Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực- Động lực quan trọng phát triển kinh tế Thủ đô

author 19:37 15/10/2020

(VietQ.vn) - Hà Nội sẽ tăng cường xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhằm phát triển các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế Thủ đô.

Đây là khẳng định của Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội tại buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố ngày 13/10/2020 để lắng nghe và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại Hội nghị Gặp gỡ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) Vương Đình Thanh cho biết, qua ba năm triển khai Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, thành phố đã có 91 sản phẩm của 80 doanh nghiệp trên địa bàn được công nhận là sản phẩm CNCL. Tổng doanh thu các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội ước đạt hơn 100 ngàn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn một tỷ USD. Đây là những sản phẩm công nghiệp chủ lực có sức mạnh, sức lan tỏa và đóng góp lớn cho nền kinh tế Thủ đô.

Giai đoạn 2021-2025, Hà Nội phấn đấu sẽ có từ 100 đến 120 doanh nghiệp tham gia chương trình, với khoảng 150 đến 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố. Đến năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đóng góp từ 40 đến 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và 20 đến 25% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.

Các doanh nghiệp này sẽ được hỗ trợ và thụ hưởng các chính sách của thành phố như quảng bá sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản trị… Mục tiêu sẽ hình thành một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh quốc tế và tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, là đầu tàu dẫn dắt, thúc đẩy công nghiệp Thủ đô phát triển.

Chia sẻ tại hội nghị, các doanh nghiệp đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó này. Theo đại diện các doanh nghiệp, do tác động của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là trong hoạt động xuất khẩu. Nhu cầu giảm nên hầu hết các đơn hàng đều hủy bỏ hoặc chậm thanh lý, thiếu đơn hàng mới. Doanh nghiệp đã phải giảm chỉ tiêu tăng trưởng để phù hợp với tình hình thực tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, doanh nghiệp cần đổi mới, tìm giải pháp vượt khó để tồn tại và phát triển. Doanh nghiệp trong nước nên sử dụng các dịch vụ, sản phẩm của nhau để hỗ trợ nhau trong giai đoạn này, đồng thời, tăng cường tìm kiếm thị trường mới, siết lại quy trình sản xuất kinh doanh để tiết kiệm các chi phí không cần thiết…

Các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước, ngân hàng, bảo hiểm… đồng thời mong muốn các chính sách được thực hiện công bằng giữa các doanh nghiệp, bởi hiện các doanh nghiệp FDI được nhận nhiều ưu đãi hấp dẫn hơn doanh nghiệp trong nước.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, mặc dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng kinh tế Thủ đô vẫn có những khởi sắc. Tổng sản phẩm GRDP tăng 3,5% trong khi nhiều địa phương tăng trưởng âm; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,3% và là một trong hai địa phương của cả nước tăng trưởng dương. Tuy nhiên, hiện chỉ số hàng tồn kho đang tăng cao tới 98%.

Ngoài ra một số chỉ tiêu lớn về sản xuất công nghiệp vẫn giảm, một số mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng do đứt gãy nguồn cung. Sản xuất không có đầu ra thì rất đáng lo ngại. Năm 2021, dự báo sẽ vẫn còn nhiều khó khăn do nhiều nước vẫn đang ở điểm nóng của dịch Covid-19. Do đó, qua ý kiến của các doanh nghiệp, Sở sẽ tham mưu cho thành phố các giải pháp nhằm tháo gỡ, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tăng cường xét chọn các sản phẩm công nghiệp chủ lực, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng, hải quan, thuế, đầu tư… theo hướng ưu tiên, thuận tiện cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Thành phố sẽ hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tiếp cận các ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực, năng lực quản trị doanh nghiệp…, nhằm phát triển các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế Thủ đô- bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã thảo luận việc thành lập Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội. Thành phố Hà Nội cũng tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2018-2020.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang