Doanh nghiệp sách giáo dục: Người vui, kẻ buồn

author 15:00 17/09/2018

Nói là người vui, bởi nhiều doanh nghiệp làm sách giáo dục có thể tận dụng sẵn sự ưu ái từ cổ đông lớn - Bộ GD&ĐT để có nguồn cầu bán sách, qua đó đẩy mạnh doanh thu lẫn lợi nhuận. Tuy vậy, vẫn có những doanh nghiệp kinh doanh sách làm ăn thua lỗ.

Trong 17 doanh nghiệp làm sách giáo dục mà Nhadautu.vn khảo sát, có đến 12 doanh nghiệp đạt doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoài.

Doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt nhất là Công ty CP Đầu tư Sao Thăng Long (mã DST), cụ thể DST sau 6 tháng đầu năm 2018 đạt 196,2 tỷ đồng doanh thu, tăng 447,36% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế tương ứng cũng đạt 17,8 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần so với 6 tháng đầu năm 2017.

Công ty CP Sách và thiết bị giáo dục Miền Nam (mã SMN) đứng ở vị trí ‘á quân’ với doanh thu thuần tăng 107% đạt 262 tỷ đồng. LNST tăng 142% đạt hơn 5,8 tỷ đồng. Xét theo giá trị tuyệt đối, doanh thu thuần tăng hơn 17,6 tỷ đồng, trong khi đó có 16,2 tỷ đồng đóng góp từ khoản doanh thu không thường xuyên là bán thửa đất số 457, Xã Bình Hưng, Huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, có thể kể tới nhiều doanh nghiệp khác như Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (mã EID) với Doanh thu thuần đạt hơn 361,6 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. LNST theo đó đạt hơn 28,2 tỷ đồng và tăng nhẹ 1,51%.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam (mã SED) doanh thu thuần đạt gần 314 tỷ đồng và tăng 9,67%. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 28,5 tỷ đồng, tăng khoảng 600 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng (mã BED) doanh thu thuần đạt hơn 38,1 tỷ đồng, tăng hơn 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. LNST hơn 3,1 tỷ đồng, tương đương mức tăng 16,16% so với 6 tháng đầu năm 2017.

Công ty CP Sách Giáo dục tại Thành phố Hà Nội (mã EBS) dù doanh thu thuần đạt gần 79,9 tỷ đồng, giảm 4,74%, tuy nhiên LNST EBS vẫn đạt hơn 4,2 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,08% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Tp. Hồ Chí Minh (mã STC) với doanh thu thuần đạt hơn 169,4 tỷ đồng, giảm 1,25% so với cùng kỳ năm ngoái. LNST đạt hơn 7,6 tỷ đồng và tăng trưởng hơn 6,2%.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng (mã DAD)  khi doanh thu thuần đạt hơn 90,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,92% so với cùng kỳ năm ngoái. LNST hơn 13,1 tỷ đồng, tăng gần 3%.

Công ty CP Sách và Thiết bị Bình Thuận (mã BST) doanh thu thuần tăng gần 17% đạt hơn 20,8 tỷ đồng. LNST hơn 496 triệu đồng, tương đương mức tăng trưởng đến 11,82%.

Công ty CP Sách Giáo dục tại TP.Đà Nẵng (mã DAE) doanh thu thuần đạt hơn 31,6 tỷ đồng, giảm 5,72%. Trong khi đó, LNST gần 3,1 tỷ đồng, tương đương tăng 5,21%.

Công ty CP Sách và Thiết bị Bình Định (mã BDB) doanh thu thuần đạt hơn 29,6 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 4,21%. LNST hơn 381,3 triệu đồng, tăng 7,06% so với 6 tháng đầu năm 2017.

Một doanh nghiệp khác có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt là Công ty CP In Sách giáo khoa tại TP. Hà Nội (mã TPH) doanh thu thuần tăng đến 5,38% đạt 12,7 tỷ đồng. LNST đạt hơn 977 triệu đồng, tương đương mức tăng 25,55%. Tuy vậy, ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên xác định, chi phí tiền thuê đất kỳ 1 năm 2018 tương ứng với phần diện tích thuê của Nhà xuất bản Giáo dục tại TP. Hà Nội với giá trị gần 422 triệu đồng chưa được kết chuyển vào giá vốn hàng bán như đã thực hiện cùng kỳ năm trước. Điều này dẫn đến báo cáo kết quả kinh doanh giữa niên độ của kỳ kế toán 6 tháng đầu năm 2018 đang phản ánh thiếu giá vốn hàng bán với giá trị gần 422 triệu đồng, đồng thời, kiểm toán cũng không thể xác định giá trị của doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ bị phản ánh thiếu.

Cùng với đó, có đến 5 doanh nghiệp ghi nhận KQKD giảm so với cùng kỳ, trong đó duy nhất 1 doanh nghiệp báo cáo KQKD lỗ nặng hơn so với 6 tháng đầu năm 2017. Đó là các doanh nghiệp: Công ty CP Phát hành sách và Thiết bị trường học Hưng Yên (mã HST) doanh thu thuần đạt hơn 36,2 tỷ đồng, tăng trưởng 23,12% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy vậy LNST lại giảm đến 10,62% còn hơn 554,3 triệu đồng.

Công ty CP Sách - Thiết bị trường học Hà Tĩnh (mã HBE) đạt doanh thu thuần đạt hơn 15,3 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, LNST lại giảm đến 5,47%.

Công ty CP Sách và Thiết bị Trường học Long An (mã LBE) với doanh thu thuần đạt hơn 32,2 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng gần 5,5%. LNST lại giảm gần 19% còn 879 triệu đồng.

Công ty CP Sách Giáo dục tại TP.HCM (mã SGD) doanh thu thuần đạt hơn 84,3 tỷ đồng, tăng 7,78% so với cùng kỳ năm ngoái. LNST đạt gần 2,1 tỷ đồng, giảm hơn 19,2% so với 6 tháng đầu năm 2017.

Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Quảng Ninh (mã QST). Đây là doanh nghiệp duy nhất ghi nhận lỗ -1,1 tỷ đồng, lỗ tăng so với gần -15 triệu đồng ở cùng kỳ năm ngoái.

Cổ phiếu giáo dục đáng để đầu tư?

Cần phải nhận định, thanh khoản các cổ phiếu sản xuất sách giáo dục ở mức khá thấp, chưa kể đi kèm với đó là dù đạt KQKD cao, nhưng không phải mã cổ phiếu nào cũng sinh lời cho nhà đầu tư.

Diễn biến giao dịch trong 1 tháng qua của các cổ phiếu có KQKD hiệu quả nhất.

Trong 1 tháng giao dịch trở lại đây, khảo sát từ Nhadautu.vn cho thấy trong 6 doanh nghiệp đạt KQKD cao nhất, chỉ duy có mã DST là tăng điểm đến 52,38%, trong khi đó 5 mã cổ phiếu còn lại đều đồng loạt giảm điểm.

Về yếu tố thanh khoản, ngoại trừ DST là mã cổ phiếu penny với KLGD bình quân trong một phiên là khá lớn, các mã còn lại thanh khoản đều ở mức teo tóp với nhiều phiên không có giao dịch.

Rõ ràng hoạt động kinh doanh chẳng  phải “kém cỏi”, nhưng việc thanh khoản ở mức quá thấp đang là yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà với nhóm cổ phiếu ngành Giáo dục. Đi kèm với đó, quy mô vốn hóa nhỏ cũng là "rào cản" khiến nhóm cổ phiếu này trở nên kém hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh mang tính truyền thống, ổn định và không có sự đa dạng sản phẩm cũng khiến nhà đầu tư không thấy được tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu.

Điều này chẳng cần bàn cãi nhiều khi có thể thấy dù KQKD tăng trưởng tốt, nhưng giá cổ phiếu nhóm này vẫn khá "èo uột".

Theo Nhà đầu tư

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang