Doanh nghiệp sẽ..."thâu tóm" chợ?

author 14:30 30/08/2012

(VietQ.vn) - Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc sở Công thương Hà Nội cho biết, sẽ chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn từ quận, huyện, phường xã sang doanh nghiệp quản lý để đảm bảo hoạt động của chợ đúng là một đơn vị kinh doanh.

<br>
Mô hình chợ hiện đại là cần thiết và phù hợp sự phát triển

Thưa ông, trong khi các trung tâm thương mại đang hoạt động kém hiệu quả thì tại một cuộc họp mới đây, TP. Hà Nội lại tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng dự án chợ. Xin cho biết suy nghĩ gì và quan điểm của ông về thực trạng này?

Trước hết phải nói là chúng tôi chuyển đổi mô hình quản lí chợ chứ không phải phá bỏ chợ truyền thống để xây dựng trung tâm thương mại. Theo chỉ đạo của thành phố về quy định quản lí phát triển chợ trên địa bàn, chúng tôi sẽ chuyển đổi mô hình quản lí từ các ban quản lí của quận, huyện, phường, xã sang doanh nghiệp (DN) quản lí để đảm bảo cho hoạt động của chợ đúng là một đơn vị kinh doanh. DN này vừa quản lí về chợ, vừa trực tiếp kinh doanh theo đúng mô hình của chợ. Sau khi chuyển đổi sẽ xã hội hóa kinh phí, nhà nước không phải bỏ tiền ra xây chợ mà DN tự bỏ tiền.

Theo tôi, chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam... không bán được hàng là do chủ đầu tư, cơ quan nhà nước và các hộ kinh doanh không gặp nhau. Do vậy thời gian vừa qua, TP. Hà Nội đã có công văn chỉ thị dừng việc xây chợ lại để sắp xếp, bố trí phù hợp thì sẽ tiến hành.

Tuy nhiên, để xây dựng chợ trong thành phố thì quỹ đất hạn hẹp mà xây chợ phải cùng sự phát triển đô thị để thành phố ngày càng khang trang sạch đẹp, đáp ứng được nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Chuyển đổi chợ, nhà đầu tư nghĩ tới tương lai lâu dài cũng là điều tốt, tuy nhiên chuyển đổi hiện đại hóa nhưng không được mất đi chợ dân sinh, vì thế một số chợ đang dừng giải phóng mặt bằng để đưa ra việc sắp xếp bố trí như thế nào cho hợp lí.

Quan điểm của chúng tôi là khi xây dựng, nâng cấp chợ là phải xây dựng mới trên nền chợ cũ chứ không phải phá bỏ chợ để xây siêu thị, không làm mất đi chợ dân sinh truyền thống đó. Nguyên tắc là nên tồn tại chợ chứ không phải làm biến mất chợ đi, đây là nguyên tắc chứ không phải muốn hay không muốn. Chỉ giao chợ cho DN quản lí chứ không phải bán chợ đi và ông thích đầu tư, xây dựng thế nào thì làm như thế.

Bởi vậy, chúng tôi vẫn kiên trì với nhà đầu tư là xây dựng nâng cấp chợ nhưng phải đảm bảo chợ dân sinh, chúng ta làm tốt hơn là được cả người bán lẫn người mua hàng, chứ xây chợ không phải để phục vụ lợi ích của DN đó. Các tiểu thương sống ở chợ đó, khi mình xây dựng lại chợ là để người ta sống tốt hơn chứ không phải kém đi. Đây là câu chuyện giữa nhà quản lí với nhà đầu tư. Nhà đầu tư muốn đất vàng phải tận dụng triệt để, nhưng nhà quản lí thì muốn lợi ích của người dân được đặt lên hàng đầu.

Thực tế các chợ Cửa Nam, Hàng Da, Ô chợ dừa... đều trong tình trạng hoạt động không hiệu quả. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Theo báo cáo và qua quá trình kiểm tra cho thấy, các chợ: Ô chợ dừa, Hàng Da, Cửa Nam... là chợ nằm trong trung tâm thương mại, việc bố trí vị trí gian hàng không hợp lí. Do việc sắp xếp mặt hàng ướt nằm dưới tầng hầm nên đôi khi bà con đi lại mua sắm phải gửi xe rồi đi xuống tầng hầm là không hợp lí.

Bên cạnh đó, việc bố trí gian hàng so với chợ cũ đắt hơn vì tiện nghi tốt hơn nên giá thuê quầy đắt. Vì giá thuê chỗ đắt nên tiểu thương đánh vào giá thành sản phẩm, bởi vậy giá hàng của chợ trong trung tâm thương mại đắt hơn bên ngoài và càng đắt hơn chợ cóc. Ngoài ra, do tập quán tiêu dùng của dân mình là rẻ và tiện nên chợ cóc đắt khách. Chính vì vậy, người muốn bán hàng trong trung tâm thương mại lại không gặp nhu cầu khách hàng. Hai bên không gặp nhau dẫn đến hiệu quả thấp.

Chợ Nghĩa tân đang tạm dừng  kế hoạch xây dựng mới là do vướng mắc của tiểu thương

Một số chợ như Ngã tư sở, chợ Nghĩa Tân đang tạm dừng do tiểu thương phản đối. Vậy thời gian tới, Sở Công thương có tham mưu thành phố tiếp tục triển khai?

Một số chợ đang có vướng mắc với nhà đầu tư và người dân, có trường hợp là vướng mắc giữa chủ đầu tư và cơ quan nhà nước... Ví dụ chợ Ngã tư sở, một phần vì người dân, một phần vì chủ đầu tư yêu cầu xây cao tầng lên mà theo quy hoạch thì không được. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại chợ này vẫn tạm dừng.

Chợ Nghĩa Tân cũng đang có văn bản trả lời là tạm dừng do vướng mắc của tiểu thương. Theo mong muốn của chủ đầu tư khi xây dựng là 7 tầng, bên dưới xây dựng tầng hầm, trong đó có chợ dân sinh. Các tiểu thương vì lo ế ẩm giống các trung tâm khác nên không đồng thuận.

Về cơ bản cái gì đúng sẽ vẫn làm và những cái chưa phù hợp sẽ dừng lại. Trong thời gian tới, khi chưa tìm được tiếng nói chung thì vẫn chưa triển khai tiếp.

Chợ Cầu Diễn và một số chợ khác bà con tiểu thương không đồng thuận với việc xây dựng chợ mới vì quá trình thực hiện dự án không minh bạch, lo ngại không hiệu quả. Theo ông, cần giải pháp gì để vừa thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước, vừa tạo được sự đồng thuận của người dân?

Chợ cầu Diễn đang nằm trong diện quy hoạch, nhà đầu tư cũng muốn xây dựng lại khang trang, nhưng do vướng mắc của các tiểu thương nên hiện tại vẫn tạm dừng thi công. Thực trạng hiện nay cho thấy, các chợ trong thành phố đều có nhu cầu xây dựng lại khang trang và hiện đại. Trước đây chợ chật, tiểu thương đông, cứ chen chúc nhau, ngồi hết lối đi, bạt chăng chằng chịt, nếu có hỏa hoạn thì không biết cứu kiểu gì.

Theo chủ trương sẽ không phá bỏ chợ truyền thống mà chỉ thay đổi cách quản lý cho phù hợp

Vì vậy, việc xây chợ là rất tốt, nhưng nhiều người dân chưa hiểu, có người nghĩ rằng, ở chợ cũ họ được ngồi chỗ đẹp, giờ sang chợ mới lại ngồi chỗ không tiện... bởi thế nên cứ từ từ, không đồng ý việc xây chợ; và cứ từ từ như thế thì không biết bao giờ đất nước mới phát triển.

Chuyện dừng xây chợ có nhiều nguyên nhân, nhưng chúng ta phải đặt lợi ích chung lên trên. Để thực hiện được việc này phải có độ trễ để các bên gặp nhau, từ đó mới dẫn đến sự đồng thuận, tránh bất ổn gây ra tranh chấp khiếu kiện ở cơ sở. Chủ trương là đúng thì thực hiện, sai thì dừng lại. Đây không phải là phá bỏ chợ, mà xây dựng, nâng cấp cải tạo, làm thế nào để chợ được tốt hơn. Khi chủ đầu tư trúng thầu rồi thì họ được quyền đề xuất xây dựng, cải tạo lại chợ là điều đúng.

Bởi vậy phải có sự trao đổi, chúng tôi muốn rằng nhà quản lí và nhà đầu tư sẽ gặp nhau, làm thế nào thống nhất được phương án, để xây dựng một cái chợ không xập xệ, nhưng không đến mức chuyển đổi hẳn không còn là cái chợ nữa.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!

Ngọc Mai - An Nghĩa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang