doanh nghiệp còn phải chi các khoản không chính thức. Chi phí còn cao khiến giá thành sản phẩm cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Về các nguyên nhân, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp, nhưng khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, không coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Do đó, doanh nghiệp phải "đi đêm", "chung chi", theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”. Doanh nghiệp hiểu một phần lý do là tiền lương của cán bộ, công chức còn thấp, đạo đức công vụ thấp, nên họ phải tìm nguồn thu nhập thêm.

Từ phía doanh nghiệp, một bộ phận doanh nghiệp nhận thức không đúng về kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh nên cạnh tranh bằng quan hệ, đi đêm, đi ngầm… Một số khác do bị sức ép từ các công chức nên phải chi để được việc mặc dù nhận thức được việc làm này là không đúng, vi phạm pháp luật, nhưng vì sự tồn tại của doanh nghiệp, vì việc làm nên miễn cưỡng thực hiện.

Nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mệt mỏi, chán chường, nản chí kinh doanh, bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân.

Do đó, rất cần sự chung tay và thực tâm từ hai phía là cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Từ tình hình trên, Hiệp hội xin kiến nghị, về phía DN cần xây dựng tập quán, thói quen tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, làm giàu chân chính là yêu nước, nói không với tiêu cực, nâng cao năng lực quản trị…

Hiệp hội mong muốn các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI hỗ trợ, liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ… để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, đề nghị có giải pháp tăng cương kỷ luật, kỷ cương, khen thưởng kịp thời các cán bộ công chức có trách nhiệm, nêu cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp. Chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trình Quốc hội Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là đạo luật quan trọng, trong đó đề nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cụ thể cho Hiệp hội.

Dự án nghìn tỷ bị bỏ hoang ở Nghệ An: Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, xử lý(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra, xử lý dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Tân Hồng (Nghệ An) đầu tư nghìn tỷ đồng rồi bỏ hoang.

Hiện nước ta đang tồn tại 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 3,7 triệu hộ có đăng ký và 77% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam đi lên từ hộ kinh doanh. Nên các hộ kinh doanh cần được đối xử bình đẳng như với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Muốn hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, phải có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để họ thấy việc chuyển đổi có lợi ích lâu dài. Hiêp hội đề nghị Thủ tướng giao Hiệp hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư  xây dựng chương trình hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển thành .

Trong hai năm qua, Chính phủ đã triển khai hàng chục chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng còn thiếu tính liên kết. Hiệp hội đề nghị cần chuyển giao việc thực hiện một số dịch vụ công cho các hiệp hội, qua đó giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm chi tiêu ngân sách nhà nước và nâng cao năng lực của của các hiệp hội.

Cuối cùng, nguồn lực trong dân hiện rất lớn, đề nghị có chính sách, giải pháp đột phá để huy động nguồn lực này, tinh thần là vay dân còn hơn đi vay chỗ khác.

Hiệp hội tin tưởng rằng tới năm 2020, chúng ta sẽ đạt mục tiêu, kế hoạch kinh tế-xã hội đã đề ra, trong đó có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

Ánh Ngân

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang